Ghi danh di sản không phải là sự tôn vinh của UNESCO dành cho một danh thắng hay di sản văn hóa, và nó cũng không chỉ dừng lại là câu chuyện của một quốc gia. Việc ghi danh đã kéo theo đó là những tranh chấp về chủ quyền văn hóa, chủ sở hữu di sản, và rộng hơn là câu chuyện về hậu ghi danh di sản.

Những cuộc “kéo co” trong chủ quyền văn hóa

Trong bộ phim tài liệu “Chia e tazi pesen?” (Bài hát này của ai?) ra mắt vào năm 2003, đạo diễn người Bulgaria Adela Peeva đã ghi lại cuộc hành trình của mình băng qua tám đất nước thuộc bán đảo Balkan để khám phá nguồn gốc của một giai điệu. Giai điệu này liên tục “biến đổi” mỗi khi cô đến một vùng đất mới thuộc bán đảo: từ một khúc tình ca đến khúc quân hành, từ thánh ca tôn giáo đến bài ca cách mạng. Khi cô đặt ra câu hỏi “Bài hát này của ai?” thì người dân của nước đó đều tuyên bố bài hát đó là của riêng nước mình, họ từ chối chia sẻ quyền sở hữu bài hát này với những vùng đất khác, và khẳng định rằng chỉ có nước họ mới có thể sáng tác ra một tác phẩm tuyệt vời đến thế.

Thanh niên các phường Xoan An Thái, Thét, Kim Đái, Phù Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trình diễn bài “Mời rượu”. Cho đến nay, Hát xoan là trường hợp đầu tiên và duy nhất được chuyển ra khỏi Danh sách Khẩn cấp và được ghi danh vào Danh sách Đại diện trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Ảnh: laodongthudo

Câu chuyện tưởng chừng hy hữu này hóa ra một ngày lại xuất hiện trong cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO vào năm 2019. Khi đó, Ấn Độ đã nộp hồ sơ ghi danh phương pháp y học cổ truyền 2.500 tuổi Sowa-Rigpa của nước này là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, Trung Quốc lẫn Pakistan đã phản đối hồ sơ của Ấn Độ và cho rằng Sowa-Rigpa có nguồn gốc từ Tây Tạng. Trên thực tế, vào năm 2017, Trung Quốc đã đi trước Ấn Độ một bước trong việc ghi danh tắm thần Sowa Rigpa (tắm lá thuốc) của Trung Quốc vào danh sách đại diện Di sản văn hóa phi vật thể.

Cốt lõi của cuộc xung đột này nằm ở tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan tại Kashmir – nơi thực hành rộng rãi bài thuốc cổ Sowa-Rigpa. Rõ ràng lúc này cuộc chiến “kéo co” giữa Trung Quốc và Ấn Độ không còn dừng lại ở một di sản, mà đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc tranh chấp về biên giới, chính trị.

Tại tọa đàm “Ghi danh di sản: từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn” do Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào tháng bảy vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện đang giảng dạy tại ĐHQGHN, cho biết Việt Nam có thể cũng không nằm ngoài những tranh chấp văn hóa phức tạp này.

“Người Việt được xem là một trong những dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, và nước này đã đưa di sản của người Việt như đàn bầu và lễ hội làng truyền thống (còn gọi là Hội hát) của cộng đồng người Việt ở bán đảo Vạn Vĩ, Đông Hưng vào danh mục di sản quốc gia Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ với kinh nghiệm của một trong 12 chuyên gia quốc tế trong hội đồng thẩm định Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể công ước 2013 của UNESCO xuyên suốt hai nhiệm kỳ liền. “Hiện nay, có một số lo ngại về việc Trung Quốc có thể nộp hồ sơ ghi danh đàn bầu và Hội hát làm Di sản Văn hóa phi vật thể. Trước đây Trung Quốc đã từng làm hồ sơ về tín ngưỡng múa mặt nạ của người Hàn Quốc sống tại Trung Quốc và một hồ sơ về thực hành văn hóa của người Mông Cổ tại Trung Quốc – đã được UNESCO chính thức ghi danh vào năm 2009”.

