Đó là quan điểm của Cindy Gan - một blogger về thực phẩm ở Singapore - về mô hình chuyển hàng quán vỉa hè vào các trung tâm ẩm thực của nước này.

Hình mẫu này đang được một số quốc gia Đông Nam Á khác học hỏi nhằm trả lại hè phố cho người đi bộ và đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo nên sự tranh cãi không dứt.

Nỗ lực dẹp vỉa hè

Hãng Reuters nhận định, Đông Nam Á nổi tiếng với những món ăn đường phố rẻ và ngon, làm hài lòng du khách và dân địa phương như gỏi đu đủ Thái ở Bangkok hay bánh xèo ở TPHCM. Việc các thành phố lớn ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia tăng cường chiến dịch xóa hoạt động buôn bán trên vỉa hè khiến hàng ngàn người kinh doanh kiểu này mất việc, thậm chí đe dọa làm mất đi một nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực truyền thống.

Tại Bangkok, chính quyền quân sự Thái Lan đã giải tỏa nhiều điểm buôn bán trên vỉa hè bị người đi bộ than phiền về tình trạng xả rác, tắc nghẽn và an toàn thực phẩm. Các quan chức cho biết họ sẽ di chuyển một số hàng quán đến khu vực phù hợp để giải quyết vấn đề vệ sinh. “Bangkok không đông đúc và tắc nghẽn như thế này khi các quy định dành cho người buôn bán trên hè phố có hiệu lực năm 1992; nhưng với tình hình diễn biến như hiện nay, chúng tôi phải sắp xếp lại trật tự công cộng” - một quan chức Bangkok nói.

Một trung tâm dịch vụ ẩm thực đường phố tại Singapore. Ảnh: Justgola
Một trung tâm dịch vụ ẩm thực đường phố tại Singapore. Ảnh: Justgola

Trong khi Hà Nội và TPHCM mới triển khai giành lại vỉa hè vào đầu năm 2017 thì ở Jakarta - thủ đô Indonesia, việc này được tiến hành từ lâu. Chính quyền thường xuyên trục xuất những người bán hàng hoặc để họ trong tình trạng “lấp lửng” - phải trả hàng nghìn đôla lệ phí an ninh và vệ sinh mỗi năm nhưng không được đảm bảo quyền kinh doanh trên hè phố. Theo các quan chức Jakarta, từ năm 2015 đến nay, 17.000 chủ quán vỉa hè đã phải di chuyển đến địa điểm được chỉ định, nhưng vẫn còn 60.000 người tiếp tục kinh doanh trên hè phố.

Nhiều tranh cãi

Nhiều người cho rằng nỗ lực dọn dẹp vỉa hè có nguy cơ làm mất ẩm thực đường phố - một nét văn hóa riêng biệt của các nước Đông Nam Á, tồn tại trong cuộc sống của người dân nơi đây từ rất lâu trước khi các đầu bếp trứ danh như Anthony Bourdain (người ăn bún chả ở Hà Nội với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và thường xuyên quảng bá món ăn Việt Nam - PV) bắt đầu làm các món ăn đường phố cổ điển trong nhà hàng phương Tây.

Ngày nay, hàng triệu thực khách ở Đông Nam Á đã quen với việc ăn pizza, bánh mỳ kẹp tại các trung tâm mua sắm mát lạnh; nhưng quán hàng vỉa hè vẫn luôn hấp dẫn mọi tầng lớp xã hội. Cảnh doanh nhân bước ra từ chiếc xe hơi sang trọng để thưởng thức các món như hủ tiếu với giá rẻ hơn cả một chiếc hamberger Whopper không hề hiếm gặp.


“Một số người đã bán đồ ăn ở đây suốt hơn 10-20 năm và tôi cảm thấy như thể họ là đầu bếp của gia đình tôi vậy” - Piya Joemjuttitham - một nhà quản lý tài chính tại Bangkok cho biết. Còn nhà văn người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quý Đức viết rằng, trở về Việt Nam sau nhiều năm sống ở nước ngoài là “hạnh phúc thuần túy” và “chỉ một vài thứ có thể so sánh với việc ăn bánh bao. Tại Hà Nội. Trên đường phố”.

Nhiều người cho rằng các thành phố Đông Nam Á đang hướng tới hình mẫu Singapore - chuyển những người bán đồ ăn ở hè phố sang các trung tâm mua sắm hay khu ẩm thực do chính quyền quy định. Theo Peter Sousa Hoejskov - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới ở Manila, mô hình Singapore là một trong những cách tốt nhất để giải quyết mối liên hệ giữa buôn bán đường phố và các bệnh lây lan qua đường ăn uống.

Tuy nhiên, một số người sành ăn cho rằng, có những cái giá phải trả cho sự chuyển đổi từ hàng quán vỉa hè sang các trung tâm được chỉ định. Cindy Gan - một blogger về thực phẩm ở Singapore, người đã sống tại đây từ những năm 1970 - cho hay một trong những thứ mất đi là không khí, là động lực văn hóa - những thứ có thể đã gắn bó với chúng ta suốt thời thơ ấu.

Một số chuyên gia cho rằng, thực phẩm đường phố chưa chắc đã kém vệ sinh so với thức ăn ở nhà hàng. Theo Martyn Kirk - chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Quốc gia Australia, nếu bạn ăn thực phẩm chiên hoặc nấu chín kỹ, nóng bỏng thì có lẽ không khác biệt nhiều lắm. Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc đang phát triển một bộ quy tắc cho người buôn bán đường phố ở châu Á nhằm thiết lập các phương thức vệ sinh tốt nhất, đồng thời đưa ra hướng dẫn rộng rãi để các chính phủ điều chỉnh lĩnh vực này.

Hiện nhiều người bán thức ăn đường phố ở Đông Nam Á chỉ biết tránh né cảnh sát rồi bày hàng trở lại khi lực lượng tuần tra đi qua. Cách này chỉ làm tăng sự không chắc chắn cho công việc vốn đã căng thẳng và thu nhập thấp của họ. Si - một người bán hàng rong ở Bangkok - cho biết sẽ cân nhắc việc trở về miền quê nghèo ở đông bắc Thái Lan nếu cảnh sát tăng cường tuần tra. Nhiều người khác không có cơ hội lựa chọn như cô.