Trong quá trình công tác, bác sĩ Ngô Ngọc Liễn, bộ môn Tai Mũi Họng (trường Đại học Y Hà Nội) đã nhiều năm được làm việc với giáo sư Trần Hữu Tước, và đã được ông chỉ dạy về chuyên môn cũng như những vấn đề của cuộc sống thường nhật, trong đó có ba bài học đáng nhớ.

Giáo sư Trần Hữu Tước
Giáo sư Trần Hữu Tước

Văn hóa là gốc của con người

Thầy Tước vẫn dạy chúng tôi rằng văn hóa là gốc của con người và yếu tố lịch sử trong văn hóa rất quan trọng, nó góp phần phân biệt nền văn hóa của nước này với nước khác. Trong khi viết sách chuyên ngành, thầy Tước cũng rất coi trọng yếu tố lịch sử. Tôi còn giữ được quyển sách đầu tiên do thầy Tước viết về Bệnh học Tai Mũi Họng năm 1959. Gần một nửa quyển thầy viết về lịch sử bệnh Tai Mũi Họng, từ châu Âu đến Trung Quốc và cho đến lịch sử bệnh Tai Mũi Họng của Việt Nam. Tôi có ý kiến với thầy, tỉ lệ nội dung lịch sử môn học như thế là nhiều, phần bệnh học rất cần cho sinh viên thì lại ít quá. Thầy Tước trả lời, nếu không hiểu được lịch sử thì không biết được hiện tại.

Tôi nhớ kỷ niệm năm 1963, thầy Tước khi đó là đại biểu Quốc hội (khóa II) của tỉnh Thanh Hóa nên hằng năm có chương trình tiếp xúc cử tri tại địa phương, tôi may mắn được đi cùng thầy. Thầy hỏi tôi: Liễn muốn đi chơi đâu? Tôi nói ngay là muốn đi Sầm Sơn, nơi tôi yêu thích từ thời còn sinh viên. Nghe vậy, thầy Tước khuyên: Các cậu còn trẻ, nên đến Thành nhà Hồ trước bởi đó là một di tích lịch sử văn hóa của Thanh Hóa rồi đi Sầm Sơn sau. Thế mới biết, thầy xa quê, sang học tập tại Pháp nhưng vẫn nhớ về những di tích văn hóa của dân tộc gắn liền với những giai đoạn lịch sử đáng nhớ. Học tập từ thầy, sau này khi tôi thành lập Đoàn Thầy thuốc nhân đạo, đi khám chữa bệnh miễn phí ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, tôi thường tìm hiểu trước ở các vùng đó có những di tích lịch sử, thắng cảnh nào. Như vậy, các cán bộ y tế không chỉ phục vụ chăm sóc sức khỏe đồng bào mà còn biết thêm các di tích của các vùng miền trên đất nước mà không phải lúc nào cũng có dịp đến.

Cũng như với lịch sử, những điều thầy nói với chúng tôi về văn hóa thật giản dị, không phải là những gì to tát xa xôi mà biểu hiện ở những cử chỉ, ứng xử nhỏ nhất. Chuyện là năm 1966, Bộ môn tuyển hai cô kỹ thuật viên phục vụ cho công tác nghiên cứu. Một cô, vì một vài lý do, Bộ môn không nhận, còn một cô có bố làm ở Nhà máy Trung quy mô Hà Nội, Bộ môn đang làm thủ tục nhận vào làm việc. Tôi vẫn còn nhớ như in. Hôm đó thầy Tước đi vào phòng làm việc, lúc sau thầy gọi tôi vào và nói: Chắc không nhận cô ấy vào Bộ môn được. Rồi thầy giải thích, “Liễn không để ý, chứ lúc tôi vào, cô ấy đứng dậy chào rồi ngồi co hai chân lên ghế”. Mấy hôm sau, thầy lên tận trường gặp thẳng Bí thư Đảng ủy trường Đại học Y Hà Nội (1957-1971) Phan Huy Chữ để nói về việc không đồng ý nhận cô ấy. Dù chỉ một cử chỉ vậy thôi nhưng có lẽ thầy cho đó là tác phong không thể chấp nhận.

Y đức của bác sĩ

Vào thời đó, không phải ai cũng hiểu thầy, thậm chí có ý kiến cho rằng thầy có vẻ kiêu ngạo khó gần. Mỗi khi đề cập đến chuyện đó, thầy vẫn lý giải một cách khôi hài: con người hơn các loài ở chỗ là cột sống cổ luôn luôn hướng chếch 15 độ hướng lên trên, do đó con người mới có khả năng tiến lên được. Tuy nhiên, nếu là những người hay làm việc với thầy và chứng kiến sự quan tâm của thầy với bệnh nhân, chắc hẳn người ta sẽ phải có những nhận định khác.