Thậm chí, theo bà, áo dài cũng đối diện với nguy cơ bị “xâm lấn” văn hóa này khi mà nhãn hiệu Ne Tiger đã trình diễn một bộ sưu tập áo dài, nón lá tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019, và được tờ China Daily khen gợi là “Chinese style” (phong cách Trung Quốc). Từ năm 2020, các cơ quan chức năng của nước ta đã bắt đầu lập hồ sơ để đệ trình lên UNESCO với mong muốn sớm ghi danh áo dài Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong nhiều năm nay, các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về những cuộc tranh chấp như vậy. Thậm chí, tại cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Di sản văn hóa phi vật thể, rất nhiều quốc gia đã tranh luận gay gắt về vấn đề này. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, di sản liên quan đến chủ quyền và quyền sở hữu của một quốc gia, nhưng nhiều di sản lại không xác định được quyền sở hữu, nó có thể tồn tại trong nhiều cộng đồng, địa phương, quốc gia và nơi nào cũng nhận mình là chủ sở hữu của di sản đó.

Nhằm tránh những mâu thuẫn như vậy, UNESCO đã khuyến khích các nước làm hồ sơ đa quốc gia với những di sản xuyên biên giới. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có một hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co cùng Hàn Quốc, Campuchia và Philippines, và đã được UNESCO thông qua và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12.2015.

Ghi danh không phải là vinh danh

Quá trình gấp rút khi làm hồ sơ di sản và sự vui mừng của các quốc gia khi một di sản được ghi danh đôi khi khiến chúng ta liên tưởng đến một cuộc đua tìm kiếm người chiến thắng. Thậm chí, ở Việt Nam, mỗi khi một di sản trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, rất nhiều tờ báo giật tít với những từ như “vinh danh”, “ca ngợi”.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, cần hiểu chính xác mục đích ghi danh (inscription) di sản của UNESCO là nhằm bảo vệ di sản bằng cách “đưa các di sản vào danh sách” (list), chứ không phải là “vinh danh” (honor) hay “xếp hạng” (ranking) di sản đó ở đẳng cấp quốc tế. Nói cách khác, “UNESCO muốn cộng đồng quốc tế nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, mục tiêu hướng đến là nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng, khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa. Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất”.

UNESCO đã bác bỏ hồ sơ của một số quốc gia bị UNESCO khi đề cập đến việc ghi danh di sản nhằm gây dựng thương hiệu cạnh tranh, thu hút du lịch. Cách hiểu ghi danh di sản là danh hiệu hấp dẫn có thể dẫn đến những hành động trái ngược với tinh thần của công ước. “Việc ghi danh không khiến cho một di sản có đẳng cấp hơn những di sản chưa được ghi danh hay di sản cấp địa phương thì kém giá trị hơn di sản cấp quốc gia”, bà Hiền khẳng định.

Tương tự, sự phân biệt này – dù vô tình – nhưng đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong đầu tư bảo vệ và phát triển di sản. Một mặt, các danh sách này đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, quốc tế trong việc bảo vệ di sản, cũng như là cơ sở để lên danh sách một số di sản cần được ưu tiên hỗ trợ. Mặt khác, một cách tự nhiên – dù không cố ý, danh sách này đã tạo ra một sự phân biệt đẳng cấp giữa các di sản, từ đó nhiều nơi đã dồn nguồn lực đầu tư cho các di sản được ghi danh mà bỏ bê những di sản còn lại.

