Ngoài các bằng chứng cho thấy hiệu quả của các công nghệ học tập cá nhân hóa còn hạn chế và tạo thêm áp lực lên giáo viên, lo ngại lớn hơn xoay quanh những vấn đề đã hiển hiện hoặc đang manh nha.
Cỗ máy học tập của B. F. Skinner
“Học tập cá nhân hóa” (personalized learning) là một xu hướng giáo dục được quan tâm nhất trong thế kỷ 21 tính tới thời điểm hiện tại. Thực tế, giấc mơ về một lớp học, nơi nội dung, phương pháp và nhịp độ học tập có thể thay đổi giữa các học sinh sao cho phù hợp nhất với đặc điểm, sở thích và năng lực riêng biệt của mỗi em không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Ý tưởng về một chương trình học tập cá nhân hóa đã xuất hiện ở Mỹ từ gần một thế kỷ trước, mà một trong số những nỗ lực có ảnh hưởng nhất đến từ B. F. Skinner và máy dạy học (teaching machine) của ông.
Burrhus Frederic Skinner (1904-1990).
Năm 1953, trong một lần tới thăm ngôi trường của con gái mình và có cơ hội quan sát tiết học Toán của học sinh lớp 4, Skinner, khi đó đang là giảng viên Tâm lý học tại Đại học Harvard, ấn tượng mạnh về việc tất cả học sinh đều học chung một tiến độ, và thường có độ trễ trong việc phản hồi lại của giáo viên với các câu trả lời đúng. Vốn được coi là cha đẻ của lý thuyết hành vi tạo tác, ông tin rằng những phản hồi kịp thời từ bên ngoài - cụ thể là những phần thưởng hay trừng phạt - là thứ quyết định các hành vi học tập theo sau của cá nhân.
Không chút chần chừ, chỉ trong vài ngày sau buổi tham quan, Skinner đã phát triển “máy dạy học” đầu tiên, cho phép học sinh nhận được những đánh giá ngay lập tức về những điều các em vừa học và do đó, có thể tiếp tục tiến trình học theo tốc độ riêng của mình. Cỗ máy này kết hợp nội dung giảng dạy với các câu hỏi kiểm tra. Skinner chia nội dung bài học thành nhiều bước nhỏ, với mỗi câu trả lời đúng, học sinh sẽ nhận được một phản hồi ngay lập tức và có thể chuyển sang phần học kế tiếp; với mỗi câu trả lời sai, học sinh sẽ phải học lại phần học đó cho tới khi nào đưa ra được đáp án đúng.
B. F. Skinner thiết kế máy dạy học xuất phát từ thực tế thiếu tính cá nhân hóa trong lớp học. Thiết bị do ông thiết kế cho phép học sinh học tập môn toán và môn đánh vần theo tốc độ cá nhân dựa trên hướng dẫn có sẵn và giáo viên có thể theo dõi tiến độ học tập của học sinh để biết em nào cần được quan tâm nhiều hơn hay ít đi. Máy học tập của Skinner dù không thành công trong thời đại của ông nhưng được coi là tiền thân của các công nghệ giáo dục số ngày nay. Trong ảnh: Một cô bé 5 tuổi học đánh vần với máy dạy học của B. F. Skinner. Em cần chọn chữ cái phù hợp với hình ảnh nhìn thấy; và nếu chọn đúng, em sẽ được chuyển sang phần tiếp theo. Nguồn: teachingmachin.es
Mặc dù đem tới những hứa hẹn về khả năng giúp mỗi đứa trẻ được học theo tiến độ của riêng mình, cỗ máy của Skinner đã nhận về nhiều chỉ trích, ngay từ khi chưa thực sự được áp dụng vào trường học. Giáo viên cho rằng việc sử dụng những công nghệ như vậy sẽ khiến các chính trị gia cùng các nhà quản lý có thêm lý do để tăng quy mô lớp học và thay thế công việc của họ bằng máy móc. Các nhà giáo dục và nhà tâm lý học thì cho rằng cỗ máy này chỉ củng cố việc học vẹt chứ không phải học tập thực sự, và tước đi các tương tác người - người quan trọng. Các nhà nghiên cứu yêu cầu cần có thêm nhiều bằng chứng thực chứng về mức độ hiệu quả của cỗ máy thay vì đi từ một hứa hẹn dựa trên lý thuyết suông. Phụ huynh thì e sợ việc áp dụng những chương trình như vậy sẽ đặt vào tay các tập đoàn tư nhân quyền lực tối cao khi máy móc kiểm soát toàn bộ việc học tập của con trẻ mà không phải chịu sự giám sát của công chúng. Người dân Mỹ khi đó lo lắng về viễn cảnh cuộc sống của hàng vạn con người bị định hình bởi một công nghệ vô hình.
Khung cảnh những đứa trẻ ngồi trong lớp học, nhìn chằm chằm vào thiết bị trước mặt, hoàn thành những chương trình học được chuẩn hóa khi ấy chỉ là một viễn cảnh trong những dạng tiểu thuyết phản địa đàng như 1984 của Orwell hay Brave New World của Huxley; không hề là một điều được chào đón trong xã hội dân chủ.
