Năm 2022 là năm thứ tư liên tiếp các đại dương trên thế giới hấp thụ nhiều nhiệt lượng nhất từng được ghi nhận; hệ quả là mực nước biển dâng cao và góp phần gây ra các thảm họa khí hậu.

Các kỷ lục nhiệt độ đại dương trước đây lần lượt được ghi nhận cho các năm 2021, 2020 và 2019.

Vì nhiệt độ cụ thể ở mỗi điểm sẽ khác nhau, độ nóng của đại dương được các nhà nghiên cứu đo bằng tổng nhiệt lượng chứa trong đại dương ở độ sâu từ 0-2000 mét. Theo báo cáo mới, tổng nhiệt lượng đại dương năm 2022 lớn hơn năm 2021 từ 8,3 đến 10.9 Zetta Joules (ZJ), mỗi ZJ bằng 1021 Joules.

Các đại dương trên thế giới là những bể tản nhiệt khổng lồ, hấp thụ tới 90% lượng nhiệt dư thừa trong khí quyển. Và bởi vì khí quyển đang nóng lên nhanh chóng do phát thải khí nhà kính, các đại dương ngày càng hấp thụ nhiều nhiệt hơn theo thời gian.

Kỷ lục mới được công bố vào ngày 11/1, chỉ vài ngày sau khi Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu thông báo rằng năm 2022 nằm trong top 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận - bên cạnh các năm 2020, 2019, 2017 và 2016.

Các phát hiện này cho thấy xu hướng dài hạn về sự nóng lên của hành tinh, đại dương và bầu khí quyển.

Ảnh minh họa.

Báo cáo mới lưu ý, kể từ năm 1958, khi các nhà khoa học lần đầu thực hiện các phép đo đáng tin cậy, lượng nhiệt mà đại dương hấp thụ đều tăng sau mỗi thập kỷ trước. Và tốc độ tăng cũng nhanh dần. Từ cuối những năm 1980, tốc độ tích trữ nhiệt của đại dương đã tăng gấp ba đến bốn lần - theo nhóm thực hiện báo cáo gồm hàng chục nhà khoa học, đứng đầu là Lijing Cheng ở Viện Khoa học Trung Quốc.

Một số khu vực - gồm Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Nam Đại Dương - đang nóng lên nhanh hơn những khu vực khác.

Báo cáo cũng phát hiện các đại dương ngày càng phân tầng hơn, nghĩa là các khối nước ấm và lạnh thay vì dễ dàng hòa vào nhau thì lại chia thành các lớp riêng rẽ, giống như các lớp trong một chiếc bánh.

Sự phân tầng có thể khiến nhiệt, oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng khó vận chuyển theo chiều dọc hơn, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và giữ nhiệt ở gần bề mặt nước. Nhiệt gần bề mặt nước sẽ lại làm ấm bầu khí quyển.

Lượng nhiệt trong đại dương tăng lên còn có những tác động nghiêm trọng khác đối với phần còn lại của hành tinh. Các đại dương chiếm nhiều không gian hơn khi chúng trữ nhiều nhiệt hơn. Nói cách khác, mực nước biển sẽ tăng.

Các đại dương nóng lên cũng góp phần làm thay đổi các kiểu thời tiết trên khắp thế giới. Chúng ảnh hưởng lớn đến chu kỳ thủy văn; gây ra hạn hán nghiêm trọng hơn ở một số nơi và mưa lớn hơn ở những nơi khác; cung cấp nhiên liệu cho các cơn bão nhiệt đới và làm tăng cường độ của các cơn bão.

“Cho đến khi chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng không, quá trình nóng lên này sẽ tiếp tục và còn phá vỡ các kỷ lục về lượng nhiệt trong đại dương, như năm nay”, Michael Mann - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Pennsylvania, đồng tác giả nghiên cứu - cho biết.

Nguồn: