Một quan niệm phổ biến cho rằng mọi đối tượng đều được hưởng lợi như nhau từ hệ thống đường sá chất lượng, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy các hộ gia đình có phụ nữ làm chủ thường ít thu được lợi ích kinh tế hơn so với nam giới.

Nâng cấp đường là quan trọng nhưng có thể điều đó chưa đủ để cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người dân nông thôn. Ảnh: Blanscape/Shutterstock
Nâng cấp đường là quan trọng nhưng có thể điều đó chưa đủ để cải thiện sinh kế cho tất cả mọi người dân nông thôn. Ảnh: Blanscape/Shutterstock

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, giao thông tốt hơn mở ra nhiều cơ hội kinh tế hơn, hoạt động y tế và giáo dục cũng hiệu quả hơn. Thế nhưng, không có nhiều nghiên cứu trả lời câu hỏi, ai thực sự hưởng lợi khi hệ thống giao thông được cải thiện và kết nối tốt hơn.

Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Giao thông nông thôn 3, một dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ để cải tạo 3.100 km đường và bảo trì hơn 19.000 km đường giao thông nông thôn trải khắp 33 tỉnh trong giai đọan 2008-2015, là một trong những nghiên cứu đặt ra vấn đề "Ai sẽ được hưởng lợi từ hệ thống đường sá tốt hơn?" và tìm hiểu lý do tại sao một số nhóm vẫn bị bỏ lại phía sau.

Các nhà nghiên cứu đã kết hợp phân tích định lượng các số liệu điều tra quốc gia với 509 hộ gia đình trong vùng dự án, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm tập trung ở ba tỉnh để trả lời những câu hỏi nêu trên.

Kết quả cho thấy, "lợi ích kinh tế được phân chia rõ rệt theo giới tính". Đường sá cải thiện đã giúp thúc đẩy buôn bán nông sản cho tất cả mọi người, nhưng các gia đình có chủ hộ là nam giới có mức tăng cao hơn đáng kể, thậm chí gấp 2 lần so với những gia đình do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, sản lượng cây trồng cũng chỉ tăng ở các hộ do nam giới làm chủ.
Mức thay đổi về thương mại và sản xuất của các hộ nông dân sau khi cải thiện đường xá | Dữ liệu từ nghiên cứu [1]
Tại sao lại như vậy? Có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, các gia đình có chủ hộ là phụ nữ thường bị hạn chế về số lượng lao động vì hầu hết trụ cột của những gia đình này là phụ nữ góa chồng hoặc phụ nữ độc thân. Do lao động vẫn là đầu vào chính cho lao động sản xuất, nên hộ nào có ít người trong độ tuổi lao động hơn sẽ gặp khó khăn khi tăng sản lượng mùa màng.

Thứ hai, các gia đình có chủ hộ là phụ nữ cũng thường khó tiếp cận tài chính hơn khi muốn mở rộng sản xuất. Thông thường, để tăng sản lượng hoặc thu nhập, các hộ phải thuê thêm máy móc phục vụ sản xuất và chuyên chở hàng hóa, hoặc chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây có giá trị cao hơn như keo, quế hoặc cam. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn và phải mất vài tháng, thậm chí nhiều năm mới đem lại kết quả.

Những phát hiện nêu trên cho thấy, nâng cấp đường tạo ra cơ hội kinh tế trong nông nghiệp, nhưng có thể chưa đủ để cải thiện sinh kế cho tất cả người dân nông thôn.

Để đạt kết quả tốt hơn, theo nhóm nghiên cứu, cần triển khai các chương trình bổ trợ - chẳng hạn như tín dụng nông thôn cho phép mọi người tiết kiệm, vay vốn cũng như phát triển các kỹ năng kinh doanh cơ bản.

"Về nguyên tắc, việc kết hợp đầu tư vào giao thông và các chương trình bổ trợ sẽ tạo ra tác động lớn hơn hẳn so với khi chúng được triển khai riêng lẻ", các tác giả viết trên blog của Ngân hàng Thế giới. "Thách thức lớn nhất luôn nằm ở sự phối hợp. Các dự án đầu tư giao thông và tiếp cận tài chính hoặc các chương trình đào tạo kĩ năng kinh doanh thường do nhiều cơ quan quản lý, họ có thể không đủ chức năng hoặc thiếu động lực để phối hợp triển khai các chương trình này."


Tham khảo: