Các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão tố đẩy số ca mắc bệnh tăng cao và trầm trọng hơn, đồng thời làm giảm khả năng ứng phó của con người.

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu về mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và dịch bệnh đều tập trung vào một tác nhân gây bệnh cụ thể, một phương thức lây truyền hoặc ảnh hưởng của một loại thời tiết khắc nghiệt. Để có góc nhìn tổng quát hơn, nhà khoa học dữ liệu Camilo Mora tại Đại học Hawaiʻi và các đồng nghiệp đã lùng sục các tài liệu để tìm bằng chứng về cách mười hiểm họa do biến đổi khí hậu gây ra (trong đó có nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và hạn hán) đã ảnh hưởng thế nào đến tất cả các bệnh truyền nhiễm được ghi nhận. Các bệnh được tính đến trong nghiên cứu bao gồm các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, động vật, nấm và thực vật. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào ngày 8/8.

Nhóm Mora đã kiểm tra hơn 77.000 tài liệu, báo cáo và sách nghiên cứu để tìm bằng chứng cho thấy các bệnh truyền nhiễm bị ảnh hưởng thế nào bởi các hiểm họa khí hậu. Hơn 90% các bài báo liên quan được xuất bản sau năm 2000. Cuối cùng, họ tìm thấy 830 ấn phẩm chứa 3.213 ví dụ điển hình.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm 218, hay 58%, trong số 375 bệnh truyền nhiễm được liệt kê trong Mạng lưới Dịch tễ và Bệnh Truyền nhiễm Toàn cầu (GIDEON) và Hệ thống Giám sát Các Bệnh Thông báo Quốc gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Tổng số tăng lên 277 khi bao gồm cả các tình trạng bệnh không lây nhiễm, như hen suyễn và rắn độc hoặc côn trùng cắn.

Những trận lũ lụt, như trận lụt này ở Bangladesh, có thể làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các bệnh truyền nhiễm.

Nhiều nghiên cứu xem xét các bệnh truyền nhiễm vì chúng có thể lây lan giữa người và thường được coi là dạng bệnh đáng sợ nhất, Mora nói. Tuy nhiên, khi nhóm thu thập thêm dữ liệu, họ đã tìm thấy các báo cáo về các bệnh không lây nhiễm cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bùng phát bệnh hen suyễn do mức độ các chất gây dị ứng từ thực vật và nấm gia tăng bởi nóng lên toàn cầu. Mora cho biết những chất gây dị ứng đó là tác nhân sinh học gây hại cho cơ thể con người, nhưng ít ai chú ý đến.

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được 1.006 cách mà các hiểm họa khí hậu dẫn đến các trường hợp mắc bệnh, đa phần liên quan đến việc đưa mầm bệnh và con người đến gần nhau hơn. Chẳng hạn, sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa đã mở rộng phạm vi hoạt động của muỗi và góp phần làm bùng phát bệnh sốt xuất huyết, chikungunya (bệnh do muỗi vằn Aedes mang virus truyền sang người) và sốt rét. Bão, nước biển dâng và lũ lụt buộc người dân phải di cư và đã làm bùng phát dịch sốt Lassa (bệnh sốt virus có thể gây mất thính lực, tử vong và đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, lây từ động vật sang người), dịch tả và thương hàn.

Các mối đe dọa về khí hậu cũng làm cho một số mầm bệnh trở nên độc hại hơn hoặc thúc đẩy sự lây truyền của chúng. Ví dụ, nhiệt độ cao làm tăng tỷ lệ sống sót và khả năng cắn của muỗi mang virus West Nile (virus gây sốt và có thể gây tử vong). Hơn nữa, những mối nguy thảm họa khí hậu làm suy yếu khả năng ứng phó với các bệnh nhiễm trùng, do các yếu tố như căng thẳng tinh thần, giảm khả năng miễn dịch và suy dinh dưỡng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhóm của Mora đã tổng hợp được một lượng lớn thông tin một cách hiệu quả và cho rằng tác động của biến đổi khí hậu đối với bệnh tật thậm chí còn rộng hơn những gì nghiên cứu cho thấy. Ví dụ, điều kiện môi trường thay đổi đang làm giảm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, và các vấn đề này nằm ngoài phạm vi của bài báo.

Nguồn: