Xây dựng hệ thống cống sự cố là một giải pháp mà TS Phạm Sanh cho là rất cần thiết cho TPHCM nếu muốn giải bài toán chống ngập, với đường kính ống đủ thoát nước mà không tốn quá nhiều kinh phí.

“Với hệ thống cống đô thị thông thường, nếu xây cống cho trận mưa 100 năm (nghĩa là chịu được trận mưa lớn có tần suất 100 năm/lần) thì quá tốn kém, còn dùng cống nhỏ cho trận mưa 1-2 năm thì cứ mưa là ngập” - TS Sanh nói. Tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay quy định hệ thống cống đô thị phải có sức chịu tải trận mưa 5-10 năm.

“Vấn đề của chúng ta không phải là xây một cái cống thoát nước mà phải thiết kế một hệ thống cống với quy hoạch rõ ràng, cống trong hẻm có sức tải trận mưa 5 năm, cống ở đường phố là 20-25 năm, cống chảy qua kênh rạch phải là 50 năm” - TS Sanh nói.

Tuy nhiên, để đối phó với những trận mưa 100-200 năm, ông cho rằng TPHCM phải có hệ thống cống sự cố đường kính lớn, nước chảy qua đây sẽ đi ra hệ thống điều áp, trạm xả công suất lớn để bơm ra biển. Hầu hết các thành phố lớn như New York (Mỹ), Tokyo (Nhật), London (Anh) đều có hệ thống này.

Khu vực hồ chứa của hệ thống kinh phân phối ngầm để thoát nước khỏi khu vực trung tâm thành phố Tokyo. Ảnh: The Japan Times

Ngoài việc xây dựng cống sự cố, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng áp dụng các giải pháp thoát nước khác, nhất là các thành phố gần biển. London, Venice (Italy) xây cổng ngăn lũ trên sông Thames và Adriatic. Các thành phố Hà Lan bảo vệ mình bằng hệ thống chống lũ, thoát nước phức tạp gồm đê, đập, barrier…

Còn Tokyo xây dựng hệ thống kênh phân phối ngầm để đưa lượng lớn nước thừa ra khỏi khu vực trung tâm để dẫn ra biển. Hệ thống này gồm 5 ống cống thẳng đứng, chiều rộng và chiều cao đủ chứa một tàu con thoi.

Chúng được nối với nhau bởi con kênh dài 6,3km, rộng 10m, điểm cuối là hố chứa để giảm tốc độ dòng chảy và duy trì áp suất của nước trong hệ thống. Hố này rộng 78m, dài 177m, nằm dưới mặt đất 22m. Trần của hồ chứa được đỡ bằng 59 cột trụ cao 18m, nặng 500 tấn. Mực nước trong hệ thống được điều chỉnh bằng máy bơm công suất lớn, mỗi giây có thể bơm 200m3 (tương đương một bể bơi).

Nhiều công nghệ chống ngập hiện đại cũng mới được ứng dụng thành công. Chẳng hạn, California (Mỹ) có hệ thống đê thông minh với hàng loạt cảm ứng điện có khả năng cảnh báo khi một đoạn đê có nguy cơ vỡ. Nhiều nơi áp dụng công nghệ Lidar IDAR dùng ánh sáng và bản đồ 3D ở từng khu vực để quan sát, phán đoán sự thay đổi mực nước, hay sử dụng các thông số kỹ thuật được tập hợp từ vệ tinh, từ các thiết bị laser, từ hệ thống ngầm…