Trong khi ở phương diện thực thi chính sách, pháp luật, việc dẹp bỏ hoàn toàn hoạt động buôn bán ở vỉa hè để dành không gian cho người đi bộ vẫn còn gây tranh cãi thì ở phương diện nghiên cứu văn hóa.

>> TS Trịnh Hòa Bình: Mỗi ngõ phố, con đường cần được đối xử theo cách riêng
>> Tại sao người Việt có xu hướng riêng tư hóa không gian công cộng?
>> Vỉa hè đầu tiên trên thế giới ra đời khi nào, ở đâu và vì sao?
>> Nghiên cứu về vỉa hè là nghiên cứu những gì?

Nhiều nhà khoa học khẳng định, không riêng Việt Nam mà cả ở nhiều quốc gia, vỉa hè không đơn thuần là không gian vật chất với chức năng dành cho người đi bộ, mà là một thực thể văn hóa.

Không gian tích hợp

“Vỉa hè là không gian được tích hợp bởi nhiều yếu tố văn hóa” - Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - khẳng định.


“Thứ nhất, vỉa hè là không gian kinh tế đa dạng và linh hoạt, nơi diễn ra việc bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm, nhu yếu phẩm, máy móc thiết bị, các dịch vụ sửa chữa, tiêu dùng, các hoạt động tài chính như đổi tiền, mua bán tem phiếu, chợ lao động... Nơi đây không chỉ có các hoạt động kinh tế tư nhân mà có cả hoạt động kinh doanh có tổ chức, không chỉ của tầng lớp bình dân mà cả của tầng lớp trung lưu và giàu có”.

Vỉa hè còn là không gian sinh hoạt, nơi người dân tắm gội, giặt giũ, rửa rau, vo gạo, nấu nướng, luộc bánh chưng ngày tết, phơi quần áo... Nó cũng là không gian xã hội đặc thù, có mặt đủ các tầng lớp xã hội, các kiểu thể hiện văn hóa, ứng xử, các hình thức kiếm sống, các câu chuyện được chia sẻ, từ chuyện đời thường đến chuyện thời sự xã hội.

“Thông tấn xã vỉa hè là như vậy, cập nhật và lan tỏa có khi còn nhanh hơn thông tin chính thống. Trong không gian này, con người bình đẳng hơn, thoải mái, tự tin hơn trong giao tiếp, trong bình luận, đánh giá” - TS Châm nói.

Một quán trà đá trên vỉa hè đường Phùng Hưng (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Loan Lê
Một quán trà đá trên vỉa hè đường Phùng Hưng (Hoàn Kiếm - Hà Nội). Ảnh: Loan Lê

Chưa hết, theo bà, vỉa hè còn là không gian ký ức, gắn với những kỷ niệm, món ăn quen thuộc, những câu chào hỏi, những phút giây bình yên ngắm phố phường, gắn với những con người, hàng cây... như các chứng nhân của lịch sử. Tất cả đi vào ký ức, theo mỗi người trong suốt cuộc đời để luôn nhớ về khi đi xa. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đình Thi viết “sống vui phố hè” trong ca khúc “Người Hà Nội”.

Chia sẻ quan điểm về không gian ký ức, GS-TS Lê Hồng Lý - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian - kể: “Có lần tại Canada, tôi gặp một phụ nữ vốn là người Hà Nội di cư sang đây từ năm 1954. Bà hỏi thăm rằng ông ơi cây gạo ở vỉa hè chợ Mơ giờ còn không và say sưa miêu tả đường phố ngày xưa trong ký ức của bà. Điều này cho thấy vỉa hè, đường phố không chỉ là không gian thực thể mà còn là không gian ký ức, là nơi chốn của tâm hồn”.

