Căng thẳng toàn cầu, giới hạn trong hợp tác quốc tế và sự chú trọng vào các nghiên cứu ứng dụng đáp ứng nhu cầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đã thay đổi tầm nhìn của Trung Quốc về phát triển khoa học.

“Thế giới đang bước vào một giai đoạn thú vị với những thay đổi trong giới khoa học Trung Quốc”. Đó là nhận xét của Joy Zhang, một nhà xã hội học tại Đại học Kent ở Canterbury, Anh, về bức tranh đầu tư cho khoa học của Trung Quốc, trong đó vấn đề tự cường trong khoa học và công nghệ ở vị trí trung tâm trong kế hoạch 5 năm tới của nước này nhằm mục đích hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa giới nghiên cứu và ngành công nghiệp, cũng như cải thiện tiến trình đánh giá kết quả của những hợp tác như vậy. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng sự thay đổi này có thể làm sai lệch các ‘ưu đãi’ dành cho giới nghiên cứu và khiến nền khoa học Trung Quốc trở nên kém minh bạch hơn.

Một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm bán dẫn ở Bắc Kinh (ngày 26/5/2020). Ảnh: VCG/Getty Images

Hạn chế hợp tác quốc tế

Yang Wei, cựu lãnh đạo, hiện là cố vấn của Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc, cơ quan tài trợ nghiên cứu lớn của quốc gia, cho biết chính mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã chuyển trọng tâm của đất nước sang hướng tự cường.

“Xung đột Mỹ - Trung là hồi chuông cảnh tỉnh cho Trung Quốc”, Mu-Ming Poo, nhà thần kinh học kiêm giám đốc khoa học của Viện Khoa học Thần kinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (Thượng Hải), cho biết thêm.

Ví dụ, vào cuối năm ngoái, Hoa Kỳ đã hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các vi mạch tiên tiến dùng trong smartphone, vì e ngại rằng các chip này có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Poo lập luận rằng vụ việc này cho thấy những tiến bộ trong nước vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu công nghệ của nước này.

Mặc dù kế hoạch mới nhất cho thấy Trung Quốc mong muốn trở nên tự cường hơn để tránh những vấn đề kiểu như vậy, nhưng Yang nhận định, họ vẫn muốn duy trì mối quan hệ nghiên cứu chặt chẽ với nước ngoài.

Tuy nhiên, Huang Futao, một nhà nghiên cứu về giáo dục đại học tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, lo ngại rằng trong bối cảnh các nước phương Tây đang áp đặt những hạn chế nghiêm trọng lên việc hợp tác khoa học với nhà nghiên cứu Trung Quốc trong những lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm, các nhà nghiên cứu sẽ khó hợp tác với nhau hơn.

Poo cho rằng sự thúc đẩy của Trung Quốc đối với vấn đề tự cường và hợp tác doanh nghiệp đồng nghĩa với việc khoa học cơ bản sẽ ngày càng gắn kết với các lĩnh vực quan trọng trong xã hội, bao gồm khoa học não bộ, trí tuệ nhân tạo, thông tin lượng tử, bộ gene, y học lâm sàng và cả khám phá không gian và biển sâu. Huang cho biết, việc chuyển hướng sang liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp là một bước ngoặt đối với Trung Quốc. “So với nhiều nước phương Tây, lịch sử hợp tác giữa cộng đồng học thuật, doanh nghiệp và các nhà kinh doanh ở Trung Quốc chỉ mới diễn ra không lâu trước đây, bởi vì tất cả hoạt động kinh doanh ban đầu đều do chính quyền trung ương kiểm soát”, ông nói.

