Tin giả và những thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus corona đã nhanh chóng lan truyền sau khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới.

Tin giả và những thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus corona đã nhanh chóng phát sinh sau khi dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới.

Sự lây lan nhanh chóng của chủng virus bắt nguồn từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và việc thiếu thông tin chi tiết về nguồn gốc cũng như cách điều trị đã tạo cơ hội nảy sinh những suy đoán. Một tuần sau khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, làn sóng thông tin sai lệch lên cao tới mức các mạng xã hội như Twitter, Facebook và Google đang phải vật lộn để đối phó.

Thứ Sáu tuần trước, sau khi WHO tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Facebook cho biết sẽ “loại bỏ những nội dung sai lệch hoặc các thuyết âm mưu đã được các tổ chức y tế trên toàn cầu hoặc cơ quan y tế địa phương đánh dấu có thể gây hại với những người tin vào chúng”.

Trước đó, vào thứ Năm, Twitter đã thông báo sẽ “điều chỉnh gợi ý tìm kiếm ở các quốc gia lớn trên thế giới để ưu tiên các nguồn thông tin y tế có căn cứ khi tìm kiếm các thuật ngữ liên quan đến nội dung #coronavirus.”

Một đoạn video cho rằng đại dịch virus corona bùng phát trên toàn thế giới bắt nguồn từ việc người dân ở Vũ Hán ăn thịt dơi đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Nguồn: TheGuardian

Dưới đây là một số ví dụ về những thông tin sai lệch đã lan truyền trên toàn thế giới.

1. Người dân ăn thịt dơi ở Vũ Hán

Thông tin sai lệch lớn nhất về nguyên nhân gây ra virus corona là một đoạn video về một người phụ nữ ăn thịt dơi đã được lưu hành rộng rãi trong suốt thời gian qua, từ Daily Mail, kênh truyền hình RT của Nga, đến các nhân vật cực hữu như youtuber Paul Joseph Watson.

Wang Mengyun, MC nổi tiếng ở Trung Quốc và là người xuất hiện trong video nói trên cho biết cô đã nhận được nhiều lời đe dọa đến tính mạng kể từ khi video nổi tiếng trên mạng.

Người ta cho rằng virus corona bắt nguồn từ động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp trong một chợ hải sản ở Vũ Hán, và dơi có thể là nguồn lây nhiễm tiềm năng. Tuy nhiên, video về cô gái ăn thịt dơi được quay vào năm 2016 ở Palau, Liên bang Micronesia - một đảo quốc ở Thái Bình Dương - nhằm quảng bá du lịch, chứ không phải được quay trong nhà hàng ở Vũ Hán như một số người đã tuyên bố.

2. Là một âm mưu có chủ đích

Những người ủng hộ thuyết âm mưu QAnon (tên một nhóm người theo thuyết âm mưu ủng hộ Trump, người đứng đầu có biệt danh là “Q”), như Jordan Sather, lan truyền ý tưởng rằng sự bùng nổ của virus corona trùng với thời điểm bắt đầu phiên tòa luận tội Donald Trump.

Sather đăng một bài viết trên tài khoản Twitter có 100.000 người theo dõi rằng sự bùng nổ bệnh dịch này đã được lên kế hoạch và bằng sáng chế virus corona được cấp cho Pirbright, một công ty có mối liên hệ với quỹ Bill & Melinda Gates. Công ty này đã phải ra tuyên bố đính chính thông tin sai lệch. Pirbright cho biết họ nghiên cứu virus bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà, một loại virus corona gây bệnh trên gia cầm và lợn chứ không gây bệnh trên người.

3. Virus corona là một loại vũ khí sinh học

Tờ Washington Times dẫn lời một cựu nhân viên tình báo quân đội Israel cho rằng dịch bệnh virus corona liên quan đến Viện virus học Vũ Hán và vũ khí sinh học là một khả năng.

