Các nước có mức độ bình đẳng giới cao nhất lại “về cuối bảng” trong xếp hạng những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) nhiều nhất. Liệu có phải càng bình đẳng giới, càng ít phụ nữ tham gia STEM?
Theo thống kê năm 2018 của UNESCO, phụ nữ tiếp tục là nhóm thiểu số trong khoa học khi chỉ chiếm gần 29% tổng nhân lực nghiên cứu toàn cầu. Trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Microsoft, Google, Apple, Facebook,… chỉ khoảng 20% các vị trí việc làm hiện có là do nữ giới đảm nhiệm. Trong các công ty này, thậm chí việc trở thành nữ lãnh đạo còn có vẻ “dễ dàng” hơn nắm giữ một vị trí công việc liên quan đến công nghệ: 30% lãnh đạo ở Facebook là nữ giới, trong khi phụ nữ chỉ chiếm 22% nhân lực công nghệ tại đây. Ở Twitter, các con số tương ứng là 33% và 17%, Apple là 29% và 23%.
Trong khi đó, về nhận thức xã hội, từ lâu, STEM được coi là lĩnh vực của đàn ông, và phụ nữ bị đánh giá là không có đủ năng lực để theo đuổi khối ngành này. Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố văn hóa cùng mức độ bất bình đẳng giới trong xã hội là những rào cản chính đối với phụ nữ khi bước chân vào sự nghiệp STEM.
Động lực tham gia STEM
Tuy nhiên, điều bất ngờ là những con số thống kê về sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực STEM giữa các quốc gia trên thế giới có vẻ lại trái ngược với nhận định rất phổ biến ở trên. Số liệu thống kê của Viện Thống kê thuộc UNESCO cho thấy các quốc gia có mức độ bình đẳng giới cao lại có tỷ lệ phụ nữ tham gia STEM thấp. Năm 2018, tỷ lệ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu tại Trung Á và Nam Mỹ lần lượt là 48,1% và 45,4%. Ngay cả ở những nước Ả Rập – vốn được đánh giá là hà khắc bậc nhất đối với phụ nữ thì tỷ lệ này cũng đạt mức 39,8%. Trong khi đó, khối Bắc Mỹ và Tây Âu chỉ là 32,3%.
Hà Lan có xếp thứ 4 trong danh sách có mức độ bình đẳng giới cao nhất nhưng lại “về bét” trên bảng xếp hạng các quốc gia châu Âu có tỷ lệ nữ trong nhóm STEM – chỉ 25,1%. Các nước có thứ hạng cao khác như Thụy Điển, xếp thứ 1 về bình đẳng giới – 33,7%; Phần Lan, xếp thứ 8 – 32,3%. Dường như đang tồn tại một nghịch lý – càng bình đẳng giới, phụ nữ lại càng ít tham gia STEM.
Nhận định này bắt đầu bùng nổ sau một công bố của Gijsbert Stoet và David C.Geary có chủ đề: “Nghịch lý bình đẳng giới trong giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học”. Dựa vào cơ sở dữ liệu về thành tích của hơn 470.000 học sinh về khoa học, toán học và môn đọc tại 67 quốc gia, nghiên cứu này chỉ ra nữ giới biểu hiện tương đương hoặc thậm chí là xuất sắc hơn nam giới ở mỗi hai/ba quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên, nghịch lý là cách biệt về khả năng và việc theo đuổi ngành học STEM giữa nam và nữ lại gia tăng ở những nước có mức độ bình đẳng giới cao – tỷ trọng phụ nữ tham gia lĩnh vực công nghệ tại Jordan là 40% nhưng con số này ở Thụy Điển chỉ là 34% và tại Mỹ, thậm chí xuống mức 19%.
Theo lý giải của Stoet, tài chính là lý do quan trọng nhất khiến nữ giới ở các nước ít bình đẳng lựa chọn theo đuổi ngành STEM. Thay vì vậy, tại các nước có mức độ bình đẳng giới cao – thường là các quốc gia phát triển và có chế độ phúc lợi tốt, nữ giới không phải chịu áp lực về chất lượng cuộc sống và thường lựa chọn theo đam mê và sở trường – đôi khi không phải là khoa học. Các quốc gia bình đẳng giới cao đã trao quyền cho phụ nữ, bao gồm cả quyền lựa chọn nghề nghiệp mà họ thích nhất và giỏi nhất. Ngoài ra, khác biệt về giới tính ảnh hưởng đến khác biệt về thế mạnh môn học, phụ nữ - khi được tự do lựa chọn, sẽ ít hứng thú với những nghề mà họ không giỏi.
