Các nhà khoa học Mỹ tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa ở Vành đai Kuiper.

bang-chung-ve-hanh-tinh-thu-10-n-nap-ngoai-ria-he-mat-troi

Mô phỏng quỹ đạo của hành tinh thứ 10 nằm ở Vành đai Kuiper. Ảnh: LPL.

Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Hành tinh và Mặt Trăng (LPL) của Đại học Arizona, Mỹ, tìm thấy bằng chứng về một hành tinh có thể đang ẩn nấp ở phần bên ngoài của hệ Mặt Trời, theo Phys.org. Hành tinh này hoàn toàn khác và gần hơn nhiều so với thiên thể được gọi là hành tinh thứ 9, một hành tinh mà sự tồn tại của nó vẫn đang chờ xác nhận. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomical hôm 19/6.

Kat Volk và Renu Malhotra, hai tác giả của nghiên cứu, cho biết hành tinh chưa được khám phá có khối lượng nằm giữa khối lượng sao Hỏa và Trái Đất, cách Mặt Trời khoảng60 đơn vị thiên văn (AU). Lực hấp dẫn của nó chi phối mặt phẳng quỹ đạo của vô số các thiên thạch thuộc Vành đai Kuiper (KBOs), nằm ở vùng băng giá phía ngoài hệ Mặt Trời.

Trong khi hầu hết thiên thể ở Vành đai Kuiper bay xung quanh Mặt Trời với độ nghiêng quỹ đạo gần trùng với mặt phẳng hoàng đạo, các thiên thể xa nhất của vành đai này có mặt phẳng quỹ đạo nghiêng một góc khoảng 8 độ. Các nhà khoa học cho rằng có một hành tinh nào đó đã làm lệch hướng chuyển động của những thiên thể này.

"Sau khi phân tíchmặt phẳng quỹ đạo của hơn 600 thiên thể trong Vành đai Kuiper, chúng tôi cho rằng phải tồn tại một hành tinh lớn bằng sao Hỏa để gây ra góc nghiêng quỹ đạo mà chúng tôi đo được", Volk nói.

Theocác nhà nghiên cứu, hành tinh thứ 10 nếu tồn tại có thể đã đến vùng vành đai ngoài của hệ Mặt Trời sau khi va chạm với một hành tinh khác. Sự tồn tại của hành tinh thứ 10 sẽ tiếp tục được điều tra và khảo sát trong tương lai.