Từ năm 2012 đến nay, ThS Phạm Văn Thế theo đuổi sinh học sinh sản - lĩnh vực nghiên cứu về hệ thống sinh sản của sinh vật, bao gồm các cơ quan và quá trình sinh sản.

“Đối với các giống quý hiếm, các loài bị đe dọa tuyệt chủng, sinh học sinh sản giúp bảo tồn nguồn giống đó. Ví dụ, việc tìm hiểu khả năng ra hoa, kết quả - tức sinh sản và khả năng nảy mầm của hạt - tức tái sinh là một công việc của sinh học sinh sản” - ThS Thế giải thích.

Đề tài đầu tiên của anh trong lĩnh vực này là “nghiên cứu sinh học sinh sản ở nhãn và ảnh hưởng của nhiệt độ đến quá trình này”.


“Kết quả nghiên cứu của tôi sẽ bổ sung các dẫn chứng khoa học còn thiếu về sinh học sinh sản từ quá trình thụ phấn đến trước khi thụ tinh, ảnh hưởng của nhiệt độ đối với sự nảy mầm của hạt phấn và sự phát triển quả nhãn” - ThS Thế chia sẻ. Các dẫn liệu về hình ảnh và chuẩn quan sát vật hậu học (từ khi nhãn nảy chồi đến khi thu hoạch), về quá trình hình thành quả non, phát triển cùi nhãn… sẽ giúp người trồng biết cách chọn thời điểm chăm sóc và tác động hợp lý.

Từ đề tài này, ThS Phạm Văn Thế sẽ mở rộng hướng nghiên cứu sang các loài cây quý có nguy cơ tuyệt chủng. Anh cho biết: “Với những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng thì việc nghiên cứu bảo tồn quan trọng không kém các biện pháp bảo vệ. Những loài đó có thoát khỏi thảm họa sự tuyệt chủng hay không hoàn toàn dựa vào khả năng tạo ra thế hệ tương lai thông qua quá trình sinh sản hữu tính và cả vô tính. Hầu hết các loài này đều rất ít tái sinh trong tự nhiên, thậm chí không ghi nhận được sự tái sinh trong tự nhiên. Có thể giải quyết bài toán đó bằng sinh học sinh sản”.

Theo đó, với những loài sinh sản hữu tính, có thể áp dụng phương pháp tìm hiểu quá trình thụ phấn, thụ tinh của một loài. Nhờ vậy, các nhà khoa học biết được sự thụ phấn hoặc thụ tinh có thành công không; quá trình tạo thành phôi hoặc phát triển hạt có tốt không để trả lời câu hỏi tại sao cây này không có tái sinh trong tự nhiên.

Với các loài có khả năng sinh sản vô tính như giâm cành, cần tìm hiểu cá thể mới tạo thành có ra hoa bình thường không; hoa có hạt phấn, noãn, phôi không; hạt phấn có nảy mầm trong nhụy và thụ tinh cho noãn không; quả có nảy mầm không?

“Những cá thể đó được tạo ra bằng phương pháp nhân tạo, không tự nhiên, nên phải đảm bảo khả năng của chúng trong việc duy trì và phát triển ra các cá thể cho thế hệ kế tiếp” – ThS Thế bổ sung.