Khi Trái đất ấm lên, các hiện vật dần hiện ra dưới lớp băng dày, hé lộ một đời sống thú vị trong quá khứ. Tuy nhiên, trong bối cảnh băng đang tan quá nhanh, các nhà khảo cổ học buộc phải chạy đua với thời gian để cứu lấy các hiện vật trước khi chúng bị hư hại.
Rick Knecht (phải) giới thiệu với trẻ em địa phương về các đồ tạo tác của Yup'ik được khai quật tại Nunalleq vào năm 2019. Ảnh: Mark Ralston / Agence France-Presse - Getty Images
Từ lâu, người Yup'ik ở Alaska đã lưu truyền giai thoại ghê rợn về một cuộc thảm sát đã xảy ra trong Những ngày Chiến tranh Cung Tên - một loạt các trận chiến tàn khốc kéo dài trên khắp bờ biển Bering và Yukon. Theo một phiên bản, cuộc tàn sát bắt đầu khi một nhóm chiến binh thuộc một ngôi làng mở cuộc đột kích vào một ngôi làng khác. Nhưng các cư dân ở đó đã nhận ra và lên kế hoạch phục kích, quét sạch kẻ thù. Những kẻ chiến thắng sau đó đã tấn công thị trấn, đốt cháy và tàn sát cư dân nơi đây. Không một ai sống sót.
Suốt 12 năm qua, Rick Knecht đã dẫn đầu một cuộc khai quật tại Nunalleq, địa điểm cách Anchorage khoảng 400 dặm về phía Tây. “Khi chúng tôi bắt đầu, cả nhóm chỉ hy vọng sẽ tìm hiểu được điều gì đó về Yup'ik thời tiền sử thông qua việc đào bới một ngôi làng bình thường”, Tiến sĩ Knecht, nhà khảo cổ học tại Đại học Aberdeen ở Scotland, cho biết. “Chúng tôi không ngờ rằng mình đang đào một thứ gì đó gần như có thể xem là thành Troy phiên bản Yup'ik.”
Rốt cục, họ đã khám phá ra tàn tích còn sót lại của một ngôi nhà chung lớn bằng cỏ khô. Mặt đất thẫm đen, pha sét và lỗ chỗ hàng trăm vết mũi tên, như thể đã có một vụ bắn nhau thời tiền sử. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu và những người Yup'ik bản địa sống trong khu vực này đã khai quật được hơn 100.000 đồ tạo tác được bảo quản tốt, cũng như xác của hai con chó và xương rải rác của ít nhất 28 người - hầu hết là phụ nữ, trẻ em và người già. Một vài người trong số họ đã bị lôi ra khỏi nhà, bị trói bằng dây cỏ và bị giết hại - thậm chí có người còn bị chặt đầu. “Đó là một hiện trường thảm sát phức tạp", TS Knecht nhận định. “Đây cũng là một trường hợp khảo cổ hiếm hoi và chi tiết về chiến tranh của người bản địa.”
Trên thực tế, cho đến gần đây địa điểm này vẫn còn chìm sâu trong lòng đất dưới lớp băng vĩnh cửu. Khi nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh, băng vĩnh cửu và sông băng nhanh chóng tan ra và xói mòn trên khắp các khu vực rộng lớn trên Trái Đất, giải phóng nhiều vật thể mà chúng đã ‘ôm' vào, tiết lộ các khía cạnh của đời sống trong quá khứ mà lâu nay chúng ta chưa hề tiếp cận được.
“Khu vực quanh Bắc Cực và Nam Cực có đầy những địa điểm được bảo tồn một cách kỳ diệu như Nunalleq”, TS Knecht chia sẻ. “Chúng mở ra một cánh cửa bước vào cuộc sống phong phú của những người đi săn và hái lượm thời tiền sử.”
Một chiếc mặt nạ của người Yup'ik ở Alaska mắc trong lớp băng vĩnh cửu. Đây là một trong số hơn 100.000 hiện vật được khai quật từ Nunalleq, địa điểm của một ngôi làng đã bị tấn công cách đây 350 năm. Ảnh:University of Aberdeen
Những chuyến khai quật theo mùa
Khảo cổ học băng hà là một ngành học tương đối mới. Băng đã vỡ ra theo đúng nghĩa đen vào mùa hè năm 1991, khi những người Đức đi bộ đường dài trên dãy núi Alps Ötztal phát hiện một thi hài màu trà nằm giữa biên giới hai nước Ý và Áo. Ban đầu nhóm người cho rằng đây là xác một vận động viên thời hiện đại gặp tai nạn khi leo núi. Tuy nhiên, qua xác định niên đại bằng carbon, các nhà khoa học nhận ra rằng Người băng Ötzi - tên gọi cho thi hài này - đã chết cách đây khoảng 5.300 năm.
Ötzi là một người đàn ông lùn với hình xăm trên khắp cơ thể, khoảng ngoài 40 tuổi, đội một chiếc mũ da gấu, vận nhiều lớp quần áo làm từ da dê và hươu, cùng đôi giày đế bằng da gấu nhồi cỏ để giữ ấm đôi chân. Dụng cụ sinh tồn của Người băng bao gồm một bao đựng tên, một cái rìu đồng và một bộ sơ cứu thô sơ chứa đầy các loại thực vật có đặc tính dược lý mạnh. Thông qua chụp X-quang ngực và chụp CT, các nhà khoa học nhận thấy có một đầu mũi tên bằng đá lửa găm sâu trong vai trái của Người băng Ötzi, chứng tỏ anh ta có thể đã chết do mất máu. Cái chết của anh ta đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Sáu năm sau, trên cánh đồng tuyết tại Yukon, những công cụ săn bắn có niên đại hàng nghìn năm đã xuất hiện giữa lớp băng tan. Ngay sau đó, hàng loạt những phát hiện tương tự đã được ghi nhận ở Tây Canada, dãy núi Rocky và dãy Alps thuộc Thụy Sĩ.
Vào năm 2006, Na Uy đã trải qua một mùa thu dài và nóng nực, dẫn đến hàng loạt những phát hiện ở vùng núi Jotunheimen đầy tuyết - cái tên quen thuộc trong Thần thoại Bắc Âu. Trong số những hiện vật được phát hiện, có một đôi giầy 3.400 tuổi rất có thể được làm từ da tuần lộc. Phát hiện này đã đánh dấu bước tiến mới của các cuộc khảo sát trên những đỉnh núi của Hạt Innlandet - nơi khởi động Chương trình Khảo cổ học về Sông băng (G.A.P) do nhà nước tài trợ vào năm 2011. Ngoài Yukon, đây là dự án duy nhất để cứu lấy các hiện vật trong băng.
Một chuyên gia thuộcChương trình Khảo cổ học về Sông băng đang tiến hành khảo sát. Ảnh: nytimes
Khảo cổ học băng hà khác với ‘người anh em’ của nó ở các khu vực có nhiệt độ ổn định. Các nhà nghiên cứu thuộc G.A.P thường chỉ tiến hành điều tra thực địa trong một khoảng thời gian ngắn từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9, giữa thời điểm lớp tuyết cũ tan đi và lớp tuyết mới xuất hiện. “Nếu chúng ta bắt đầu quá sớm, phần lớn tuyết từ mùa đông trước sẽ vẫn bao phủ lên lớp băng cũ và khó mà khám phá ra điều gì,” Lars Holger Pilo, đồng giám đốc của Chương trình G.A.P, cho biết. “Bắt đầu quá muộn cũng rất nguy hiểm. Lúc bấy giờ tuyết đầu mùa sẽ xuất hiện và thời điểm thuận lợi để nghiên cứu có thể đã kết thúc từ trước khi ta bắt đầu." Những khám phá trong lĩnh vực khảo cổ học băng hà thường bị giới hạn trong những gì mà các nhà khảo cổ có thể thu thập được từ lớp băng tan.
Khi chương trình bắt đầu, các nhà khảo cổ chủ yếu phát hiện các hiện vật từ thời kỳ đồ sắt và thời trung cổ, có niên đại 500 đến 1.500 năm trước. Nhưng khi Trái đất ấm lên, băng tan hàng loạt, phơi bày ra các giai đoạn lịch sử lâu đời hơn. “Ở một số nơi chúng tôi đã quay trở lại thời kỳ đồ đá, với những mảnh hiện vật có niên đại lên tới 6 thiên niên kỷ", TS Pilo nói.
Cho đến hiện tại, G.A.P đã phục hồi được khoảng 3.500 hiện vật, nhiều hiện vật được bảo quản trong tình trạng đặc biệt cẩn thận. Hơn một nửa số trong số đó được phát hiện ở Na Uy. Trên ngọn núi cao ở Lendbreen, các nhà khoa học đã phát hiện ra móng ngựa, phân ngựa, một chiếc xe trượt tuyết thô sơ và thậm chí là một chiếc hộp chứa đầy sáp ong - những bằng chứng cho thấy vào khoảng 600 đến 1.700 năm trước, tại đây đã có một con đường để đi lại.
Trong thập kỷ qua, băng đã tan quanh dãy Alps, để lộ xác ướp của một cặp vợ chồng Thụy Sĩ mất tích từ năm 1942 và mảnh vỡ của một máy bay quân sự Mỹ đã hạ cánh trong thời tiết xấu vào năm 1946. Tại Nga, các nhà khảo sát thực vật học đã tìm thấy hạt giống đã ‘ngủ đông' suốt 32.000 năm của một loài hoa (về sau được đặt tên là Silene stenophylla) bên trong một hang sóc, và quyết định tái tạo mô sinh sản loài hoa này.
“Tại Yukon, những khám phá về băng đã cung cấp các hiểu biết mới về truyền thống tạo tác đồ đồng của những người bản địa thời kỳ tiền châu Âu", William Taylor, một nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đại học Colorado ở Boulder, cho biết. “Ở dãy núi Rocky, các nhà nghiên cứu đã phục hồi mọi thứ, từ cây cối đóng băng - lưu lại các thay đổi quan trọng về khí hậu và thảm thực vật - cho đến các dụng cụ săn bắn của một số cư dân đầu tiên trên lục địa này.” Công trình của TS Taylor tập trung vào mối quan hệ giữa khí hậu và sự biến đổi xã hội trong các xã hội du mục thời kỳ đầu. Các cuộc điều tra của ông tại các rìa băng tan ở dãy núi Altai khu vực phía tây Mông Cổ đã phát hiện những hiện vật có thể lật lại một số giả thiết khảo cổ cơ bản nhất về lịch sử khu vực.
Đi trên lớp băng mỏng
Khoảng 10% diện tích đất của hành tinh được bao phủ bởi băng giá, và khi băng tan, các sinh vật cổ đại cũng hiện ra. Ở miền nam Chile, các nhà khoa học phát hiện hàng chục bộ xương gần như hoàn chỉnh của loài Thằn lằn cá (Ichthyosaur) gần sông băng Tyndall. Bên cạnh đó, còn có các loài bò sát biển sống giữa kỷ Tam Điệp và kỷ Phấn Trắng, kéo dài từ 66 triệu đến 250 triệu năm trước.
Một phát hiện khảo cổ đáng chú ý ở Yakutia - nước cộng hòa ở đông bắc Siberia, là xác của voi ma mút lông xoăn, tê giác lông xoăn, bò rừng thảo nguyên và sư tử hang động. Những con thú đã tuyệt chủng này nằm lơ lửng trong những tảng băng suốt ít nhất chín thiên niên kỷ.
Thậm chí, vào năm 2018, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chú ngựa con 42.000 năm tuổi hoàn toàn nguyên vẹn. Chú ngựa Lena (Equus lenensis) này được phát hiện trong lớp băng của miệng núi lửa Batagaika ở Siberia với nước tiểu trong bàng quang và máu lỏng trong tĩnh mạch của nó.
Đối với các nhà khảo cổ học băng hà, thật trớ trêu khi lĩnh vực nghiên cứu của họ là một trong số ít những lĩnh vực hưởng lợi từ biến đổi khí hậu. Tuy vậy, nếu băng và tuyết tan quá nhanh, chúng cũng dễ bị phân huỷ khi tiếp xúc với yếu tố môi trường.
Các nhà nghiên cứu xem xét hài cốt 42.000 năm tuổi của một chú ngựa con mới chỉ một hoặc hai tuần tuổi (thuộc một loài đã tuyệt chủng), được đào từ lớp băng vĩnh cửu ở miệng núi lửa Batagaika tại Siberia vào năm 2018. Ảnh: Michil Yakovlev / EPA, via Shutterstock
Một khi các vật liệu hữu cơ mềm như da, vải dệt, lông chim cắm mũi tên - lộ ra, các nhà nghiên cứu có nhiều nhất một năm để cứu chúng, mang đi bảo tồn trước khi chúng bị phá huỷ. “Nếu những hiện vật bị hư hỏng", TS Taylor phân tích, “ta sẽ mất đi cơ hội để hiểu về quá khứ và chuẩn bị cho tương lai".
E. James Dixon, cựu giám đốc Bảo tàng Nhân loại học Maxwell tại Đại học New Mexico, bày tỏ sự tán thành. “Hệt như một cuộc đại tuyệt chủng khảo cổ học, trong đó một số loài nhất định sẽ biến mất gần như cùng một lúc.”
Tiến sĩ Lee, thuộc Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Alps, ví tình trạng băng tan như một thư viện đang bốc cháy. “Giờ không phải là lúc để đổ lỗi cho nhau. Đây là lúc để giải cứu những cuốn sách”.
Biến đổi khí hậu đã kéo theo hàng loạt hậu quả. Ở một số vùng của Alaska, gần một dặm bờ biển đã biến mất trong 80 năm qua, kéo theo đó là toàn bộ hồ sơ khảo cổ và hóa thạch. “Các di tích không chỉ bị rửa trôi, mà còn đang hư hại dần trong lòng đất”, TS Knecht nói.