Một số trình tự gen chủng mới của virus corona (2019-nCoV), được lấy từ nhiều người khác nhau, hiện đã có sẵn trên các cơ sở dữ liệu. Nhưng trình tự gen không thể thay thế cho các mẫu virus cần có để đánh giá khả năng lây lan cũng như thử nghiệm thuốc và vắc-xin.


Đường phố gần như bỏ hoang ở Vũ Hán, ảnh chụp thứ 6 tuần trước. Ảnh: NYTimes.

Trình tự bộ gen đầu tiên của nCoV được công bố vào đầu tháng 1, và vài chục trình tự, được lấy từ nhiều người khác nhau, hiện đã có sẵn trên các cơ sở dữ liệu. Các trình tự gen này đã dẫn đến các xét nghiệm chẩn đoán virus, cũng như các nỗ lực nghiên cứu sự lây lan và tiến hóa của mầm bệnh.

Nhưng các nhà khoa học nói rằng các trình tự gen không thể thay thế cho các mẫu virus. Cần có mẫu để thử nghiệm thuốc và vaccine, và để nghiên cứu sâu về virus.

Phòng thí nghiệm đầu tiên phân lập và nghiên cứu virus nCoV là một phòng thí nghiệm tại tâm điểm của dịch bệnh: Vũ Hán. Một nhóm nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán do nhà virus học Zheng-Li Shi dẫn đầu đã phân lập được virus từ một phụ nữ 49 tuổi - người này xuất hiện các triệu chứng vào ngày 23/12/2019 và sau đó trở bệnh nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nCoV có thể giết chết các tế bào người được nuôi cấy và xâm nhập vào tế bào thông qua cùng một thụ thể với SARS, một chủng virus corona khác.

Trong khi đó, Vincent Munster, nhà virus học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ tại Hamilton, Montana, cho biết, phòng thí nghiệm của ông dự kiến sẽ nhận được một mẫu trong tuần tới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Atlanta, Georgia, đơn vị phụ trách phản ứng với các trường hợp nhiễm nCoV ở Mỹ.

Munster chia sẻ, phòng thí nghiệm ưu tiên hàng đầu việc xác định các loài động vật bị nhiễm virus theo cách tương tự con người, đầu tiên là kế hoạch xem xét một con chuột đã biến đổi gen để chứa thụ thể giống ở người mà virus SARS và nCoV sử dụng để lây nhiễm vào tế bào. Các nghiên cứu tiếp theo có thể là phơi nhiễm chuột và sau đó là các loài linh trưởng với virus và kiểm tra xem vaccine có thể ngăn ngừa nhiễm trùng hay không, ông nói thêm.

Phòng thí nghiệm của Munster còn muốn đo xem virus có thể tồn tại bao lâu trong không khí hoặc trong những giọt nước bọt. Điều này sẽ giúp các nhà dịch tễ học hiểu được liệu virus có thể lây truyền qua không khí hay chỉ qua tiếp xúc gần.

Các thí nghiệm như vậy sẽ được tiến hành theo các biện pháp an toàn nghiêm ngặt - được gọi là an toàn sinh học cấp 3 - để tránh lây nhiễm cho các nhân viên phòng thí nghiệm và tránh vô tình giải phóng mầm bệnh. Hàng ngàn phòng thí nghiệm như vậy tồn tại trên khắp thế giới, nhưng Munster lưu ý rằng phần lớn nghiên cứu về virus có thể được thực hiện trong các điều kiện an toàn sinh học ít nghiêm ngặt hơn, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Bart Haagmans, nhà virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan cho biết các phòng thí nghiệm ở Pháp, Đức và Hồng Kông đang phân lập và chuẩn bị chia sẻ các mẫu virus mà họ thu được từ các bệnh nhân địa phương. "Có lẽ tuần tới chúng tôi sẽ có mẫu phân lập được từ một trong số các phòng thí nghiệm", Bart nói.

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sản xuất bộ dụng cụ chẩn đoán virus corona tại Quảng Châu. Ảnh: Nytimes.

Một trong những ưu tiên chính của Haagmans là phát triển xét nghiệm máu để tìm kháng thể chống lại virus, cho phép các nhà nghiên cứu xác định những người đã tiếp xúc với nCoV nhưng không còn bị nhiễm bệnh và thậm chí chưa từng xuất hiện các triệu chứng.

Nhóm của ông sử dụng chồn sương như một mô hình cho nhiễm trùng ở người để nghiên cứu bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp khác vì sinh lý phổi của chúng tương tự như ở người và chúng dễ bị một số loại virus tương tự tấn công. Haagmans muốn kiểm tra xem virus có khả năng lây nhiễm trong một loài động vật hay không, để có thêm hiểu biết về việc lan truyền mầm bệnh giữa người.

Bệnh viện dã chiến tạm thời Huoshenshan ở Vũ Hán sắp hoàn thành, ảnh chụp vào Chủ nhật. Ảnh: Nytimes.

Ông hy vọng sẽ có nhiều mẫu từ quá trình bùng phát để xem liệu nCoV có tiến hóa hay không. "Chúng tôi cần hiểu rõ hơn về sinh học của virus, đặc biệt là so với các virus mà chúng ta đã biết," ông nói.

Cũng thời gian này, một phòng thí nghiệm ở Úc thông báo vào ngày 28/1 rằng họ đã lấy được mẫu virus từ một người nhiễm bệnh trở về từ Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị chia sẻ các mẫu với các nhà khoa học khác.

Tính đến ngày 3/2, thế giới có 17.392 người mắc chủng mới của virus corona, 362 người tử vong, trong đó 361 xảy ra ở Trung Quốc. Việt Nam có 08 trường hợp mắc nCoV được xác nhận, trong đó có 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi); 04 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán (01 người đã khỏi); 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán.

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-00262-7

https://www.moh.gov.vn/