Gần đây, một số bệnh viện trên cả nước công bố về việc phát hiện và phân lập được vi khuẩn Whitmore từ nhiều bệnh nhân, một loại vi khuẩn mà nhiều báo chí đặt cho cái tên “vi khuẩn ăn thịt người” hay “vi khuẩn ăn cánh mũi”.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Ảnh: aljazeera
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Ảnh: aljazeera

Vậy Whitmore có thật sự nguy hiểm và nếu có thì cách phòng ngừa, điều trị nào là hiệu quả? TS. Trịnh Thành Trung - Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học (ĐHQH Hà Nội) đã trả lời phỏng vấn của báo KH&PT nhằm giải đáp những thắc mắc trên.

Sự thật về Whitmore

Thưa ông, hiện nay chúng ta biết gì về bệnh Whitmore?

Whitmore (melioidosis) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao và tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo. Điều đáng nói, Việt Nam chính là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra bệnh Whitmore, do đó nó còn có tên gọi là “Vietnamese time-bomb” - “quả bom hẹn giờ của Việt Nam”. Ca nhiễm bệnh đầu tiên mà người ta phát hiện là vào năm 1925 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó Hà Nội năm 1928 và Huế năm 1936. Bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh sống ngoài môi trường đất cũng được các nhà khoa học Pháp công bố là tại tỉnh Hải Dương năm 1937 và tại các tỉnh Nam Bộ năm 1955. Trong chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ca bệnh đã được ghi nhận trên binh lính Pháp và Mỹ. Trong số 3 triệu lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam, có khoảng 250.000 binh lính phơi nhiễm với vi khuẩn Whitmore và nhiều cựu chiến binh Mỹ đó đã phát bệnh khi về nước do có một thời gian dài ủ bệnh lên tới hàng chục năm.

Sau chiến tranh, do khó khăn về điều kiện y tế và sự thiếu thốn các trang thiết bị xét nghiệm vi sinh mà rất ít các ca bệnh được phát hiện ở nước ta. Hầu hết các máy xét nghiệm vi sinh thường quy tại các bệnh viện đều chẩn đoán sai vi khuẩn Whitmore thành các vi sinh vật khác, dẫn đến ít khi chúng ta chẩn đoán đúng được ca bệnh. Từ đó, Whitmore đã trở thành căn bệnh bị lãng quên dài trong suốt mấy thập kỷ qua.

Gần đây có nhiều thông tin cho rằng bệnh Whitmore có nguy cơ bùng phát thành dịch và gán cho nó cái tên “vi khuẩn ăn thịt người”, “vi khuẩn ăn cánh mũi”. Ông nghĩ gì về việc này?

Trong thời gian gần đây, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại, việc xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu được quan tâm chú ý. Mặt khác, các bác sỹ cũng được cảnh giác về căn bệnh Whitmore này nên số lượng bệnh nhân nhiễm bệnh được chẩn đoán đúng tăng lên. Do đó, đây không phải là tình trạng bệnh đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch như một số bài báo nói.

Xét về bản chất, vi khuẩn gây bệnh Whitmore sống ở trong đất và lây nhiễm sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận của cơ thể (không loại trừ một bộ phận, một cơ quan cơ thể nào), phổ biến nhất là phổi, dẫn đến gây áp xe, viên nhiễm các cơ quan nội tạng. Phương thức tấn công của vi khuẩn Whitmore cũng giống với tất cả các căn nguyên vi sinh vật gây bệnh khác, trường hợp vi khuẩn tấn công mũi bệnh nhân vừa qua là một dạng viêm và áp xe ngoài da. Do tấn công ở vị trí mỏng yếu (cánh mũi) của cơ thể, kèm thời gian được chẩn đoán đúng bệnh lâu, việc chỉ định điều trị đúng kháng sinh chậm nên các khu vực viêm trên cánh mũi này bị vỡ ra (giống như nhiều mụn mủ nhọt ngoài da khác) làm thay đổi hình dạng cánh mũi. Đây không phải là chuyện “vi khuẩn ăn thịt người” hay “vi khuẩn ăn cánh mũi”.

Theo ông, những người nào có nguy cơ nhiễm bệnh Whitmore?

Đó là những người thường xuyên phải tiếp xúc với đất và có những biểu hiện khác lạ về sức khỏe như ho, sốt, đau ngực, đau cơ xương khớp, đau ở vùng bụng, mưng mủ ngoài da lâu ngày…vv. Trong trường hợp này, cần đưa họ đến các cơ sở y tế uy tín có khả năng xét nghiệm vi sinh để kịp thời xét nghiệm chẩn đoán đúng bệnh.