Những tranh cãi liên quan đến việc ghi danh di sản còn mở ra một vấn đề mới: hậu ghi danh di sản, hay là về phát triển bền vững. Hậu ghi danh di sản, không phải nơi nào câu chuyện cũng tích cực như trường hợp của quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình), khi mà “công ty Xuân Trường – cơ sở phụ trách quản lý danh thắng này trong 50 năm – đã khai thác hợp lý di sản và mang lại sinh kế cho người dân”, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết. Trong khi đó, với trường hợp của người dân làng cổ Đường Lâm, du lịch không tạo ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững. Người dân như sống trong một cái lồng quản lý và không thể tự chủ trong việc trùng tu ngôi nhà, cùng với đó khách du lịch kéo đến đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. Tháng 5/2015, 23 hộ dân xã Đường Lâm ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ. Bốn tháng sau, vẫn là một lá đơn nội dung không thay đổi. Lần này, tổng số chữ ký là 781.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, việc hòa hợp giữa vai trò của cộng đồng về bảo tồn, phát huy di sản cũng như vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng hồ sơ di sản là chìa khóa để bảo vệ và phát triển di sản nói chung. Tuy nhiên, cần chú ý rằng vai trò của nhà nghiên cứu cũng vô cùng quan trọng như chiếc cầu nối trung gian lắng nghe ý kiến và kết nối các bên lại với nhau. Đặc biệt, khi mà di sản phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu, nhà nghiên cứu còn đóng vai trò đưa ra các đề xuất dựa trên những nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, quản lý, bảo tồn… để hai bên có những cân nhắc, từ đó đưa ra những quyết định hợp lý. “Nhà nước, cộng đồng và nhà nghiên cứu phải luôn giữ mối liên kết chặt chẽ với nhau bởi nếu chỉ dựa vào sức của một bên thì sẽ rất khó để xây dựng, ghi danh, và đặc biệt là phát huy và bảo tồn di sản, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền kết luận.

Tính đến năm 2020, trên toàn thế giới đã có tổng số 1.121 di sản được ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO theo Công ước 1972, trong đó có 869 di sản văn hóa, 213 di sản thiên nhiên, 39 di sản hỗn hợp, phân bố trên lãnh thổ của 167 quốc gia.

Việt Nam đã có tám di sản được UNESCO ghi danh là di sản thế giới. Trong đó, hai di sản được ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long (1994), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003); năm di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích Cố đô Huế (1993), Khu Phố cổ Hội An (1999), Khu Di tích Chăm Mỹ Sơn (1999), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Di tích Thành nhà Hồ (2011); một di sản thế giới hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An (2014).

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động là một trong những mô hình bảo tồn và phát triển thành công hậu ghi danh di sản, một trong những dẫn chứng tiêu biểu là người dân nơi đây vẫn được giữ suất đinh – tức là được phép chèo thuyền chở khách du lịch làm sinh kế. Ảnh: vietfuntravel

Trong suốt từ năm 2014 đến nay, đã bảy năm trôi qua nhưng chúng ta chưa có thêm một di sản nào vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO theo Công ước 1972. Trên thực tế, từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã cho phép tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử để ghi danh vào danh sách này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, “Quảng Ninh và hai tỉnh giáp ranh khác là Bắc Giang và Hải Dương đều đang lúng túng trong việc xây dựng hồ sơ. Đặc biệt, vì nhiều lý do mà việc xác định giá trị nổi bật toàn cầu của danh thắng này khó khăn hơn so với Hạ Long, Hội An hay Cố đô Huế”.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có 13 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh theo Công ước 2003, bao gồm 12 di sản thuộc Danh sách Đại diện: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2003), Nhã nhạc cung đình Huế (2005) - hai di sản này chuyển từ Kiệt tác truyền khẩu của nhân loại sang danh sách này), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (2017), Hát xoan (2017, được chuyển ra khỏi Danh sách Khẩn cấp và được ghi danh trong danh sách này), thực hành Then của người Tày (2019). Hiện Việt Nam chỉ có một đại diện duy nhất trong Danh sách Khẩn cấp là Ca trù (2010).

Tham khảo:
[1] https://vnexpress.net/duong-lam-noi-nguoi-dan-song-mon-tren-di-san-3720431.html