Đó là kết quả từ một nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Séc, với điều kiện triển khai biện pháp tưới ướt - để khô xen kẽ.

Nông nghiệp là một lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam, phổ biến nhất là trồng lúa nước. Nhiều người cho rằng trồng lúa nước là tác nhân phát thải khí nhà kính chính của nước ta.

Nhằm hiểu rõ hơn về tình trạng trao đổi khí nhà kính trong canh tác lúa nước và điều tra những yếu tố ảnh hưởng tới chu trình carbon và sự cô lập carbon trong các hệ sinh thái này, các nhà nghiên cứu từ Viện Môi trường & Tài nguyên cùng các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu (CH Séc) và các Trung tâm, Viện, Phòng thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã hợp tác với nhau đo lường trao đổi khí nhà kính từ ruộng lúa.

Từ năm 2019, nhóm nghiên cứu đã lắp đặt trạm eddy convarience (EC) đầu tiên tại một cánh đồng lúa ở tỉnh Long An, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phương pháp eddy convarience được sử dụng rộng rãi để định lượng sự trao đổi của nhiệt lượng, CO2, hơi nước, và các khí vi lượng khác.

Trạm được trang bị thiết bị tối tân để đo trao đổi khí CO2, CH4 (hay methane) cùng với phép đo phụ trợ về khí tượng. Dữ liệu từ trạm được xử lý theo các khuyến nghị của ICOS (Hệ thống quan sát carbon tích hợp) với CO2.

Ruộng lúa ở tỉnh Long An. Nguồn:truyenhinhdulich

Còn với CH4, dữ liệu được xử lý riêng bằng mô hình rừng ngẫu nhiên từ methane-gap fill-ml, một gói học máy, vì ta chưa có phương pháp tiêu chuẩn nào để đo khí này.

Cuối cùng, lượng CO2 tương đương (CO2eq) được đo dựa trên thông lượng CO2 và CH4 đã được ước tính. CO2eq là đơn vị đo lường lượng khí nhà kính tương đương với CO2, được sử dụng để so sánh tác động của các khí nhà kính khác nhau đến sự nóng lên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu cũng triển khai một biện pháp quản lý nước mới gọi là tưới ướt - để khô xen kẽ, giúp tiết kiệm nước và giảm phát thải khí methane. Biện pháp này dẫn tới việc thải ít khí methane hơn, cụ thể là 0,8 kg CH4/ha vào năm 2020 và 0,67 kg CH4/ha vào năm 2021.

Kết quả, CO2eq từ ruộng lúa lại âm, cho thấy các cánh đồng lúa hoạt động như bể chứa CO2eq, với -5,54 kg CO2eq/ha vào năm 2020 và -7,03 kg CO2eq/ha vào năm 2021. Ở cấp tỉnh, các hoạt động canh tác lúa ở Long An, với tổng diện tích 498.293 ha, đã hấp thụ lượng CO2eq lần lượt là 2.760 và 3.503 tấn vào năm 2020 và 2021.

Kết quả này trái ngược với giả thuyết ban đầu cho rằng ruộng lúa là nguồn thải khí nhà kính. Nhưng nghiên cứu này không điều tra về N2O (Nitơ Oxit). Đây là một trong những loại khí nhà kính chính sinh ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nó mạnh gấp 12 lần khí CH4 và 296 lần khí CO2 và đang góp phần phá huỷ mạnh mẽ tầng ozone trong suốt 100 năm qua (IPCC, 2010).

Nguồn:

meetingorganizer.copernicus.org,vawr.org.vn