Thực phẩm lành mạnh hơn, giàu dinh dưỡng hơn cũng là các thực phẩm có xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường hơn so với những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp, theo kết quả phân tích hàng chục nghìn mặt hàng thực phẩm được bán ở Vương quốc Anh và Ireland.
Sản xuất lương thực là một yếu tố đóng góp lớn vào biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy, ngay cả khi lượng khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch chấm dứt ngay lập tức, các xu hướng hiện tại trong hệ thống sản xuất thực phẩm vẫn có thể làm nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Một số thực phẩm - chẳng hạn như thịt đỏ - tạo ra nhiều khí nhà kính hơn các thực phẩm khác. Năm ngoái, một cuộc khảo sát của chính phủ Anh cho thấy, hơn một nửa người dân nước này muốn đưa ra những lựa chọn thực phẩm bền vững hơn. Nhưng nhiều mặt hàng thực phẩm chứa các thành phần khác nhau, trong khi các nghiên cứu trước đây thường chỉ ước tính tác động của từng thực phẩm riêng lẻ.
Nghiên cứu mới, công bố ngày 8/8 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, là một trong những nghiên cứu đầu tiên ước tính tác động môi trường của các sản phẩm được làm từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thông tin này có thể giúp người tiêu dùng hiểu các mặt hàng mà họ mua, cả về dinh dưỡng và tính bền vững, nhà khoa học môi trường Michael Clark tại Đại học Oxford, đồng tác giả nghiên cứu mới, cho biết.
Kết quả nghiên cứu mới có thể được phát triển thành hệ thống đánh giá sản phẩm thực phẩm dựa trên cả tính bền vững và giá trị dinh dưỡng, giúp người mua hàng đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
Trên hơn 57.000 sản phẩm thực phẩm được bán tại các chuỗi siêu thị lớn của Vương quốc Anh, nhóm của Clark sử dụng một thuật toán để ước tính số lượng mỗi loại thực phẩm trong từng sản phẩm. Mỗi loại được cho điểm tác động môi trường trên thang điểm 100 (100 điểm thể hiện tác động nghiêm trọng nhất); và điểm tác động môi trường của 100 gram sản phẩm là tổng điểm của các thực phẩm thành phần. Các yếu tố được coi là tác động môi trường bao gồm phát thải khí nhà kính và sử dụng đất.
Nhóm nghiên cứu phát hiện, các sản phẩm có thịt cừu và thịt bò - chẳng hạn như bánh thịt nướng sẵn - có tác động môi trường nghiêm trọng nhất; các sản phẩm này thường có điểm tác động môi trường cao hơn tới ba lần so với các sản phẩm làm từ gia cầm. Các loại sản phẩm có tác động môi trường thấp nhất thường là sản phẩm làm từ thực vật, ví dụ như bánh mì, hỗn hợp trái cây, rau, ngũ cốc, và đồ uống.
So sánh điểm số tác động đến môi trường với thông tin dinh dưỡng, nhóm nghiên cứu nhận thấy, thực phẩm lành mạnh hơn cũng có xu hướng ít tác động đến môi trường. Có một số ngoại lệ: cả quả hạch và hải sản đều có điểm dinh dưỡng tốt nhưng điểm tác động môi trường tương đối cao.
“Có sự khác biệt rất lớn giữa các sản phẩm thực phẩm khác nhau, và chúng ta có thể bắt đầu đưa ra những lựa chọn giúp cải thiện sức khỏe của mình và cải thiện môi trường nhờ những nghiên cứu như thế này," theo chuyên gia dinh dưỡng Olivier Jolliet tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch.
Nguồn:
Hoàng Phương tổng hợp