Một cuộc xung đột vũ khí hạt nhân nhỏ cũng có thể dẫn đến nạn đói ở khắp nơi vì tro bụi từ các thành phố bốc cháy sẽ bao quanh và làm lạnh hành tinh, gây ra những vụ mất mùa trên toàn cầu.
Đây là các kết quả của một nghiên cứu mô hình công bố vào ngày 15/8 trên tạp chí Nature Food.
Nhiều nhà kho trên khắp thế giới sẽ không còn các loại cây trồng như lúa mì sau chỉ một cuộc chiến tranh hạt nhân nhỏ.
Các kịch bản khác nhau
Chiến tranh hạt nhân đi kèm với một loạt các hậu quả thảm khốc, từ giết người trực tiếp trong các vụ nổ nguyên tử đến những tác động kéo dài của bức xạ và ô nhiễm môi trường. Nhà khoa học khí hậu Lili Xia và các đồng nghiệp tại Đại học Rutgers muốn xem xét những hậu quả xa hơn, để xem con người trên khắp hành tinh phải gánh chịu những gì nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Họ đã mô hình hóa cách khí hậu sẽ thay đổi ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, và cách cây trồng và thủy sản sẽ ứng phó với những thay đổi đó. Các nhà khoa học đã phân tích sáu kịch bản chiến tranh hạt nhân và trong mỗi kịch bản, một lượng muội than khác nhau bị phát tán trong bầu khí quyển, làm giảm nhiệt độ bề mặt Trái đất từ 1 đến 16°C (muội than phát tán trong khí quyển phản chiếu ánh sáng mặt trời trở lại không gian, làm Trái đất lạnh hơn). Các tác động có thể kéo dài một thập kỷ hoặc hơn.
Một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, giả sử do khu vực tranh chấp Kashmir, có thể phát tán từ 5 triệu đến 47 triệu tấn muội than vào bầu khí quyển, tùy thuộc vào số đầu đạn được triển khai và số thành phố bị phá hủy. Một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga có thể tạo ra 150 triệu tấn muội than, bao bọc Trái đất trong nhiều năm.
Sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc, nhóm Xia đã tính toán năng suất cây trồng và sản lượng đánh bắt thủy sản sẽ giảm sút như thế nào sau chiến tranh hạt nhân, theo đó là lượng calo mà người dân có thể tiếp cận. Các nhà khoa học đã nghiên cứu một số kịch bản nông nghiệp, chẳng hạn như liệu con người có tiếp tục chăn nuôi không, có chuyển một số hoặc tất cả các loại cây trồng dành cho vật nuôi sang cây trồng cho con người không. Nghiên cứu giả định rằng sẽ có một số loại cây trồng làm nhiên liệu sinh học sẽ bị loại bỏ, thay bằng cây trồng làm thức ăn cho con người; và con người sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn việc lãng phí thực phẩm. Họ cũng giả định rằng thương mại quốc tế sẽ đình trệ khi các quốc gia chọn nuôi sống người dân trong nước thay vì xuất khẩu thực phẩm.
Đối với kịch bản chiến tranh hạt nhân, dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như xung đột Ấn Độ - Pakistan, trong kịch bản tạo ra 5 triệu tấn muội than, sản lượng calo trên hành tinh có thể giảm 7% trong 5 năm đầu tiên sau chiến tranh. Còn trong kịch bản 47 triệu tấn muội than, lượng calo trung bình toàn cầu giảm tới 50%. Trong trường hợp tồi tệ nhất khi xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga, sản lượng calo giảm 90% từ ba đến bốn năm sau chiến tranh. Xia lưu ý rằng nghiên cứu dựa trên nhiều giả định và đơn giản hóa về cách hệ thống lương thực toàn cầu phức tạp sẽ ứng phó thế nào với một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng những kết quả này là đáng kinh ngạc.
Quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Những quốc gia ở vĩ độ từ trung bình đến cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do vốn đã có mùa vụ trồng trọt ngắn và sẽ lạnh đi đáng kể sau chiến tranh hạt nhân. Các khu vực nhiệt đới ít bị ảnh hưởng hơn. Các nước xuất khẩu lương thực lớn, chẳng hạn như Pháp, sẽ chống chọi tương đối tốt - ít nhất là trong các kịch bản có chiến tranh nhỏ - bởi vì nếu thương mại quốc tế bị đình trệ, họ sẽ có nhiều thực phẩm hơn cho người dân của mình.
Một quốc gia khác ít bị ảnh hưởng hơn là Úc. Nếu bị cô lập khỏi hoạt động thương mại sau chiến tranh hạt nhân, Úc có thể dựa vào lúa mì để làm lương thực. Và lúa mì sẽ phát triển tương đối tốt trong khí hậu mát mẻ hơn. Nhóm Xia minh họa thế giới sau chiến tranh hạt nhân bằng một bản đồ, trên đó phần lớn thế giới được tô màu đỏ đại diện cho nạn đói, nhưng Úc lấp lánh một màu xanh lá cây, ngay cả trong các kịch bản chiến tranh khốc liệt. “Lần đầu tiên tôi cho con trai mình xem bản đồ, phản ứng đầu tiên của cậu bé là 'hãy chuyển nhà đến Úc'," Xia nói.
Chiến tranh hạt nhân có vẻ ít có nguy cơ xảy ra hơn so với thời chiến tranh lạnh, nhưng vẫn có 9 quốc gia sở hữu tổng cộng hơn 12.000 đầu đạn hạt nhân. Hiểu chi tiết về hậu quả tiềm tàng của chiến tranh hạt nhân có thể giúp các quốc gia đánh giá đúng rủi ro hơn.
Nguồn: