Phân tích một hồ ở Bắc Cực cho thấy virus và vi khuẩn bị nhốt trong băng có thể tái sinh khi băng tan và lây nhiễm cho động vật hoang dã.

Phân tích di truyền mẫu đất và trầm tích từ Hồ Hazen, hồ nước ngọt Bắc Cực lớn nhất trên thế giới, cho thấy nguy cơ một loại virus mới lây lan trở nên cao hơn ở các vị trí băng tan chảy.

Các phát hiện ngụ ý rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng do biến đổi khí hậu, nhiều khả năng virus và vi khuẩn bị nhốt trong các sông băng và băng vĩnh cửu có thể tái sinh và lây nhiễm cho động vật hoang dã địa phương.

Ví dụ, vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than ở miền bắc Siberia đã giết chết một đứa trẻ và lây nhiễm cho ít nhất 7 người khác. Nguyên nhân được cho là do một đợt nắng nóng làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu, virus thoát ra ngoài và tiếp xúc với xác một con tuần lộc bị nhiễm bệnh. Trước đó, đợt bùng phát bệnh than cuối cùng trong khu vực là vào năm 1941.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Để hiểu rõ hơn về nguy cơ virus tái sinh từ băng, Tiến sĩ Stéphane Aris-Brosou và các đồng nghiệp tại Đại học Ottawa ở Canada đã thu thập các mẫu đất và trầm tích từ Hồ Hazen, nơi có lượng nước tan ra từ các sông băng trong khu vực chảy vào.

Tiếp theo, họ giải trình tự RNA và DNA trong các mẫu này để xác định sự tồn tại của các virus, cũng như các vật chủ tiềm năng của virus đó, có thể là động vật, thực vật hoặc nấm. Đồng thời, nhóm cũng chạy một thuật toán đánh giá khả năng những virus này lây nhiễm cho các nhóm sinh vật không phải vật chủ ban đầu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B cho thấy nguy cơ virus lây lan sang vật chủ cao hơn ở những vị trí có lượng lớn nước băng tan chảy vào. Khi khí hậu ấm lên, số vị trí như vậy sẽ nhiều thêm.

Một nghiên cứu khác gần đây đã gợi ý rằng những loại virus chưa biết thường tồn tại trong sông băng. Ví dụ, năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio, Mỹ thông báo họ đã tìm thấy vật chất di truyền từ 33 loại virus - 28 trong số đó là virus mới - trong các mẫu băng lấy từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc. Dựa trên vị trí của chúng, các virus được ước tính khoảng 15.000 năm tuổi.

Năm 2014, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp ở Aix-Marseille đã tìm cách hồi sinh một loại virus khổng lồ mà họ phân lập được từ lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, khiến nó lây nhiễm trở lại lần đầu tiên sau 30.000 năm. Tác giả của nghiên cứu, Jean-Michel Claverie, nói vào thời điểm đó rằng việc làm tan những lớp băng như vậy có thể "dẫn đến thảm họa".

Mặc dù vậy, nhóm của Aris-Brosou cảnh báo rằng việc dự đoán nguy cơ virus thoát ra và lây lan không giống như dự đoán đại dịch thực tế. Họ viết: “Chừng nào virus và vật chủ tương ứng của chúng không xuất hiện đồng thời trong môi trường, thì khả năng xảy ra các sự kiện nghiêm trọng có thể vẫn còn thấp".

Nhưng mặt khác, biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi phạm vi sinh sống của các loài hiện có, có khả năng đưa các vật chủ tiếp xúc với virus hoặc vi khuẩn cổ đại.

"Khi nhiệt độ đang tăng lên, nguy cơ lây lan trong môi trường cụ thể này đang tăng lên", Aris-Brosou cho biết.

Arwyn Edwards, Giám đốc Trung tâm Liên ngành về Vi sinh Môi trường tại Đại học Aberystwyth cho biết: “Chúng ta cần khẩn trương khám phá các thế giới vi sinh vật trên khắp hành tinh để hiểu những rủi ro này".

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2022/oct/19/next-pandemic-may-come-from-melting-glaciers-new-data-shows