Công nghệ giáo dục được coi là giải pháp cho nhu cầu học tập cá nhân hóa, nhưng vẫn còn những lo lắng khi máy móc kiểm soát quá nhiều việc học tập của học sinh.
Học tập cá nhân hóa của thế kỷ 21
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do là thời điểm lý tưởng hơn bao giờ hết cho sự hợp tác giữa chính phủ với các tổ chức tư nhân mang danh nghĩa cải cách giáo dục. Cùng với đó, trong khi giáo dục còn đang đau đầu với hàng ngàn khó khăn không có lời giải, thì các công nghệ đã phát triển với một tốc độ không lĩnh vực nào có thể bắt kịp, hứa hẹn cung cấp giải pháp cho mọi vấn đề.
“Mạng lưới các nhà đổi mới” gồm các tập đoàn đa quốc gia (như Facebook, Google, Pearson), các start-up công nghệ (Summit Learning, Knewton), chính phủ, quỹ từ thiện (Gates Foundateion), các think tank (Brookings Institue) và các nhà đầu tư mạo hiểm (CEE Trust, Charter School Growth Fund) này không chỉ góp phần đẩy mạnh tự sự về học tập cá nhân hóa, nó còn vận hành như một “mạng lưới chính sách mới” trong giáo dục. Chẳng hạn, Common Core (sáng kiến đưa ra các tiêu chuẩn chuẩn hóa mà học sinh mỗi cấp học cần đạt được) được áp dụng trên toàn nước Mỹ vốn được phát triển bởi một mạng lưới các nhóm thương mại, các nhà khởi nghiệp, quỹ tài trợ, tổ chức phi lợi nhuận và công ty khảo thí. Do đó, nó như dọn đường sẵn để dễ dàng đưa các kiểm tra dựa trên máy tính (computer-adaptive testing) và học tập cá nhân hóa vào.
Hàng loạt nền tảng phục vụ học tập cá nhân hóa đã hình thành và được áp dụng rộng rãi như Summit Learning, K12, Khan Academy, MyLab, Teach to One. Thông thường, các nền tảng này hoạt động tương tự với cách các mạng xã hội hoạt động, đó là sử dụng các thuật toán được xây dựng thông qua các dữ liệu về đặc điểm cá nhân và hành vi người dùng, từ đó gợi ý và đưa ra những chỉ dẫn và bài học phù hợp nhất với cá nhân đó.
Một thống kê vào năm 2016 của Education Week ước tính, “Bộ Giáo dục Mỹ đã trao khoảng nửa tỷ USD cho các quận áp dụng tiếp cận này”. Năm 2009, Quỹ Bill & Melinda Gates cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho các nghiên cứu và phát triển “học tập cá nhân hóa.” Trong năm học 2018-2019, gần 400 trường học trên toàn nước Mỹ, với gần 3.800 giáo viên và hơn 72.000 học sinh, sử dụng chương trình Summit Learning được tài trợ bởi Sáng kiến Mark Zuckerberg. Năm 2015, tại Providence - quận lớn nhất bang Rhode Islands - chỉ có duy nhất một trong số 39 trường sử dụng tiếp cận giáo dục cá nhân hóa; mô hình này giờ đây đã lan tỏa tới 25 trường khác.
Không như là mơ
Giấc mơ của Skinner từ 60 năm trước đã trở thành sự thật; nhưng đồng thời, cả những lo sợ của người Mỹ từ 60 năm trước cũng quay trở lại.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Colorado cảnh báo, các đề xuất của giáo dục cá nhân hóa đang mời gọi các công ty tư nhân can thiệp vào các trường công lập, buộc học sinh vẫn “phải học theo các cách y hệt nhau” chỉ là “thông qua sử dụng các phương tiện kỹ thuật số” và bỏ qua sự hướng dẫn của con người. Một đánh giá trên quy mô toàn quận Providence của Viện Chính sách Giáo dục John Hopkins chỉ ra, “các hành vi mất tập trung của học sinh vẫn tương đương, hay thậm chí là tệ hơn” so với khi sử dụng mô hình lớp học truyền thống.
Ngoài các bằng chứng cho thấy hiệu quả của học tập cá nhân hóa còn hạn chế và đang khiến công việc của giáo viên trở nên vất vả hơn, lo ngại lớn hơn xoay quanh việc học tập cá nhân hóa chỉ là cái cớ để các công ty công nghệ biến trường học thành các “thùng chứa” dữ liệu lớn. Mặc dù không thể nói rằng các công ty công nghệ đang có ý đồ “xấu xa”, thì chính họ cũng thừa nhận chủ ý thu thập dữ liệu từ học sinh. Bharat Mediratta, cựu kỹ sư tại Google, trong một phỏng vấn với Education Week đã nói rằng, “Đầu tiên, chúng tôi cần tạo ra dữ liệu lớn (big data) cái đã. Sau đó mới có thể tính đến việc sử dụng nó thế nào để cải cách giáo dục.”
