Trong khi nông dân từng cấy hàng biên tại nhiều huyện thuộc 18 tỉnh miền Bắc tâm đắc với phương pháp này thì ngành nông nghiệp vẫn chưa có ý kiến chính thức. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng chưa thể coi phương pháp này là một tiến bộ kỹ thuật.

Theo phản ánh của nông dân, hợp tác xã, cơ quan khuyến nông ở các địa phương áp dụng kỹ thuật cấy hàng biên của KS Chu Văn Tiệp cũng như các chuyên gia về nông nghiệp (xem Báo Khoa học và Phát triển số…), phương pháp này giúp tăng năng suất từ 15-20% so với cấy rối, lượng giống và công cấy giảm 50%, phân bón giảm 20-30%.

Phương pháp đoạt giải nhì giải Vifotec 2015 này hiện chưa được ngành nông nghiệp đưa vào chương trình khảo nghiệm chính thức để đánh giá khả năng ứng dụng đại trà, do cách nhìn khác của cơ quan quản lý.

“Cấy thưa không phải luôn luôn tốt”

Theo ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - phương pháp của KS Tiệp nếu triển khai rộng sẽ không hiệu quả vì hàng sông quá lớn.

Người dân cấy lúa theo phương pháp truyền thống.
Người dân cấy lúa theo phương pháp truyền thống.

Ngoài mật độ cấy và khoảng cách hàng, năng suất lúa còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như đặc điểm sinh học của cây lúa. Với những giống đẻ kém, đẻ trung bình, không thể cấy quá thưa vì số bông sẽ không đảm bảo; hay ở những vùng không điều khiển được lượng nước, nước không ngập cây lúa thì không đẻ nhánh được.

“Theo tôi, trong điều kiện tối ưu thì phương pháp này có thể đúng nhưng ở đồng ruộng không thể tối ưu mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Không thể áp một công thức chung cho mọi giống và địa hình” - ông Khởi nói.

GS-TSKH Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam - cũng có quan điểm tương tự: “Đất xấu và đất tốt phải có mật độ cấy khác nhau. Các yếu tố nước, dinh dưỡng, thời tiết từng mùa vụ cũng tác động đến năng suất, vì vậy coi mật độ, khoảng cách là cây đũa thần để giải quyết năng suất lúa là không đúng”.

Theo GS Long, về mặt lý thuyết, phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên rất mới nhưng để triển khai đại trà thì phải kiểm nghiệm bằng thực tiễn, trồng trên quy mô lớn mới có thể kết luận và đúc rút thành quy luật chung.

Còn ông Đinh Công Chính - Phó phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - thì cho rằng, lúa cấy theo hiệu ứng hàng biên thường được cấy trong điều kiện vụ mùa, khi đó mới tận dụng được ánh sáng để cho năng suất tốt. Ngoài ra để phát huy tốt hơn hiệu ứng hàng biên, theo ông nên dùng các giống lúa cảm quang, trong khi đây là loại lúa ít phổ biến trong dân.

“Muốn nhân rộng phải là tiến bộ kỹ thuật”

Về việc một số địa phương tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hải Phòng… cho biết nông dân đã cấy hiệu ứng hàng biên với diện tích gần 100ha/vụ, GS Long cho rằng con số thống kê chưa chính thức đó có thể không chính xác, bởi đã có nhiều trường hợp diện tích báo cáo và điều tra thực tế là hai con số khác nhau.

“Đã bao giờ chính quyền hay hợp tác xã gặt đủ 100ha rồi cân hết lên để so sánh năng suất, hay chỉ làm vài hecta lấy kết quả rồi nhân lên theo diện tích? Chỉ khi nào kiểm định bằng thực tế, đo đếm rất cụ thể, khoa học thì mới kết luận được. Chính tôi cũng đặt câu hỏi tại sao bà còn đã làm nhiều thế mà không nhân rộng được diện tích trồng, chỉ loanh quanh một số xã, huyện? Vậy những số liệu đưa ra liệu đã chính xác chưa, đã đủ rút ra thành quy luật chưa?” - GS Long đặt câu hỏi.

Lúa được cấy theo hiệu ứng hàng biên ở huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: N. Biếu
Lúa được cấy theo hiệu ứng hàng biên ở huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc. Ảnh: N. Biếu

Về khả năng nhân rộng kỹ thuật cấy hàng biên, TS Nguyễn Văn Biếu - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Hà Nội - lưu ý, một phương pháp kỹ thuật muốn được triển khai sâu rộng vào sản xuất nông nghiệp thì phải được coi là tiến bộ kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Khởi khẳng định phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên không được coi là tiến bộ kỹ thuật. Giải thích cho tuyên bố này, ông nói: “Những tiến bộ kỹ thuật quan trọng nhất là phải vào được sản xuất, nếu không vào được sản xuất thì cũng không làm được gì”.

Thậm chí ông Khởi còn cho rằng, cấy lúa với mật độ 12-15 khóm/m2 theo phương pháp hiệu ứng hàng biên là “cực kỳ nguy hiểm và rủi ro vì năng suất có thể thấp”. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phân tích rằng ở những nơi ruộng trũng, lúa sẽ không đẻ nhánh khỏe; hoặc đặc tính di truyền của giống lúa quy định số bông chỉ đạt được con số nhất định, chẳng hạn mỗi m2 chỉ được hơn 100 bông hoặc 200 bông thì không thể cho năng suất cao. Số lượng bông phải đủ mới đảm bảo được năng suất.

“Chưa phù hợp với tập quán canh tác”

Ngoài những nguyên nhân trên, theo TS Trần Văn Chính - nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - tập quán canh tác của bà con nông dân cũng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc nhân rộng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên ở các địa phương.

“Việc phá bỏ tập quán canh tác cũ không hề dễ dàng. Bà con quen cấy tự do nên khi được phổ biến cấy hàng biên phải dùng thước căng dây thì khó thay đổi. Đặc biệt khi hết tập huấn thì bà con sẽ quay lại cách cấy cũ” - TS Chính nói và nhấn mạnh, nếu bà con áp dụng phương pháp mới nhưng không triệt để thì năng suất không bằng cách cũ, khi đó sẽ gây hiệu ứng không tốt trong nông dân và bà con sẽ không tin tưởng.

Đồng quan điểm với TS Chính, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - nói: “Ngày nay nông dân không chỉ cấy lúa thuần túy mà còn làm nhiều việc khác. Chính vì thế, việc năng suất lúa tăng 15-20%, thậm chí 30% thì số lúa tăng thêm ấy bán cũng không được bao nhiêu. Do đó họ sẽ chọn phương pháp nào cấy nhanh để tranh thủ đi làm thuê”.