Những dự báo ban đầu cho rằng El Niño trở lại vào cuối năm 2023 sẽ làm cho thời tiết thế giới thêm cực đoan, và nhiều khả năng khiến cho nóng lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C.


Người đàn ông nhìn xác động vật chết vì hạn hán do El Niño ở miền nam Hargeisa, Somaliland, 4/2016. Ảnh: Feisal Omar/Reuters
Người đàn ông nhìn xác động vật chết vì hạn hán do El Niño ở miền nam Hargeisa, Somaliland, 4/2016. Ảnh: Feisal Omar/Reuters

Nhiệt độ bề mặt đại dương và gió trên Thái Bình Dương tạo ra các dao động tự nhiên là El Niño (nước biển ấm lên), La Niña (chu kỳ mát hơn đối ngược với nó) và các tình trạng trung tính. Trong ba năm qua, chúng ta đã chứng kiến một loạt các sự kiện La Niña diễn ra liên tiếp.

Năm nay được dự đoán sẽ nóng hơn năm 2022, vốn xếp hạng thứ năm hay thứ sáu trên bảng đánh giá những năm nóng nhất theo các bộ dữ liệu toàn cầu. (Năm nóng nhất trong lịch sử – năm 2016 – là do El Niño gây ra.) El Niño xảy ra giữa mùa đông ở bắc bán cầu và hiệu ứng tăng nhiệt của nó mất hàng tháng mới gây tác động. Như vậy, nhiều khả năng năm 2024 sẽ thiết lập kỷ lục nhiệt độ toàn cầu mới.

Các nhà khoa học vẫn chưa rõ quy mô El Niño sẽ xảy ra. Nhiều mô hình dự báo các tình trạng El Niño vừa phải sẽ xuất hiện từ mùa hè năm 2023 và bức tranh sẽ rõ ràng hơn vào tháng Sáu.

Cho đến nay, các khí nhà kính do hoạt động của con người thải ra đã đẩy nhiệt độ toàn cầu lên khoảng 1,2 độ C, dẫn tới những tác động kinh hoàng trên khắp thế giới, từ những đợt nóng gay gắt ở Mỹ và châu Âu cho tới những trận lũ lụt khốc liệt ở Pakistan và Nigeria, gây phương hại cho hàng triệu người.

“Nhiều khả năng là đợt El Niño lớn tiếp theo sẽ khiến nóng lên toàn cầu vượt mức 1,5 độ C. Trong chu kỳ 6 năm tiếp theo, xác suất chúng ta có năm đầu tiên mà nóng lên toàn cầu vượt 1,5 độ C là khoảng 50:50”, theo GS Adam Scaife, người đứng đầu nhóm dự đoán dài hạn tại Cục Khí tượng của Vương quốc Anh.

Do biến đổi khí hậu, những hiệu ứng từ các sự kiện El Niño đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, sau đó nó tác động ngược lại lên biến đổi khí hậu. Khi hai tình trạng này kết hợp với nhau, nhiều khả năng những đợt nóng lớn chưa từng có sẽ xảy ra trong lần El Niño tiếp theo.

“Hiện nay khoa học có thể dự báo những sự kiện này từ hàng tháng trước. Vì thế chúng ta thực sự cần sử dụng nó để chuẩn bị nhiều hơn, từ các dịch vụ khẩn cấp cho tới nên canh tác giống cây gì,” Scaife nói.

Các kết quả của mô hình khí hậu do Cục Khí tượng Úc công bố vào đầu tháng Một chỉ ra nước này sẽ chuyển từ ba năm có lượng mưa trên trung bình sang một năm có những giai đoạn El Niño nóng nhất, khô hạn nhất từng được ghi nhận, gia tăng nguy cơ xảy ra các đợt nóng, hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng. Tháng 12 vừa qua, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ đã đánh giá xác suất El Niño hình thành vào tháng Tám – tháng Chín là 66%.

Các quốc gia giáp phía tây Thái Bình Dương - gồm Indonesia và Úc - sẽ phải chịu tình trạng nóng và khô hơn, nhiều trận hạn hán và cháy rừng hơn; trong khi Trung Quốc có thể sẽ có lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử sau các chu kỳ El Niño lớn.

Bên cạnh đó, những đợt gió mùa ở Ấn Độ và các cơn mưa ở Nam Phi cũng có thể bị ngăn chặn. Các khu vực khác, như Tây Phi và miền nam nước Mỹ, những nơi gần đây đã phải chịu những đợt hạn hán, có thể sẽ có mưa nhiều hơn và xuất hiện lũ lụt. Ở Nam Mỹ, các vùng phía nam sẽ ẩm ướt hơn, trong khi vùng Amazon trở nên khô hạn hơn. Đây là một điều nguy hiểm vì rừng nhiệt đới Amazon vốn đang tiến gần đến “điểm tới hạn” – thời điểm rừng mất đi hoàn toàn và biến thành đồng cỏ, giải phóng một lớn carbon, đồng thời làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu.

Theo GS Tim Palmer tại Đại học Oxford, câu hỏi lớn nhất vẫn chưa được giải đáp là liệu biến đối khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho các sự kiện El Niño nhiều hơn hay La Niña nhiều hơn. Điều này vô cùng quan trọng đối với các quốc gia trong việc xem xét cách thích ứng về dài hạn.

Palmer đã cùng đồng nghiệp kêu gọi thành lập một trung tâm quốc tế trị giá 1 tỷ USD để xây dựng các mô hình khí hậu chi tiết hơn, giống như máy gia tốc hạt lớn Large Hadron Collider cho phép các nhà vật lý học phân tử quốc tế cùng nhau thực hiện điều mà không một quốc gia nào có thể làm một mình.

Nguồn: