Nghiên cứu tìm thấy các hạt nhựa nano trong não và tim của thai nhi, nhưng đến nay vẫn chưa rõ các hạt vi nhựa có tác động đến sức khỏe con người như thế nào.

Kết quả một nghiên cứu mới đây cho thấy các hạt vi nhựa trong phổi của chuột mang thai sẽ truyền nhanh vào tim, não và các cơ quan khác của thai nhi. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở động vật có vú sống cho thấy nhau thai bị nhiễm các hạt như vậy từ mẹ.

Hình minh họa. Nguồn:Alamy Stock Photo

Các thí nghiệm cũng cho thấy rằng những bào thai chuột tiếp xúc với các hạt vi nhựa có trọng lượng nhẹ hơn đáng kể bào thai bình thường vào cuối thai kỳ. Trước đây các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về nhau thai người (do các bà mẹ hiến tặng sau khi sinh) cũng cho thấy các hạt vi nhựa có thể vượt qua hàng rào nhau thai.

Ô nhiễm vi nhựa đã đến mọi nơi trên hành tinh, từ đỉnh Everest đến các đại dương sâu nhất, và con người thường xuyên tiêu thụ các hạt này qua thức ăn, nước uống và hít thở. Vẫn chưa rõ vi nhựa có tác động đến thế nào đến sức khỏe, nhưng các nhà khoa học cho biết cần phải nhanh chóng nghiên cứu thêm, đặc biệt là với thai nhi và trẻ sơ sinh đang phát triển, vì nhựa có thể mang các hóa chất có thể gây tác động sức khỏe lâu dài.

Giáo sư Phoebe Stapleton, tại Đại học Rutgers, người đứng đầu nghiên cứu mới trên chuột, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy các hạt nano nhựa ở khắp mọi nơi - trong các mô của chuột mẹ, trong nhau thai và trong các mô của thai nhi. Chúng tôi tìm thấy vi nhựa trong tim, não, phổi, gan và thận của thai nhi”.

Dunzhu Li, tại Trinity College Dublin (TCD) ở Ireland, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó chứng minh tiềm năng chuyển [các hạt vi nhựa] từ mẹ sang thai nhi trong thai kỳ của động vật có vú - có thể tình hình tương tự đang diễn ra với con người. Các hạt được tìm thấy hầu như ở khắp mọi nơi trong bào thai và cũng có thể đi qua hàng rào máu não - phát hiện này rất gây sốc”.

Giáo sư John Boland, cũng tại TCD, cho biết: “Tuy nhiên, điều quan trọng là không diễn giải quá mức những kết quả này. Các hạt nano được sử dụng trong thí nghiệm có dạng gần hình cầu, trong khi vi nhựa thực sự là các vật thể dạng vảy không đều. Hình dạng rất quan trọng, vì nó quyết định cách các hạt tương tác với môi trường của chúng”. Vào tháng 10, Li, Boland và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng những đứa trẻ bú sữa công thức trong bình nhựa đang nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

Nghiên cứu trên chuột đã được công bố trên tạp chí Particle and Fiber Toxicology. Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đặt các hạt nano nhựa vào khí quản của động vật. Stapleton cho biết số lượng các hạt được sử dụng trên chuột trong thí nghiệm ước tính tương đương với 60% số lượng mà một người mẹ sẽ tiếp xúc trong một ngày.

Các hạt nhựa có kích thước 20 nanomet được sử dụng được làm bằng polystyrene, một trong năm loại nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong môi trường, Stapleton cho biết. Chúng được đánh dấu bằng một chất hóa học huỳnh quang để có thể nhận dạng trong quá trình kiểm tra sau này trên chuột mẹ và thai nhi.

Chuột mẹ đã được cho tiếp xúc với các hạt nano nhựa vào ngày thứ 19 của thai kỳ, hai ngày trước thời điểm sinh thường và khi thai nhi tăng cân nhất. Hai mươi bốn giờ sau khi phơi nhiễm, trọng lượng của bào thai thấp hơn trung bình 7% so với nhóm đối chứng và trọng lượng nhau thai thấp hơn 8%.

Stapleton cho biết: “Lý thuyết của chúng tôi là một cái gì đó trong hệ thống mạch máu của chuột mẹ đã bị thay đổi, vì vậy lưu lượng máu giảm, từ đó dẫn đến giảm lượng chất dinh dưỡng và cung cấp oxy”.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2021/mar/18/plastic-particles-pass-from-mothers-into-foetuses-rat-study-shows