Đam mê bị định hướng
Không phải ai cũng đồng tình với lý giải của Stoet. Những ý kiến trái chiều cho là việc phụ nữ lựa chọn ngành học phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phân biệt đối xử mà họ sẽ phải đối mặt, chứ không phải là bản thân môn học. Việc phụ nữ phương Tây không hứng thú với STEM không phải hoàn toàn tự nhiên, mà đến từ những trải nghiệm mà họ có trong quá trình học phổ thông. Các thước đo về bình đẳng giới đã “đánh lừa” phán đoán của chúng ta, rằng những chênh lệch về giới tính đều là do khác biệt tự nhiên về khả năng và sự ưa thích của từng giới. Điều này dẫn đến nguy cơ chúng ta sẽ chấp nhận những khác biệt đó một cách vĩnh viễn.
Những lời phản đối càng được củng cố hơn bởi nghiên cứu Maria Charles với việc khảo sát học sinh lớp 8 tại 32 quốc gia. Và dù phát hiện tương tự - các quốc gia càng phát triển, càng ít học sinh nữ muốn theo đuổi STEM sau này, lý do kinh tế lại không phải là những yếu tố ảnh hưởng. Charles đề xuất giả thuyết rằng bản thân việc khuyến khích nữ giới “đi theo đam mê của họ” có thể dẫn tới lựa chọn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Đứa trẻ sẽ lựa chọn bằng cách quan sát những người xung quanh giống mình, nghĩ về những thế mạnh của bản thân và những mong đợi trong tư cách một cô gái. Và bởi thực tế xung quanh – nam giới làm khoa học và nữ giới làm nghệ thuật – quyết định của trẻ em đã bị ảnh hưởng. Lựa chọn nghề nghiệp được cho là tự do dưới mác “phản ánh khát vọng cá nhân”, tuy nhiên lại quên rằng khát vọng nghề nghiệp không phải là thuộc tính nội tại của mỗi cá nhân mà chịu ảnh hưởng từ xã hội. Thêm vào đó, văn hóa phương Tây thừa nhận và tôn vinh những khác biệt, bao gồm cả khác biệt về giới, cũng khiến cho những chênh lệch liên quan đến giới tính trong STEM dễ dàng được chấp nhận như một đặc điểm bẩm sinh, thay vì nghĩ rằng nó là kết quả của văn hóa.
***
Cuộc tranh luận này đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên có thể thấy rằng, rào cản khi phụ nữ theo đuổi khoa học, có thể không giống những rào cản đã hạn chế địa vị của họ trong xã hội, hay sự tham chính – những chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá mức độ bình đẳng giới tại một quốc gia. Bình đẳng giới thực sự không phải là việc cân đong đo đếm địa vị của phụ nữ và đàn ông mà là để phụ nữ - với tất cả các đặc điểm tự nhiên – cảm tính, dịu dàng, thiên chức làm mẹ, cảm thấy thoải mái và được chào đón, ghi nhận xứng đáng. Beth Burnell, người khám phá ra sao quay (pulsal) và được vinh danh với giải thưởng Breakthrogh đặc biệt năm 2018 đã nói: “Tôi không còn tin rằng việc làm cho phụ nữ can đảm hơn, quyết đoán hơn, ‘giống đàn ông hơn’, là con đường đúng đắn để tiến lên phía trước. Phụ nữ không cần làm mọi thứ để thích nghi. Đã đến lúc xã hội hướng tới phụ nữ, không phải phụ nữ hướng tới xã hội.”
Nguồn:
UNESCO. (2018). Fact Sheet No.51. UNESCO Institute for Statistics
Stoet, G., & Geary, D. (2018). The Gender-Equality Paradox in Science, Technology, Engineering, and Mathematics Education. Psychological Science , 581-593.
Khazan, O. (2018, 2 18). The More Gender Equality, the Fewer Women in STEM. Retrieved 2 25, 2019.
Mastroianni, A., & McCoy, D. (2018, 5 17). Countries with Less Gender Equity Have More Women in STEM--Huh? Retrieved 2 25, 2019, from Scientifc American.
Charles, M. (2017). Venus, Mars, and Math: Gender, Societal Affuence, and Eighth Graders’ Aspirations for STEM. Socius: Sociological Research for a Dynamic World, Vol 3 , 1-16.