Việc chỉ ra được quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này giúp nông dân giảm 1/3 chi phí công lao động, thuốc trừ sâu, phân bón nhưng năng suất lại tăng 10-20%.
Công nghệ cấy lúa hàng biên của kỹ sư (KS) Chu Văn Tiệp - Trung tâm Tư vấn đào tạo và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Hội Sinh học Hà Nội - đã được cấp bằng sáng chế và đoạt giải nhì giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (Vifotec) 2015.
Theo đó, lúa được cấy thưa, mỗi m2 chỉ 15-16 khóm với lúa lai, 18-20 khóm với lúa thuần; cứ hai hàng hẹp cách nhau 15cm (các khóm cách nhau 15cm) lại cấy một hàng rộng 38-40cm (xem thêm Báo Khoa học và Phát triển số 24, ra ngày 9/6).
GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, tác giả của hơn 30 giống lúa tốt - đã áp dụng phương pháp cấy của KS Tiệp cho các giống lúa của mình.
GS Quý đánh giá, cấy thưa giúp tận dụng ánh sáng chiếu vào gốc, thân, lá, kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa đẻ sớm, đẻ khoẻ, ít sâu bệnh. Việc chỉ ra được quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu và quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm này giúp nông dân giảm 1/3 chi phí công lao động, thuốc trừ sâu, phân bón nhưng năng suất lại tăng 10-20%. Chi phí làm ra một cân thóc giảm 500-1.000 đồng so với các cách cấy khác.
“Mấy vụ vừa qua tôi thường đi phổ biến giống lúa mới và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Tôi thường phổ biến cả 3 cách gồm gieo thẳng, cấy SRI và cấy hàng biên để họ tự chọn. Kỹ thuật cấy hàng biên đã thể hiện nhiều ưu điểm. Như giống B225 vốn mắc rất nhiều bệnh, nhưng khi cấy hàng biên thì đỡ bệnh rất nhiều do nhận đủ ánh sáng. Đây là công phát hiện của KS Tiệp. Ông ấy đã tìm ra cách giúp cây lúa ở giữa ruộng và ria bờ tốt, khỏe như nhau” - GS Quý nói. Ông cho biết, không phải cứ cấy càng thưa càng tốt mà mỗi giống đều có công thức riêng. Ví dụ, với giống siêu lúa thì cấy thưa nhất là 13-14 khóm/m2, nếu chỉ cấy 10 khóm là hỏng và cấy dày đến 35 khóm cũng không đạt.
Bích Ngọc