Đó là chia sẻ thêm của PGS-TS Trương Quốc Phong - Đại học Bách khoa Hà Nội - sau chuyên đề về công nghệ nano trên báo Khoa học và Phát triển số 922.

Theo ông, việc xây dựng quy chuẩn ở Việt Nam hiện được thực hiện bởi nhiều cơ quan, chẳng hạn sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm thì Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia xây dựng, lĩnh vực thuốc thì Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương xây dựng.

Máy lọc nước Skynano.

“Hiện ở Việt Nam khó xây dựng quy chuẩn chung, bởi một sản phẩm có khi 3-4 bộ quản lý” - TS Phong nói và cho biết, ở Mỹ, tiêu chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm và thuốc đều do Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc xây dựng và tất cả các bên liên quan sẽ phải thông qua tiêu chuẩn này. Theo ông, việc xây dựng quy chuẩn cho sản phẩm nano ở Việt Nam không quá khó, chỉ cần áp dụng các quy chuẩn quốc tế, áp dụng theo ngưỡng của mình.

Chia sẻ về vấn đề kiểm định chất lượng sản phẩm nano, PGS-TS Trần Hồng Côn - Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, do các cơ quan chức năng không có yêu cầu kiểm định nào đối với sản phẩm máy lọc nước nano Skynano mà ông là tác giả, ông và cộng sự chỉ nghiên cứu, chụp X-quang, hồng ngoại để xác định bề mặt phần lọc nước.

“Khi làm một cái máy hay dệt một cái khăn nano, người ta chỉ kiểm định chất lượng sản phẩm chứ không kiểm tra nó được sản xuất như thế nào. Việc này hầu như chỉ có trong các đề tài nghiên cứu, khi thấy kết quả đạt yêu cầu thì đưa vào sản xuất. Như với sản phẩm máy lọc nước của tôi, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra xem nước sau khi lọc còn tạp chất gì không, có chất gì do hạt nano sinh ra có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người hay không” - TS Côn nói.