Các nhà nghiên cứu cho biết, kế hoạch 5 năm chú trọng vào hợp tác với doanh nghiệp, điều này phù hợp với những nỗ lực trong vài năm qua nhằm chuyển hướng từ ‘nghiên cứu cơ bản’ sang ‘khoa học với các ứng dụng trong thế giới thực’. Ví dụ, vào tháng 12/2019, Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc đã công bố các quy tắc cho phép những nhà nghiên cứu có thời gian nghỉ phép trên sáu năm được làm cho doanh nghiệp hoặc thành lập một startup riêng của mình, Zhang cho biết. Các nhà nghiên cứu biết nắm bắt lấy cơ hội này có thể được nhận lương cũng như hưởng các lợi ích khác, và thành tích của họ trong thời gian này vẫn được ghi nhận trong trường hợp cần đánh giá nghiên cứu hoặc đề bạt, thăng chức.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi, Trung Quốc cũng đang cố gắng ít chú trọng hơn vào số lượng những bài báo được công bố của các nhà nghiên cứu, thay vào đó họ tìm kiếm những cách đánh giá mới dựa trên tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu.

Điểm mù liêm chính khoa học

Nhưng những đổi mới này có thể tạo ra các điểm mù trong đạo đức và tính liêm chính của nghiên cứu, bà ấy nói thêm. Bằng cách khuyến khích việc hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân, các nhà khoa học có thể bước sang một ‘địa hạt’ mới nơi hệ thống giám sát của các tổ chức nghiên cứu không thể quản lý sát sao.

Gần đây, Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn các hành vi sai trái trong nghiên cứu, bao gồm cả các trường hợp đạo văn và giả mạo quy trình bình duyệt, dẫn đến việc thu hồi một số lượng lớn các bài báo. Tuy vậy, các vấn đề vẫn còn đó. Huang cho hay, sự thiếu minh bạch trong các nghiên cứu do doanh nghiệp thực hiện sẽ gây khó khăn trong việc giải quyết tính liêm chính của các nghiên cứu hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, Huang cho hay.

Áp lực trong việc đáp ứng các mục tiêu xã hội và hệ thống cạnh tranh để giành được khoản tiền tài trợ cũng có thể dẫn đến việc các nhà nghiên cứu gian lận theo những cách mới. Và với việc ít ấn phẩm khoa học xuất hiện hơn do sự chuyển dịch sang doanh nghiệp, thế giới sẽ ít biết đến công trình của các nhà khoa học Trung Quốc hơn. Sản phẩm khoa học của các nhà nghiên cứu trong nước sẽ không còn được biết đến rộng rãi như trước.

Những thay đổi trong cách đánh giá cũng có thể khiến những nhà nghiên cứu trẻ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh để giành lấy các khoản tài trợ. Cong Cao, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Nottingham ở Ninh Ba, Trung Quốc, cho biết chính phủ cần làm rõ đâu là những chỉ tiêu mới sẽ sử dụng vào việc đánh giá hiệu quả hoạt động, để các nhà nghiên cứu hiểu rõ về chúng. Huang cho biết thêm, các chỉ tiêu phải dễ đo lường.

Theo kế hoạch 5 năm, Trung Quốc dự định tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hơn 7% mỗi năm. Li cho biết, chi tiêu của chính phủ trung ương dành cho nghiên cứu cơ bản cũng sẽ tăng 10.6% vào năm 2021, cao hơn mức tăng trung bình hằng năm trong 5 năm qua. Và chính phủ cũng lên kế hoạch đề xuất nâng tỷ trọng tổng thể của nghiên cứu cơ bản trong chi tiêu cho R&D từ 6% lên hơn 8%. Mặc dù mức tăng đó rất đáng hoan nghênh, nhưng nó vẫn chỉ bằng một nửa tỷ lệ đầu tư cho R&D của nhiều quốc gia, ông Cong nói. Ví dụ, Hoa Kỳ hiện dành khoảng 17% kinh phí R&D cho nghiên cứu cơ bản.

Dự kiến ​​sẽ có thêm thông tin chi tiết về tài trợ khoa học của Trung Quốc vào cuối năm nay.

Nguồn: nature.com