Những lo lắng này không hề thiếu có cơ sở khi năm 2017, một nền tảng học tập kỹ thuật số phổ biến khác là Edmodo đã bị hack, khiến cho thông tin của khoảng 77 triệu người dùng bị đem bán ở khắp trên mạng. Hay vụ bê bối về bảo mật dữ liệu của Facebook khiến nhiều phụ huynh lo ngại về mức độ an toàn của Summit Learning - một chương trình học tập cá nhân hóa do Sáng kiến Chan Zuckerberg tài trợ.
Nhưng trong khi tiết lộ dữ liệu là một hành vi trái phép rõ ràng, thì vẫn còn một “kẻ thù” mơ hồ khác mà chúng ta sẽ khó đối đầu trực diện: các thuật toán. Không chỉ trong giáo dục, công nghệ thuật toán luôn bị vướng vào cái gọi là “vấn đề” hộp đen, khi mà không ai biết nó thực sự vận hành như thế nào. Trong một viễn cảnh các công nghệ khai thác dữ liệu quy mô lớn có thể nhận diện các biến nhân khẩu học và hành vi người dùng và xác định nó có hay không mối liên hệ với đại học và con đường nghề nghiệp, những phân tích này có thể tạo ra một phân tầng xã hội “ảo”, nơi mà những học sinh được xếp vào nhóm có “khả năng” nhận được các gợi ý vào trường đại học, và những học sinh được xếp vào nhóm “không có khả năng” nhận được các gợi ý dẫn dắt xa khỏi những con đường phát triển học thuật.
Vấn đề không phải ở chỗ, liệu đó có phải là lựa chọn tốt nhất cho các em, mà ở chỗ những quyết định đó đáng ra phải dựa trên tư vấn của các nhà tâm lý học, giáo viên, phụ huynh và hơn hết là chính học sinh, nay lại được ủy quyền cho sức mạnh tự động và thuật toán của các phần mềm cơ sở dữ liệu. Và vấn đề hộp đen khiến chúng ta không thể nhận diện và xem xét những lỗi hay những thiên kiến mà các thuật toán này có thể có.
Không có giải pháp đơn giản
Khi mà hàng tỷ USD đã được đổ vào các nền tảng học tập kỹ thuật số, câu chuyện không còn đơn giản như việc từ chối một cỗ máy học tập. Tẩy chay việc tích hợp công nghệ vào giáo dục càng không phải là phương án phù hợp khi mà nhờ có nó, các trường học mới vượt qua được đại dịch COVID-19 lần này. Đúng là vậy, chúng ta không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm lên công nghệ cho những thất bại của việc triển khai giáo dục cá nhân hóa. Cũng như, chúng ta ngay từ đầu đáng ra không nên coi công nghệ là câu trả lời đầy đủ cho việc làm thế nào để trải nghiệm học tập trở nên riêng biệt hơn cho mỗi cá nhân.
Những kết quả còn chưa khả quan về các nền tảng học tập cá nhân hóa đều cùng chỉ ra một khoảng cách quá lớn giữa sự phát triển của công nghệ và năng lực của giáo viên. Các nhà quản lý giáo dục có lẽ đã quá vội vã tìm kiếm một câu trả lời nhanh chóng thông qua công nghệ thay vì nhận diện và giải quyết rất nhiều vấn đề khác còn tồn tại trong giáo dục.
Và trước nhất, có lẽ chúng ta chưa có đủ bàn luận về khái niệm “học tập cá nhân hóa”, nó thực sự là gì, cần được tiến hành như thế nào và đánh giá kết quả ra sao. Có thể những khía cạnh nhỏ lẻ của học tập cá nhân hóa đã được áp dụng ở nơi này, nơi khác, nhưng một định nghĩa tổng quát về những yếu tố tạo nên một ngôi trường thực sự theo tiếp cận học tập cá nhân hóa hiện vẫn chưa xuất hiện.
Tài liệu tham khảo
Benjamin Herold (2017). The Case(s) Against Personalized Learning. EducationWeek. https://www.edweek.org/technology/the-cases-against-personalized-learning/2017/11
Brass, J., & Lynch, T. L. (2020). Personalized learning: A history of the present. Journal of Curriculum Theorizing, 35(2).
Bulger, M. (2016). Personalized learning: The conversations we’re not having. Data and Society, 22(1), 1-29.
Dockterman, D. (2018). Insights from 200+ years of personalized learning. npj Science of Learning, 3(1), 1-6.
Dian Schaffhauser. (2019). A Personalized Learning Backlash. The Journal. https://thejournal.com/Articles/2019/01/09/A-Personalized-Learning-Backlash.aspx?Page=1
Tammy Kim (2019). The Messy Reality of Personalized Learning. The Newyorker. https://www.newyorker.com/news/dispatch/the-messy-reality-of-personalized-learning