Hằng năm, cứ vào ngày thứ năm thuộc tuần thứ ba của tháng 11, hơn nửa triệu học sinh trung học trên khắp đất nước Hàn Quốc lại bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời họ - Suneung hay CSAT (Bài kiểm tra học lực để vào đại học).
Bài thi Suneung do Viện nghiên cứu Giáo trình và Thi cử Hàn Quốc soạn, bao gồm các học phần: ngữ văn (tiếng Hàn), ngoại ngữ, toán, khoa học tự nhiên (hoặc giáo dục dạy nghề), lịch sử, nghiên cứu xã hội (social studies) và kéo dài tận 8 tiếng. Quá trình chấm và công bố điểm thường mất khoảng một tháng. Kết quả thi sẽ quyết định sinh viên được theo học trường [đại học] nào (1), qua đó ảnh hưởng đến triển vọng việc làm, thu nhập, nơi ở và thậm chí cả hôn nhân của họ.
Học sinh trung học Hàn Quốc tham dự kỳ thi Suneung.
Ảnh: Ed Jones
Chính bởi ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kỳ thi mà giới chức Hàn Quốc luôn cố gắng làm những điều tốt nhất có thể để hỗ trợ các sĩ tử. Giờ bắt đầu làm việc được lùi một tiếng để tránh tắc đường; xe bus, tàu điện ngầm chạy nhanh và với tần suất dày hơn; cảnh sát giao thông tận tình hướng dẫn, đôi khi còn hộ tống thí sinh tới tận trường thi; ngân hàng, siêu thị,... hay cả sàn giao dịch chứng khoán cũng mở cửa muộn hơn mọi ngày. Thậm chí trung tâm kiểm soát không lưu còn điều chỉnh lịch trình để không có máy bay cất và hạ cánh trong giờ thí sinh làm phần thi nghe (môn ngoại ngữ). Ngoài ra, các giám thị cũng được khuyến cáo không làm hoặc mang theo bất cứ đồ vật nào có thể gây ảnh hưởng đến thí sinh.
Trong ngày này, giáo viên và các học sinh lớp dưới thường xếp hàng dài hai bên lối vào trường thi để hát, cầu nguyện, tặng quà và chocolate may mắn cho những sĩ tử. Các phụ huynh thì tụ tập ở chùa hoặc nhà thờ (tùy vào tín ngưỡng mà họ tin) từ sớm, mang theo ảnh con cái và cầu xin ơn trên giúp chúng thi tốt.
Các học sinh lớp dưới cổ vũ đàn anh/chị trước lối vào trường thi. Ảnh: Kim Hong-Ji/Reuters.
Áp lực phải đạt kết quả cao trong kỳ thi Suneung đã khiến học sinh Hàn Quốc luôn ở trong tình trạng căng thẳng (stress) đến đáng sợ. Hiện tượng tự sát không phải là chuyện hiếm và ngày càng có xu hướng gia tăng. “Phần lớn thí sinh đều làm bài không tốt bằng khi thi thử bởi họ phải chịu quá nhiều áp lực,” Lee Yeon-soo – người từng trải qua kỳ thi – nói. Cả nước có khoảng 15 – 20 trường top đầu nên tỷ lệ chọi là vô cùng tàn khốc. “Cơ hội được nhận vào một trường top đầu cũng thấp không khác gì xác xuất bị sét đánh trúng (1/600.000) vậy,” Han Jae Kyung – một cựu học sinh phổ thông khác – nói đùa.
Trước kỳ vọng quá lớn của gia đình và xã hội, không ít thí sinh đã lựa chọn tham dự kỳ thi nhiều lần để cải thiện điểm. Kết quả không như ý thường dễ khiến họ trở nên tự tin, mặc cảm. Việc chuẩn bị cho Suneung thường được ví như một nỗ lực “cả đời” hay cuộc chiến “sinh tử”, và rất nhiều người tin rằng tuổi thanh xuân của họ đã bị kỳ thi bào mòn.
Ba trường ĐH Seoul (Quốc lập), Korea (Tư thục), Yonsei (Tư thục, do Tin Lành sáng lập) thuộc nhóm SKY danh giá nhất Hàn Quốc, là niềm mơ ước của các học sinh và phụ huynh. Ảnh: Wikimedia
“Sau giờ học ở trường, về nhà chúng tôi lại tiếp tục học từ 18 đến 22h – ôn lại bài cũ và tìm hiểu trước bài mới,” Lee Yeon-soo chia sẻ. “Cuối tuần, rất nhiều học sinh còn tham dự các lớp luyện thi; có người thậm chí học tới 5 – 6 lớp. Mặc dù chính phủ đã ban hành quy định cấm những trung tâm dạy thêm/học thêm hoạt động sau 10 giờ tối nhưng tình trạng vi phạm vẫn khá phổ biến. Cá biệt, có trung tâm còn mở cửa tới 2 giờ sáng,” cô nói.
“Tôi có cảm nhận rằng người Hàn đang mắc một căn bệnh trầm kha – bệnh ‘bận rộn’. Các học sinh lúc nào cũng bận học, không có cuộc sống riêng và trường học thì giống như ‘nhà tù’; trong khi những người trưởng thành đi làm thì cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Và tôi nghĩ đó là vấn đề chung lớn nhất của cả Hàn Quốc,” Lee than thở.
Giống như Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ Đông Á khác, sinh viên/học sinh Việt Nam cũng phải chịu rất nhiều áp lực thi cử. Điều này, một phần cũng là hệ quả tất yếu từ việc hiểu sai và làm sai khi coi người học là phương tiện (means) hay công cụ (instruments) chứ không phải mục đích (ends); không lấy cuộc sống và tương lai của họ làm mục tiêu (goals); cùng việc cải thiện phương tiện, phương thế và phương pháp như là đối tượng (objectives) của nền giáo dục. Giáo sư triết học Trần Văn Đoàn từ Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU) từng nhiều lần phê phán lối nhìn này và khuyến cáo mọi nỗ lực cải cách cần phải được bắt đầu từ việc đặt lại “mục đích của giáo dục” (2). Trong nước, TS. Giáp Văn Dương cũng có những phát biểu và bài viết cổ xúy triết lý giáo dục hướng đến “đào tạo con người tự do”. |
Chú thích
1. Do ảnh hưởng của Khổng giáo, các nước Đông Á thường có truyền thống trọng học vấn và bằng cấp. Tại Hàn Quốc, sinh viên tốt nghiệp Đại học Seoul, Yonsei, Korea,… luôn được nhà tuyển dụng săn đón, tương tự như ĐH Tokyo, Keio, Waseda,… ở Nhật Bản; ĐH Quốc lập Đài Loan, Thanh Hoa, Giao thông,… (Đài Loan); Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao thông Thượng Hải, Phục Đán, Triết Giang,… (Trung Quốc). Gia đình có con cái theo học và tốt nghiệp những trường này thường xem đó như là niềm vinh hạnh hay tự hào của cả dòng họ.
2. Trần Văn Đoàn (2021), Phê phán Triết lý giáo dục công cụ, Tạp chí Triết. Link: https://tapchitriet.com/?p=633
Theo Amusing Planet