Không chỉ khác biệt về phong cách mà những hành xử và quan điểm của thầy cũng rất hiện đại. Ngay ở thời kỳ bao cấp, những khái niệm về kinh tế thị trường vẫn còn xa lạ thì chính thầy Tước là người đưa ra quan điểm, cần coi bệnh nhân là client (khách hàng), tôn trọng họ chứ không nên coi họ là “người mua” và mặc sức đối xử với họ như thế nào cũng được. Khi ấy, có người còn cho rằng, quan điểm như vậy là ảnh hưởng của tư tưởng tư bản chủ nghĩa, bản thân tôi cũng chưa thật sự “thông”. Dần dần chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói của thầy, thông qua chính những công việc hằng ngày mà thầy vẫn thực hiện.

Với bệnh nhân, thầy luôn tôn trọng và giữ đúng nguyên tắc chuyên môn. Tôi nhớ, có lần đi xem kịch ở Nhà hát lớn nhưng đến nửa chừng thầy bảo phải về ngay Viện Tai Mũi Họng. Ngạc nhiên vì chúng tôi biết thầy là người rất yêu nghệ thuật, sau chúng tôi mới biết thầy về để thăm và khám lại bệnh nhân thầy mới mổ song chưa kịp làm vì buổi chiều, thầy tham gia tiếp đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ban lãnh đạo trường. Dù lúc nào bệnh viện cũng có bác sỹ trực nhưng thầy không thấy thật sự yên tâm, muốn tự tay mình kiểm tra tình hình bệnh nhân…

Vì đặt vấn đề sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu nên nhiều khi, thầy cũng đành phải “phạm lỗi” đến muộn trong một số dịp lễ, điều đã thành nếp sống của thầy. Đó là một lần mời thầy liên hoan nhân ngày 20/11, chúng tôi chờ mãi mới thấy thầy tới. Vừa vào đến nơi, thầy đã thanh minh ngay là phải nán lại thay băng cho một bệnh nhân hôm qua mổ.

Trong cả hai trường hợp này, thầy đều theo đúng quan điểm mà mình đề ra: người trực tiếp mổ, bao giờ ngày đầu tiên sau ca mổ cũng phải đến thăm khám cho bệnh nhân và cũng là người thay băng, cắt chỉ đầu tiên bởi theo lời giải thích của thầy, có như vậy bác sỹ mới biết được đường mổ khâu có đạt kỹ-mỹ thuật hay không, chỉ khâu được chọn đã phù hợp chưa? Không những vậy, việc ghi bệnh án cũng phải chi tiết, tỉ mỉ, ví như một bệnh nhân bị thủng màng tai thì trong bệnh án phải mô tả lỗ thủng đó ở vị trí nào, tai trái hay phải, trong hay ngoài, to hay nhỏ, sát với vỏ xương hay không?... Thường khi họp giao ban, thầy yêu cầu chúng tôi báo cáo chi tiết tình hình tiến triển của bệnh nhân sau khi mổ.

Việc thực hành Y đức một cách nghiêm cẩn với thầy không chỉ quan trọng trong việc nắm bắt bệnh trạng mà còn hữu ích với chính các bác sỹ. Thầy luôn coi mỗi bệnh nhân là một người thầy của mình và mỗi buổi hội chẩn bệnh là một giờ học giá trị bởi mỗi bệnh nhân có những bệnh và biểu hiện bệnh khác nhau, các bác sĩ sẽ học thêm được điều gì đó từ việc thăm khám họ.

Luôn khiêm tốn học hỏi

Thầy Tước luôn nhắc nhở các học trò, ngay cả khi đã trở thành thầy, cần liên tục bổ sung kiến thức lẫn tay nghề chuyên sâu và giữ thái độ đúng mực trong điều trị và khám chữa bệnh bởi “học trò trông thầy hành nghề để học theo”.

Tuy rất vui khi thấy học trò tiến bộ nhưng thầy luôn nhắc nhở chúng tôi không nên có được những kết quả ban đầu mà thấy mình đã giỏi. Tôi còn nhớ, sau ba năm tốt nghiệp, mình có công trình nghiên cứu đầu tiên, được chọn báo cáo tại Hội nghị khoa học trường Y lúc bấy giờ. Tôi cảm thấy rất tự hào về thành quả này và khoe ngay với thầy. Thầy nói vui: Tôi tốt nghiệp bác sĩ năm 1937. Tôi ngầm hiểu: Thầy từng học tập, nghiên cứu và làm trợ lý Khoa Tai Mũi Họng tại Bệnh viện Nhi Necker, Cộng hòa Pháp, từng có nhiều kinh nghiệm và thành công trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị tai mũi họng nhưng thầy có bao giờ khoe khoang. Tôi coi đó như lời răn dạy của thầy với tôi, rằng không nên vội bằng lòng với thành quả bước đầu, phải biết nỗ lực, rèn luyện và cập nhật những tri thức mới.

Những bài học quý giá của thầy đã đi theo suốt cuộc đời làm nghề của tôi.