Theo TS Phương Châm, vỉa hè là không gian văn hóa đặc trưng của đô thị, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An... Đặc trưng về các món ăn, hàng hóa hay cách ăn, chơi, mua bán tại vỉa hè đã trở thành “thương hiệu” và góp phần tạo nên diện mạo văn hóa của nhiều thành phố. “Thông qua đời sống vỉa hè, có thể hiểu thông điệp về kinh tế, chính trị, văn hóa của một vùng, một đất nước. Tất nhiên, vỉa hè cũng là không gian của tranh chấp, lộn xộn... nhưng hiếm quốc gia nào lại không muốn tạo dựng và duy trì không gian văn hóa đặc trưng này” - TS Châm nói.

Một cụ già vừa nhâm nhi cốc bia vừa ngắm phố trên vỉa hè phố Đào Duy Từ, Hà Nội. Ảnh: Loan Lê
Một cụ già vừa nhâm nhi cốc bia vừa ngắm phố trên vỉa hè phố Đào Duy Từ, Hà Nội.
Ảnh: Loan Lê

Đô thị sẽ chết nếu không có “nơi chốn văn hóa”

Lấn chiếm vỉa hè từng là chủ đề nóng vào năm 1995 khi Nghị định 36CP được ban hành, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho việc giành lại vỉa hè, tuy hiệu quả không như mong muốn. Năm 2017, chủ đề này nổi lên một lần nữa với mức độ ảnh hưởng cao hơn khi Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TPHCM Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Theo TS Phương Châm, các góc nhìn khác nhau về chiến dịch này trên báo chí cho thấy rõ những xung đột về lợi ích, về các văn bản chính sách và quan điểm. Trong đó, có nên dẹp bỏ việc kinh doanh ở vỉa hè để trả lại không gian này cho người đi bộ không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

“Chiến dịch do ông Hải khởi xướng có một slogan nổi bật là “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”. Tuy nhiên trên thực tế, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ, chưa bao giờ dành riêng cho người đi bộ mà còn có những yếu tố văn hóa khác” - TS Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - nói. “Ở châu Âu, vỉa hè cũng được sử dụng cho nhiều mục đích. Nó không chỉ là không gian thực thể mà còn là nơi chốn văn hóa, gắn với nhiều yếu tố văn hóa. Và cũng điều đó khiến vỉa hè Hà Nội có nhiều ý nghĩa đối với người dân và du khách. Nếu không có nơi chốn văn hóa, đô thị sẽ chết”.

Để tìm hiểu “chức năng” của vỉa hè Việt Nam, TS Phương Châm trở lại lịch sử xuất hiện của nó: “Vỉa hè có từ khi nào? Phải chăng từ khi hình thành khái niệm đô thị và quy hoạch đô thị? Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi tổng hợp thì sau khi chiếm Hà Nội năm 1883, người Pháp đã cải tạo, quy hoạch các con phố quanh hồ Gươm; và vỉa hè Tràng Tiền được xem là vỉa hè đầu tiên theo kiểu phương Tây ở Hà Nội. Sau đó, khu 36 phố phường đều có vỉa hè. Người Pháp cũng cho thuê vỉa hè để mở cửa hàng buôn bán. Đầu thế kỷ 20, một số khách sạn hạng sang xuất hiện quanh hồ Gươm. Họ đã thuê vỉa hè mở các quán càphê dọc theo mái hiên và chúng rất được ưa thích”.

Điều này cho thấy, từ khi bắt đầu xuất hiện, vỉa hè Việt Nam đã là không gian văn hóa thay vì chỉ là không gian vật lý đơn thuần. Vì thế, theo các chuyên gia, không thể nói rằng dẹp hết mọi hoạt động trên vỉa hè - trừ đi bộ - mới là đảm bảo văn hóa đô thị. Tuy nhiên, quản lý vỉa hè như thế nào để vừa bảo đảm các giá trị văn hóa của không gian này, vừa đáp ứng các yêu cầu của đô thị hiện đại, họ cho rằng cần triển khai các nghiên cứu có quy mô đủ tầm làm cơ sở khoa học cho việc ban hành các chính sách hợp lý.