“Bảo tồn nguồn gene tại chỗ chỉ thành công khi gắn với sinh kế của dân” - TS Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia về đa dạng sinh học - khẳng định.
Làm giàu nhờ giống bảo tồn
Người Quảng Ninh có câu “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên” để nói về những giá trị quý của địa phương. Tuy nhiên, gà Tiên Yên - loài bản địa đặc hữu, thịt đặc biệt thơm ngọt - từng có nguy cơ mất giống do lai tạp, năng suất thấp. Để phục hồi, từ năm 2012, Quảng Ninh triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình chăn nuôi sinh sản gà Tiên Yên theo quy mô công nghiệp và nuôi thương phẩm bán trang trại.
Theo TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đây là một trong những thành công trong việc bảo tồn tại chỗ các gene quý của địa phương do kịp thời nhận thức được giá trị của chúng.
Lợn đen Lũng Pù là giống lợn bản địa ở Mèo Vạc đang được nuôi giữ tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Châu Long
Sự phục hưng gà Tiên Yên có sự đóng góp nhiệt tình của doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty cổ phần chăn nuôi và nông - lâm nghiệp Phúc Long với việc nghiên cứu, ứng dựng sản xuất giống gà này bằng thụ tinh nhân tạo, giúp tăng 20-25% hiệu quả kinh tế do kiểm soát được các điều kiện ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng trứng, tỷ lệ ấp nở cao hơn, chi phí nuôi gà trống thấp hơn.
Ông Lý Văn Sáng - Giám đốc công ty - cho biết: Bắt đầu với 1.000 con giống bố mẹ tuyển chọn từ các hộ nuôi gà lâu đời, công ty đã nhân giống, nuôi giữ hơn 300.000 gà giống cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ chỗ là đối tượng cần được “cứu”, gà Tiên Yên trở thành “cần câu cơm” cho nhiều hộ dân, trong đó có gia đình ông Trần Văn Đa ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Năm 2015, ông nuôi 10.000 con, lãi trên 1 tỷ đồng. Năm nay, ông nuôi 18.000 con và mức lãi dự tính là trên 2 tỷ đồng, tính theo mức giá gà thương phẩm bán ra thị trường là 160.000-200.000 đồng/kg.
Gà Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) được nuôi giữ tại địa phương. Ảnh: Châu LongGà ri Ninh Hoà (Khánh Hoà) cũng từng bị thoái hoá và đe doạ mất giống do tập quán chăn nuôi lạc hậu. Với cố gắng của địa phương và doanh nghiệp, gà ri Ninh Hoà đã được đưa vào đàn giống gốc của quốc gia.
Ông Phạm Đình Phùng - Giám đốc Công ty giống gia cầm Phùng Dầu Sơn, đơn vị đầu tư chọn lọc, phục tráng giống gà này để tìm lại dòng thuần chủng - cho biết: “Cách bảo tồn chủ yếu là chọn lọc tự nhiên qua nhiều thế hệ để chọn những con có tính trạng tốt nhất. Năm 2015, gà ri Ninh Hòa đã được Nhà nước công nhận bộ giống tốt quốc gia. Hiện giá bán gà ri Ninh Hòa cao hơn các dòng gà khác khoảng 10.000 đồng. Giống gà này đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành và đang xuất khẩu sang Campuchia, Lào”.
Gene đẻ ra tiền mới phát triển được
TS Nguyễn Văn Trọng cho biết, không ít gene giống vật nuôi Việt Nam đã mất hoặc bị lai tạp do năng suất thấp, phát triển trong phạm vi hẹp ở một địa phương. Trong bối cảnh giống ngoại có năng suất cao được nhập về nhiều, nếu không bảo tồn đúng cách, tình trạng mất gene gốc càng gia tăng. Ngoài cách nuôi giữ nguồn gene quý tại các trung tâm chuyên canh, cách bảo tồn ở chính địa phương có giống quý (bảo tồn tại chỗ) đã thể hiện hiệu quả qua trường hợp của gà Tiên Yên, gà ri Ninh Hòa, lợn Móng Cái…
Vịt Kỳ Lừa Lạng Sơn đang được nuôi giữ tại Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Châu Long
Theo TS Vũ Ngọc Sơn - nguyên Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và Đa dạng sinh học, Viện Nghiên cứu chăn nuôi Quốc gia, việc bảo tồn tại chỗ không chỉ giúp con vật duy trì ổn định tập tính mà còn giúp xã hội hóa việc bảo tồn nguồn gene. Người dân có thể tham gia bảo tồn và khai thác nguồn gene. Nhà nước không tốn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để nuôi giữ và quản lý. “Bảo tồn gene tại chỗ chỉ thành công khi gắn với sinh kế của dân. Nếu thấy có hiệu quả kinh tế, dân sẽ có ý thức bảo vệ, chăm sóc, bồi dục nguồn gene và khai thác nó” - ông Sơn nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Công Thiếu - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi - khẳng định không phải nguồn gene nào cũng khai thác và phát triển được: “Chẳng hạn như lợn ỉ từng được nuôi hơn 2 triệu con ở Đồng bằng sông Hồng, nhưng do năng suất thấp, nhiều mỡ nên số lượng ngày càng ít. Hiện nguồn gene lợn ỉ chỉ được bảo tồn ở phòng thí nghiệm để giữ đa dạng sinh học. Nhiều giống lợn đã mất hẳn do không đem lại lợi nhuận như lợn lang hồng (Bắc Giang), lợn Chưprong (Gia Lai), lợn trắng Phú Khánh (Phú Yên)...
Do đó, các chuyên gia đều cho rằng cần áp dụng song song hai cách bảo tồn - ở phòng thí nghiệm và tại địa phương. Với việc lưu giữ ở địa phương, theo TS Trọng, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ dân và đơn vị có nguồn gene quý. Do ngân sách hạn chế, cần phối hợp dưới dạng Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Nhà nước dùng một phần tiền ngân sách đầu tư trang trại, các hộ chăn nuôi đóng góp một phần để có trách nhiệm với đàn giống và khi khai thác được, họ sẽ nhận thấy giá trị của giống vật nuôi” - ông Trọng nói.