TS. Trịnh Thành Trung (phải) cùng các bệnh nhân mắc Whitmore.
TS. Trịnh Thành Trung (phải) cùng các bệnh nhân mắc Whitmore.

Bệnh cạnh đó, người nguy cơ nhiễm Whitmore cao là người có bệnh tiểu đường, bệnh gan thận mạn tính và người nghiện rượu. Tuy nhiên, có thể gặp bệnh Whitmore trên cả những người khỏe mạnh bình thường, ở mọi lứa tuổi: từ trẻ em đến người trưởng thành, trung niên và người già. Nếu được xét nghiệm vi sinh sớm, phát hiện được đúng bệnh, thì vẫn có phác đồ kháng sinh để điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sỹ, uống thuốc dự phòng trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng để để phòng tái phát. Trong số các ca mắc bệnh whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa trong số họ có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Vi khuẩn gây bệnh trên người có tuân theo quy luật nào không?

Theo một nghiên cứu của chúng tôi thì khoảng 70% số lượng ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Chúng tôi nhận thấy, sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian này cũng tương đồng với kết quả các nghiên cứu được thực hiện trên các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Nó cho thấy số ca nhiễm bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm.

Bước chuẩn bị của các nhà chuyên môn

Vậy các nhà nghiên cứu Việt Nam đã chuẩn bị những gì để có thể ứng phó bệnh dịch về lâu dài?

Theo quan sát của tôi thì gần đây, tại các hội nghị về vi sinh lâm sàng và truyền nhiễm, Hội nghị hô hấp toàn quốc, Hội nghị Hồi sức cấp cứu đã có một số các báo cáo nghiên cứu về bệnh Whitmore và trao đổi chuyên môn giữa các chuyên khoa tại các buổi sinh hoạt khoa học. Nhiều bác sỹ ở các Khoa Truyền nhiễm, Nội Khoa, Ngoại Khoa, Hồi sức Cấp cứu, Nhi… đã rất cảnh giác với căn bệnh này.

Trong vài năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã tập trung vào nghiên cứu căn bệnh Whitmore. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học cũng nằm trong số đó. Kể từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã giúp đỡ 38 bệnh viện ở 26 tỉnh/thành phố về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện được gần 1.000 ca nhiễm Whitmore trong cả nước. Đa số các bệnh viện xét nghiệm được những ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên sau khi được chúng tôi tập huấn kỹ thuật. Mặc dù số lượng phát hiện ca bệnh còn quá khiêm tốn so với các nước láng giềng nhưng đó là kết quả cố gắng của cả một tập thể nghiên cứu gồm nhiều cán bộ xét nghiệm vi sinh lâm sàng và bác sỹ tại các bệnh viện.

Mục tiêu hướng đến của các nghiên cứu này là gì?

Là tìm được nhiều kết quả nghiên cứu để có thể cung cấp các thông tin để tư vấn cho các nhà quản lý để xây dựng hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Hiện tại rất may là chúng tôi mới được Chương trình Quỹ Gene của Bộ KH&CN tài trợ nghiên cứu các đặc tính sinh học của vi khuẩn Whitmore phân lập tại Việt Nam để ứng dụng phát triển các kỹ thuật xét nghiệm nhanh căn nguyên gây bệnh, từ đó điều trị bệnh nhân theo phác đồ kháng sinh khuyến cáo nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Chúng tôi mong muốn kiểm chứng một số dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong. Để có thể khẳng định con số dự báo này có thật sự đúng không thì cần phải tiếp tục nghiên cứu điều tra, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ lúc chỉ định mẫu nuôi cấy vi sinh, xét nghiệm và định danh vi khuẩn Whitmore theo đúng hướng dẫn của quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật xét nghiệm nhanh để giúp các bác sỹ sớm chẩn đoán đúng bệnh, Cùng với các hợp tác quốc tế Nghị định thư với Anh, chúng tôi từng bước tiếp cận nghiên cứu về vaccine phòng bệnh.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tại Hội nghị bệnh Whitmore toàn cầu lần thứ 8, tổ chức tại Cebu, Philippines năm 2016, bằng việc sử dụng các thuật toán khoa học để dự báo về sự phân bố của vi khuẩn whitmore ở các lục địa và dự đoán số lượng người nhiễm khuẩn trên toàn thế giới, TS. Direk Lionmathurot-sakul cảnh báo “bệnh Whitmore đã có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người”, đồng thời dự báo, “mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh và khoảng 4.703 ca tử vong”.