Là thắc mắc của độc giải Hoàng Anh Tuấn (Bình Dương) sau khi đọc chuyên đề “In giấc mơ bằng công nghệ 3D” trên báo Khoa học và Phát triển số 945.
Độc giả Tuấn chia sẻ: “Tôi rất mừng khi được biết thông tin về ứng dụng in 3D ở Việt Nam. Đây là một đề tài thú vị bởi nó gây nhiều cảm hứng về việc biến giấc mơ thành hiện thực bằng các thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí về thực tế ứng dụng in 3D ở Việt Nam còn khá ít. Là một người làm trong lĩnh vực nha khoa ở địa phương, tôi có thắc mắc là in 3D có thể giúp được gì cho nha sĩ và ở Việt Nam, chúng ta đã ứng dụng công nghệ này trong nha khoa tới đâu?”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Ngọc - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn 3DMAN Việt Nam, một đơn vị cung cấp các thiết bị, dịch vụ in 3D - cho biết, triển vọng của in 3D trong lĩnh vực nha khoa rất lớn, chẳng hạn trong việc thay thế hay nắn chỉnh nha, nha khoa thẩm mỹ.
“Khi muốn thay thế răng hay nắn chỉnh hàm, người ta có thể sử dụng máy scan 3D lấy dữ liệu hàm răng dưới dạng file ảnh. Sau đó, họ dùng phần mềm chuyên dụng xử lý bề mặt cùng kỹ thuật viên vá lại lỗi những chỗ mà máy scan không quét hết để hoàn chỉnh bản vẽ 3D. Từ bản vẽ này, người ra in ra được hàm răng khách hàng để đánh giá tổng thể một cách trực quan, thay vì dùng hình ảnh 2D như trước tới nay vẫn làm”.
Cũng nhấn mạnh tiềm năng của in 3D đối với ngành nha, bác sỹ nha khoa Trần Đức Trinh - Bệnh viện Y học phòng không, không quân Hà Nội - cho biết: “Ngoài việc in ra nguyên mẫu hàm răng để phục vụ công tác chẩn đoán, đánh giá, điều chỉnh, công nghệ in 3D còn được ứng dụng trong việc trồng răng và một số lĩnh vực khác. Ở một số quốc gia trên thế giới, sau khi dùng máy scan 3D để đo đạc kích thước và hình dạng chính xác chiếc răng cần thay, người ta dùng máy in 3D có thể sử dụng vật liệu đặc biệt để tạo ra răng giả, sau đó trồng ngay vào chỗ răng khuyết trên hàm”.
Tuy nhiên, theo vị bác sỹ này, hiện ứng dụng của in 3D đối với nha khoa ở Việt Nam vẫn chưa được rộng rãi lắm. Nguyên nhân là chi phí cho một lần điều trị có sử dụng máy in 3D rất lớn. Ở nước ngoài, chi phí điều trị nha khoa mà bệnh nhân phải trả rất cao nên người ta có thể trang bị máy in 3D; còn ở Việt Nam, đa số các cơ sở nha khoa chỉ làm răng giả bằng kỹ thuật analog, chưa phổ biến in 3D vì khả năng tài chính của khách hàng chưa thể đáp ứng được.
“Ngành nha khoa Việt Nam đang đi sau nước ngoài 10-20 năm và khó có thể ứng dụng rộng rãi in 3D trong vòng 1-2 năm tới. Yếu tố tiên quyết để đưa công nghệ này vào nha khoa là sự đầu tư về khoa học công nghệ và tài chính. Mức chi trả phí cho một lần chữa trị cũng phải điều chỉnh thì mới có thể áp dụng. Hiện tại, công nghệ cũ dùng vẫn ổn, tuy không phải tốt nhất nhưng chi phí chấp nhận được nên người ta vẫn dùng. Trong khi đó, công nghệ in 3D dù có nhiều ứng dụng nhưng chi phí gấp đôi nên cần phải xem xét” - ông Trinh nói.