Những thuyết âm mưu khác cho rằng Canada đã lén đưa virus này tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ Washington Post đã trao đổi với một số chuyên gia và họ khẳng định dựa trên bộ gene của virus corona, không có dấu hiệu nào cho thấy virus này do con người tạo ra. Vipin Narang, giáo sư ở MIT viết trên Twitter rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus này là một vũ khí sinh học, và nếu có, thì đây là một thất bại bởi vũ khí sinh học phải gây chết nhiều hơn nhưng không dễ dàng lây lan.

4. 5G khiến virus corona lây lan rộng rãi

Ngày nay, 5G bị đổ lỗi cho mọi thứ, từ bệnh ung thư cho đến cháy rừng, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi có thuyết âm mưu cho rằng 5G gây ra, hoặc giúp virus corona lây lan rộng rãi. Thuyết âm mưu này đã được chia sẻ trong những nhóm anti-5G trên Facebook.

Một bài viết trên Facebook khẳng định rằng Vũ Hán là nơi đầu tiên triển khai 5G, và 5G đã “làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó khiến bệnh cảm lạnh thông thường trở nên nguy hiểm hơn”.

Vũ Hán là một trong những nơi đầu tiên triển khai 5G ở Trung Quốc vào năm 2020, cùng với những nơi khác trên thế giới. Hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy 5G làm suy yếu hệ miễn dịch hoặc gây hại cho con người.

5. Chỉ cần uống tinh dầu kinh giới, vitamin C hoặc nước muối

Những nhóm anti vaccine và ủng hộ liệu pháp tự nhiên, cho rằng tinh dầu kinh giới, vitamin C và nước muối là những phương pháp hiệu quả để ngăn chặn hoặc chữa trị virus corona, do các mạng xã hội đã chia sẻ. Sự thật là các liệu pháp đó hoàn toàn không có tác dụng như được ca ngợi.

6. Chỉ cần uống thuốc tẩy

Một trong những phương pháp nguy hiểm để điều trị virus corona lại đến từ những người theo thuyết âm mưu trong nhóm QAnon. Theo tờ Daily Beast, những người theo thuyết âm mưu ủng hộ Trump đã thuyết phục mọi người mua “liệu pháp khoáng chất kì diệu” có thể chữa bách bệnh, bao gồm cả tự kỷ và HIV/AIDS.

Tuy nhiên, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết thực chất đó là một loại thuốc tẩy nguy hiểm.

7. Nước tăng lực Red Bull Trung Quốc và bánh may mắn chứa virus corona

Trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều nguồn tin giả mạo cơ quan y tế chính thống cập nhật những điều cần làm để tránh tiếp xúc với virus corona.

Một trong những thông tin được lan truyền rộng rãi ở Úc, thông qua những trung tâm chăm sóc trẻ em, là một “thông báo khẩn cấp” từ “Ban bệnh lý Parramatta”, theo đó những thực phẩm được cảnh báo bị nhiễm virus corona bao gồm gạo Vũ Xương, bánh may mắn, mì migoreng, sữa chua Yakult và nước tăng lực Red Bull sản xuất ở Trung Quốc.

Cơ quan Y tế của bang New South Wales (Úc) đã buộc phải đưa ra tuyên bố rằng Ban Bệnh lý Parramatta không tồn tại. “Chúng tôi muốn đảm bảo với cộng đồng rằng những thứ trong bài đăng này không nguy hiểm với người dùng, và không có ‘thông báo chính thức’ nào tại các nhà ga”.

8. Không đi đến các vùng ngoại ô

Một thông tin khác lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội được cho là của Cơ quan Y tế bang Queensland cảnh báo mọi người tránh xa một số vùng ngoại ô ở Brisbane và những vùng đông dân có người Trung Quốc sinh sống.

Nghị sĩ Duncan Pegg của thành phố Brisbane đã đăng lên twitter rằng cảnh báo này là giả mạo và do ai đó tạo ra để cố tình bôi nhọ các địa phương được nhắc đến.

Nguồn: