Cánh tay in 3D do một công ty Việt sản xuất đã giúp thượng úy Đinh Văn Dương - người duy nhất sống sót sau vụ máy bay quân sự rơi tại Hòa Lạc ngày 7/7/2014 - phục hồi được một phần hoạt động cầm nắm của mình.

Tác giả của cánh tay giả điều khiển bằng cơ này là Công ty 3D Master, chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực in 3D và scan 3D.

Với cánh tay của anh Dương chúng tôi đã tạo ra nhiều phiên bản khác nhau. Đầu tiên là phiên bản để kiểm tra cơ khí, điều khiển cơ, dây; rồi đến các phiên bản điều khiển một - hai ngón tay và cuối cùng là cả năm ngón, làm sao để phối hợp được năm ngón tay bằng suy nghĩ. Cho đến nay, sản phẩm tương đối hoàn chỉnh. Còn tốt hay không tôi sẽ không khẳng định mà chờ thời gian và anh Dương phản ánh là khách quan nhất” - Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Công ty 3D Master - cho biết.


Sau tai nạn, thượng úy Dương trải qua 24 cuộc phẫu thuật, ba lần tim ngừng đập, không còn cả hai bàn tay và hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng; nhưng người phi công này đã có một thái độ hết sức quả cảm trước thực tế nghiệt ngã khi anh luôn thấy mình may mắn vì vẫn còn sống.

Anh đã được lắp cả hai cánh tay giả, một do Công ty 3D Master tặng, một do nhóm thiện nguyện của MC Phan Anh tặng.


Thượng úy Dương sử dụng cánh tay giả để rót nước cho MC Phan Anh, Hà Nội, 13/11/2017. Ảnh: Loan Lê
Thượng úy Dương sử dụng cánh tay giả để rót nước cho MC Phan Anh, Hà Nội, 13/11/2017. Ảnh: Loan Lê

Theo thượng úy Dương - người được kết nối với Công ty 3D Master bởi một nhóm thiện nguyện - thì “Sử dụng cánh tay này tôi có thể cầm chai nước và rót nước. Tuy ban đầu vẫn còn hơi gượng gạo, chưa thuần thục nhưng nhờ hướng dẫn của các kỹ thuật viên thì tôi cũng đã nắm được những nguyên tắc cơ bản”.

Mất cả hai tay sau vụ tai nạn, anh Dương thật sự vui sướng khi lại được cầm nắm những đồ vật hằng ngày, bớt đi phần nào thời gian chăm sóc của gia đình.

Cơ chế điều khiển linh hoạt

Theo chia sẻ của anh Cương thì trường hợp của thượng úy Dương “không giống ai”. Khác với những trường hợp bị tật bẩm sinh hoặc tai nạn, cánh tay của anh Dương vẫn còn một phần của bàn tay.

Trước đó, một số công ty khác trong lĩnh vực sản xuất cánh tay giả đã khuyên thượng úy Dương phẫu thuật cắt bỏ đi phần bàn tay thì họ mới lắp tay giả cho anh được. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý với phương án đó vì không muốn anh phải trải thêm một cuộc phẫu thuật nào nữa.


Chúng tôi đến gặp anh Dương và đưa ra ý tưởng thiết kế của mình đó là vẫn giữ nguyên hiện trạng tay của anh. Chúng tôi có công nghệ scan 3D và in 3D nên có thể chép mẫu, in và thiết kế tùy biến theo hiện trạng của tay người và họ không phải thay đổi bất cứ điều gì. Trước khi bắt tay vào làm sản phẩm, chúng tôi cũng đã đặt ra những câu hỏi, khảo sát nhu cầu của anh Dương để bảo đảm sản phẩm sát với mục đích sử dụng” - anh Cương kể.

Được biết, cánh tay giả của thượng úy Dương được nhóm nghiên cứu thực hiện trong khoảng ba tháng, với trọng lượng của riêng bàn tay là khoảng 0,5kg, trọng lượng vật thể có thể cầm được từ 2-3kg. Anh Cương chưa cho biết chi phí cụ thể nhưng khẳng định sản phẩm này rẻ hơn nhiều lần so với các sản phẩm tương tự trên thế giới.

Theo anh Cương, ở Việt Nam cũng có những công ty là đại lý bán sản phẩm của các công ty nước ngoài nhưng với giá rất cao - từ 500-600 triệu/cánh tay.

Cánh tay giả của anh Dương có cơ chế điều khiển khá linh hoạt. Khi anh Dương suy nghĩ muốn cầm nắm một vật gì đó, tín hiệu từ não truyền xuống các bó cơ sẽ được sensor thu nhận và số hóa, truyền tới mạch điện và điều khiển các động cơ điện; các động cơ này sẽ co kéo các ngón tay theo mong muốn để cầm hay nhả vật. Tương ứng với mỗi ngón tay là một bộ động cơ cùng hệ thống truyền động cơ khí chính xác, đảm bảo việc cầm nắm vật diễn ra đúng ý nhất.

Năng lượng cung cấp cho các động cơ trên là loại pin đặc biệt, được sạc không dây. Pin có dung lượng 1.100-2.200mAh và có đèn báo vạch dung lượng nên người dùng có thể biết được khi nào cần sạc pin.

Phần cơ khí bàn tay được thiết kế thông qua công nghệ scan 3D và được chế tạo bằng công nghệ in 3D. Vật liệu bao các ngón tay là nhựa công nghiệp từ hãng Zortrax, vật liệu các kết cấu lõi khung truyền động là nhôm, đồng, inox. Các đầu ngón tay được bọc silicon an toàn tăng ma sát khi cầm nắm vật, Anh Cương cho biết, khó khăn nhất hiện nay là không chủ động được nguồn cung cấp pin mà phải nhập từ nước ngoài với giá rất đắt. Anh mong muốn sẽ có những đơn đặt hàng lớn để có thể giảm giá thành sản phẩm xuống khoảng 100 triệu/cánh tay cho những người khuyết chi không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước lân cận.

Sắp tới, nhóm sẽ phát triển sản phẩm VbionicHand v5.1 có tính tùy biến cao hơn, phục hồi cử động cho cả những người chỉ bị khuyết một hoặc nhiều ngón tay - theo anh Cương.