Bà con nông dân áp dụng phương pháp hiệu ứng hàng biên đều đang phải cấy tay bởi các loại máy hiện có đều “mặc định” mật độ cấy dày hơn, không điều chỉnh được khoảng cách đúng với yêu cầu của phương pháp này.

Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định, điều đó không có nghĩa cấy hàng biên đối nghịch với cơ giới hóa, mà cấy tay là lựa chọn của họ khi so sánh với cấy máy về mặt lợi ích, trong điều kiện thực tế của nông thôn Bắc Bộ và việc áp dụng cấy máy cho phương pháp này không khó.

Lợi ích kinh tế cao hơn cấy máy

Giáo sư - tiến sỹ khoa học (GS-TSKH) Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, tác giả nhiều giống lúa và từng hướng dẫn nông dân cấy các giống của mình theo phương pháp hiệu ứng hàng biên - cho rằng, công nghệ cấy này hạn chế cơ giới hóa do chưa được các nhà sản xuất máy cấy biết đến. Mặt khác, công nghệ này có thể tận dụng sức lao động nhàn rỗi nên cấy tay lợi hơn cấy máy.

Theo GS Quý, do cấy thưa nên cấy hàng biên nhanh hơn các phương pháp khác. Hiện 65% dân số là nông dân với thu nhập còn thấp và vẫn phải tìm cách kiếm thêm bằng những công việc đơn giản. Việc cấy bằng tay sẽ giúp tận dụng nguồn lao động này, giúp nông dân có cơ hội tăng thu nhập, tiết kiệm đáng kể công cấy. “Do đó có thể khẳng định, cấy hàng biên không cản trở cơ giới hóa” - GS Quý nói.

Lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: Lê Hằng

Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Văn Biếu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội các Ngành sinh học Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp - phân tích kỹ hơn bằng bài toán đơn giản: Với mỗi sào ruộng, khi sử dụng máy cấy, người nông dân phải trả tiền thuê máy từ 200.000 đến 250.000 đồng, phải mua mạ chuyên gieo để cấy máy (khoảng 50.000 đồng). Trong khi đó, nếu cấy tay, một nông dân cấy giỏi có thể cấy 3-4 sào mỗi ngày với công nghệ cấy hàng biên. Nếu thuê cấy, chi phí cho mỗi sào là 50-70 nghìn đồng, người làm thuê có thêm công việc để tăng thu nhập, chủ ruộng giảm được chi phí đầu vào.

“Chính vì lý do này mà hiện nay, ở những vùng đã áp dụng cấy hàng biên thì máy cấy (cấy bằng máy theo các phương pháp khác) rất khó vào” - TS Biếu cho biết.

Không khó điều chỉnh khoảng cách khi cấy máy

Theo TS Biếu, cơ giới hóa đã tham gia vào rất nhiều khâu kỹ thuật như cấy, làm đất, thu hoạch, phơi, sấy... nhưng với phương pháp hiệu ứng hàng biên, cơ giới hóa và khâu cấy chưa “gặp” được nhau. Lý giải về điều này, ông khẳng định, không phải phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên không thể áp dụng cơ giới hóa, mà thực tế công nghệ, kỹ thuật cơ khí chưa cập nhật về phương pháp này. Các máy cấy hiện hành đều được “cài đặt” cố định khoảng cách giữa các khóm lúa, và khoảng cách đó không phù hợp với hướng dẫn cấy hàng biên.

GS-TSKH Trần Duy Quý cùng với các hộ nông dân của huyện Bình Lục, Hà Nam chiêm ngưỡng thành quả từ phương pháp cấy lúa hàng biên. Ảnh: Lê Hằng

“Theo tôi, với công nghệ điện tử hiện đại, nhất là ở thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc điều chỉnh khoảng cách giữa các khóm cho máy cấy không quá khó, chỉ bằng các thao tác nhấn nút. Robot chúng ta còn làm được thì chẳng có lý do gì không làm được cái máy cấy theo công nghệ này? Có điều, hiện mức độ phổ cập của công nghệ cấy hàng biên chưa đủ rộng để những người sản xuất máy cấy để ý đến” - TS Biếu nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp, ông Trần Đại Nghĩa - Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa (huyện Tiền Hải, Thái Bình), tác giả máy cấy lúa không dùng động cơ loại 4 và 6 hàng cây - khẳng định, ông đã biết đến phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên từ những năm trước và máy cấy của ông hoàn toàn có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của phương pháp này.

“Hiện máy cấy của tôi được thiết kế khoảng cách đều giữa hàng sông và hàng con, khoảng từ 22-24cm/hàng tùy theo địa hình và nội dung đặt hàng của bà con. Nếu muốn cấy theo hiệu ứng hàng biên - nghĩa là kiểu cấy hàng rộng, hàng hẹp, chỉ cần tính toán nhấc ra 1 hoặc 2 khoang mạ là được. Ví dụ hàng rộng cần 40cm, hàng hẹp là 20cm thì chỉ cần nhấc ra một khoang mạ ở giữa. Nếu muốn thay đổi theo cách khác thì cũng hoàn toàn có thể làm được” - ông Nghĩa khẳng định.

Những bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng của xã Tam Cường, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên. Ảnh: Lê Hằng

GS Quý cho biết, ông từng trao đổi với một viện cơ khí về việc cùng với kỹ sư Chu Văn Tiệp chế tạo loại máy cấy có thể xê dịch hàng sông từ 35cm lên 45cm để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của từng giống. “Về mặt kỹ thuật, trình độ của công nghệ cơ khí và công nghệ thông tin hiện nay thừa khả năng sản xuất loại máy cấy với công thức như vậy. Vì thế không có gì khó nếu muốn áp dụng cơ giới hóa cho phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên” - ông Quý nhận định và nói thêm, điều quan trọng để hiện thực hóa điều đó là phương pháp được triển khai ở quy mô đủ rộng, nghĩa là cần có chủ trương thống nhất từ trên xuống.

Còn TS Biếu gợi ý, để có thể áp dụng các công thức cấy máy đại trà cho phương pháp hiệu ứng hàng biên, tác giả có thể chia theo nhóm cao cây, nhóm trung bình và nhóm thấp cây, những cây trong nhóm chỉ nên chênh nhau vài centimét. Riêng với những hộ muốn có công thức chi tiết hơn cho từng giống cụ thể thì cần liên hệ với tác giả.

“Tôi nghĩ không có vấn đề gì nếu áp dụng cơ giới hóa cho cấy hàng biên. Ví dụ khoảng cách hàng sông lớn trong phương pháp này là 45cm, khoảng cách khi dùng máy cấy thông thường là 43cm thì cũng không ảnh hưởng lớn vì cây trồng có khả năng tự điều chỉnh” - TS Biếu cho biết. “Nói như vậy để tránh hiểu lầm rằng cứ cấy hàng biên là phải cấy tay, không cơ khí hóa được. Với công nghệ tiên tiến hiện nay, khoảng cách rộng hay hẹp đều có thể dễ dàng điều chỉnh trên trục cơ khí” - TS Biếu khẳng định.