Phong trào khởi nghiệp (lập nghiệp) và khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang lên cao và quyến rũ giới trẻ là một tín hiệu đáng mừng. Cả hai hình thái khởi nghiệp này đều cần xuất phát từ ít nhất một điểm chung là ý tưởng. Ý tưởng làm gì?


Khởi nghiệp sáng tạo khác với lập nghiệp hay khởi sự kinh doanh thông thường ở sự rõ ràng của bước đường làm sản phẩm. Ý tưởng mới xuất hiện thì còn mờ mịt, chẳng mấy giá trị khi chưa có sản phẩm, dịch vụ và chưa chứng minh được nhu cầu thị trường.

Đó là lý do cần những nhân tố như nhà đầu tư thiên thần (angel investor), người dìu dắt (mentor), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital)…, nhưng sẽ không ai giúp được start (bắt đầu) và up (cất cánh) nếu người sáng lập (founder) không đủ thực lực sống sót và quan trọng hơn là tinh thần dựa vào… chính mình.

Sách về khởi nghiệp khuyên nên “fail fast, fail cheap” (thất bại nhanh và rẻ thôi), nhưng chỉ vài lần như vậy cũng đủ để founder kiệt lực, nguồn lực của xã hội bị sứt mẻ. Nhưng nguy hiểm hơn, xã hội có thể mất niềm tin vào khởi nghiệp. “Sợ nhất là nhà có ba anh em, hai đứa đầu thất bại. Đứa thứ ba có thể làm thì bị cho là vớ vẩn” - băn khoăn của ông Trần Trí Dũng - chuyên gia từ SECO, chương trình do Thuỵ Sĩ tài trợ nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho Việt Nam.

Ngày nay, hầu hết công nghệ, cách làm sản phẩm, dịch vụ đều có thể tìm thấy trên Internet. Nhưng đi tìm nhu cầu thị trường đòi hỏi người khởi nghiệp phải lăn vào cuộc sống để khởi ý tưởng. Nếu bạn chưa có những phát kiến đột phá về công nghệ có thể làm thay đổi ít nhất một lĩnh vực thì việc nhìn ra nhu cầu của bản thân, của những người xung quanh và tìm ra cách mới để giải quyết nhu cầu ấy hiệu quả chính là một bước để khởi ý tưởng. Và nếu nhu cầu ấy mang hình dáng của tình yêu hay nỗi đau, ấy là lúc founder có được niềm đam mê và khát vọng trên hành trình mờ mịt, gian khó của khởi nghiệp.

Từ góc nhìn này, nếu mỗi người thực thi đổi mới sáng tạo, phát hiện và giải quyết một cách mới và hiệu quả các nhu cầu của mình, của những người xung quanh thì đất nước sẽ tiến đến quốc gia khởi nghiệp, mà ở đó sẽ có nhiều hơn một vài startup thành công như hiện nay.