Chủ đề văn hóa vỉa hè đã được khoa Văn hóa học - Học viện Khoa học xã hội và Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - quan tâm từ lâu, đã theo dõi, tìm hiểu, gợi ý cho một số cán bộ, nghiên cứu sinh tập trung nghiên cứu.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào về văn hóa vỉa hè. Chúng tôi mong muốn xây dựng một chương trình nghiên cứu nghiêm túc, chính thống và đa diện về vấn đề này với sự tham gia của một số cơ quan và nhà khoa học có cùng mối quan tâm.

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa - với mong muốn khoa học góp phần vào chính sách quản lý đô thị. Một số chuyên gia về văn hóa khác cũng đề xuất các hướng nghiên cứu về văn hóa vỉa hè.

Bối cảnh, chính sách và những xung đột trên vỉa hè

Bối cảnh tạo dựng và duy trì văn hóa vỉa hè ở đô thị Việt Nam là một hướng nghiên cứu do PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm đề xuất. Theo đó, có thể khái quát bối cảnh này từ trong quá khứ, gắn với lịch sử dân tộc, các cuộc chiến tranh, sự du nhập của văn hóa Âu, Mỹ và nhiều luồng văn hóa khác vào Việt Nam, gắn với sự thăng trầm của các hoạt động trên vỉa hè, gắn với du lịch, với bối cảnh văn hóa đặc trưng của vùng miền, tộc người...

Một quán trà đá trên hè phố Hà Nội. Ảnh: Châu Long
Một quán trà đá trên hè phố Hà Nội. Ảnh: Châu Long

Ngoài ra, TS Phương Châm cũng nêu một số hướng nghiên cứu sau:

1. Chính sách và việc thực thi chính sách liên quan đến vỉa hè: Xem xét sự khác nhau về chính sách qua các thời kỳ, thể hiện sự khác nhau trong cách nhìn nhận về không gian vỉa hè và cuộc mưu sinh trên đó, khi thì cấm đoán quyết liệt, khi thì thả lỏng, khi thì cấm trên bề mặt còn thực chất là cho phép... Điều này thể hiện tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của các nhà quản lý vừa muốn có hoạt động sôi nổi trên vỉa hè để phát triển kinh tế, du lịch, vừa muốn có không gian đô thị sạch đẹp.

2. Hoạt động mưu sinh trên vỉa hè của các nhóm dân cư: Nghiên cứu hoạt động sinh kế, những chiến lược thích ứng của người dân để mưu sinh trên hè phố nhằm nhìn ra sự linh hoạt của họ, cách mà họ kiếm sống trong sự thương thảo, những cách thức đàm phán (nhiều khi là ngầm định).

3. Chiến dịch dẹp vỉa hè và những tác động xã hội của nó: Tìm hiểu tác động của chính sách dẹp vỉa hè tới đời sống người dân mưu sinh trên vỉa hè và các nhóm yếu thế, tới đời sống văn hóa của cư dân, bức tranh văn hóa và du lịch của thành phố, tới ký ức của cá nhân và cộng đồng, tới không gian văn hóa của một đô thị...

4. Những khía cạnh xung đột và sự thỏa hiệp liên quan tới chiến dịch dẹp vỉa hè: Xung đột giá trị liên quan đến khái niệm “văn hóa vỉa hè”, xung đột và thỏa hiệp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý và tình, giữa vấn đề pháp lý và sự thông cảm, giữa tâm lý xin - cho, nể nang và hình thức nghiêm ngặt của các quy định, giữa những chiến lược ứng phó kiểu “du kích”, “che mắt”, “báo cho nhau” với sự “ra quân”, “theo dõi”, “bắt phạt"...

“Các xung đột còn thể hiện ở cách tư duy về khái niệm văn hóa vỉa hè. Nhiều nhà quản lý cho rằng sử dụng vỉa hè để kinh doanh là lạc hậu, mất mỹ quan, cần “dọn sạch” để thành phố văn minh hơn. Song từ góc nhìn khác, rõ ràng vỉa hè cùng các hoạt động, trải nghiệm trong không gian này là một phần của cuộc sống hiện đại, của thành phố hiện đại, là nơi lưu giữ ký ức, lịch sử, tri thức đa dạng của cộng đồng. Liệu các khái niệm văn minh, hiện đại trong lý thuyết của phương Tây có thực sự phù hợp khi đặt trong mối liên quan với lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam để đào sâu sự khác biệt trong các phạm trù hiện đại - truyền thống, văn minh - lạc hậu, trật tự - lộn xộn...?” - bà Phương Châm nêu vấn đề.


Diễn ngôn về vỉa hè

Theo PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, tìm hiểu diễn ngôn về văn hóa vỉa hè cũng là một hướng nghiên cứu thú vị và khả thi. Mặc dù những vấn đề liên quan đến vỉa hè, từ các hoạt động sinh kế đến thực hành văn hoá và xã hội... cũng như các xung đột liên quan đến nó đã có từ lâu ở Việt Nam, mặc dù chiến dịch mà ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM - khởi xướng không phải là hoạt động lập lại trật tự vỉa hè đầu tiên được thực hiện, nhưng chưa bao giờ câu chuyện vỉa hè nổi lên như một vấn đề tranh luận sôi nổi, gay gắt với nhiều phát biểu, nhiều ý kiến và quan điểm đa chiều như sau chuỗi hành động của ông Đoàn Ngọc Hải năm 2017.

“Điều đó đặt ra câu hỏi tại sao và bối cảnh xã hội hiện nay như thế nào khiến cho vỉa hè và văn hóa vỉa hè trở thành vấn đề gây tranh luận như vậy. Kết quả phân tích diễn ngôn về vỉa hè có thể phần nào gợi mở cho việc tìm hiểu triết lý về phát triển của Việt Nam trong quá khứ và hiện tại” - PGS-TS Phạm Quỳnh Phương nói.

GS-TS Lê Hồng Lý - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian - cho rằng trong chủ đề vỉa hè, có thể triển khai nghiên cứu về văn hóa dân gian ở các phố đi bộ tại đô thị Việt Nam, chính sách về quản lý vỉa hè.

Còn TS Đỗ Lan Phương - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - cho rằng, từ thực tế nhiều cư dân đô thị Hà Nội thường coi vỉa hè như sân trước, hàng hiên nhà mình, là không gian chuyển tiếp giữa phần “lãnh thổ” của mình và không gian chung, có thể nghiên cứu vấn đề chung - riêng trong sử dụng vỉa hè, so sánh không gian vỉa hè trước đây và sau này.

Ngoài ra, có thể nghiên cứu vấn đề chung - riêng trong việc tạo ra tính thẩm mỹ, cảnh quan vỉa hè, xuất phát từ việc nhiều gia đình Hà Nội trước đây vì coi phần vỉa hè trước cửa là “của mình” nên đã trồng và chăm sóc cây xanh trên đó, góp phần tạo ra một Hà Nội xanh.