Điều tra hơn 10 nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, gần 2/3 doanh nghiệp khảo sát cho biết sẽ bị giảm doanh thu từ 34-36% so với năm 2019; tuy nhiên phần lớn các công ty đã có biện pháp chủ động ứng phỏ với đại dịch.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổng sản phẩm trong nước năm 2020 tăng 2,91%, mức thấp nhất trong một thập kỉ qua.

Tổng cục Thống kê cho biết năm 2020, cả nước có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, cao hơn 13,9% so với năm trước, tương đương với 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.

Để nhận diện tác động của đại dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng ứng phó của doanh nghiệp cũng như đánh giá của doanh nghiệp đối với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện một khảo sát chọn mẫu doanh nghiệp trên diện rộng.

Khảo sát thu được phản hồi từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc, trong đó gần 85% là doanh nghiệp tư nhân và 15% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Cuộc khảo sát được lồng ghép vào điều tra thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Dưới đây là một số nội dung chính từ báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do VCCI và WB công bố ngày 12/3 vừa qua.

Khoảng 2/3 doanh nghiệp bị giảm doanh thu

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh với nhiều hệ lụy như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Cả khu vực tư nhân và FDI đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.

Dưới tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự | Ảnh trích từ Báo cáo
Dưới tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự | Ảnh: VCCI


COVID-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Trên phạm vi toàn quốc, một doanh nghiệp tư nhân điển hình đã phải cho 3 người lao động nghỉ việc. Các ngành có doanh nghiệp tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất là thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da.

Đối với doanh nghiệp FDI, những xáo trộn đó lần lượt là tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%). Trung bình một doanh nghiệp FDI điển hình phải cho 4 lao động nghỉ việc. Các lĩnh vực cắt giảm nhân sự nhiều nhất của khu vực FDI là thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.

Các doanh nghiệp cho biết đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh thu của họ trong năm 2020. Gần 2/3 doanh nghiệp khảo sát cho biết sẽ bị giảm doanh thu so với năm 2019. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36%, và doanh nghiệp FDI là 34%

Trên 90% doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với đại dịch

Khảo sát cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó.

Doanh nghiệp chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó khác nhau | Ảnh: VCCI
Doanh nghiệp chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó khác nhau | Ảnh: VCCI

Các biện pháp ứng phó theo thứ tự doanh nghiệp thực hiện giảm dần, lần lượt ở khu vực tư nhân và FDI là: Cấp đồ bảo hộ phòng dịch cho người lao động (57%, 71%); Triển khai mô hình làm việc mới linh hoạt hơn (37%, 40%); Dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu (20%, 24%); Tìm kiếm các giải pháp thay thế chuỗi cung ứng (16%, 24%), Đào tạo kỹ năng số cho người lao động để làm việc trực tuyến (13%, 15%).

Nhìn chung, những doanh nghiệp quy mô lớn có nhiều điều kiện để áp dụng đồng thời nhiều giải pháp ứng phó. Doanh nghiệp ở khu vực FDI cũng tỏ ra chủ động hơn trong việc ứng phó.

75% doanh nghiệp đánh giá các chính sách hữu ích ở các mức độ khác nhau

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19, bao gồm các gói hỗ trợ về tín dụng (trị giá 250.000 tỷ đồng), hỗ trợ an sinh xã hội (62.000 tỷ đồng), hỗ trợ thuế phí (180.000 tỷ đồng), hỗ trợ trả lương cho lao động (16.000 tỷ đồng), và các hỗ trợ khác dưới nhiều hình thức.

Khảo sát cho thấy, đối với doanh nghiệp, các chính sách gia hạn về thuế là dễ tiếp cận nhất, trong khi chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động được xếp vào dạng khó tiếp cận nhất. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa hoặc lớn có xu hướng đánh giá việc tiếp cận các chính sách thuận lợi hơn.

Doanh nghiệp đánh giá tính hữu ích của các chính sách hỗ trợ | Nguồn: VCCI
Doanh nghiệp đánh giá tính hữu ích của các chính sách hỗ trợ | Nguồn: VCCI

Đa số 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích, nhưng các chính sách vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện tính hiệu quả. Có 3 chính sách được đánh giá cao nhất về mức độ hữu ích, bao gồm: gia hạn đóng thuế GTGT, gia hạn đóng thuế TNDN và gia hạn nộp tiền thuê đất. Dù các doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng họ vẫn cho rằng đây là chính sách cần thiết.

Dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch và một số lượng đáng kể doanh nghiệp còn khó tiếp cận chính sách, nhưng mức độ ủng hộ của doanh nghiệp với những biện pháp chống dịch của Chính phủ vẫn rất cao, dù ở kịch bản xác suất bùng dịch mới là 25% hay 75%. Nhìn chung, các doanh nghiệp cho biết vẫn tiếp tục đồng tình nếu phải thực thi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đã diễn ra vào tháng 3-4/2020.

Khi được hỏi về những giải pháp hỗ trợ mà các cơ quan nhà nước cần thực hiện, nhiều doanh nghiệp cho rằng bên cạnh việc tiếp tục duy trì những biện pháp trực tiếp đã đề ra như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh thêm ít nhất 1 năm nữa, thì nhà nước cũng cần chú trọng đến các giải pháp có tính lâu dài hơn, chẳng hạn tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Cộng đồng doanh nghiệp có sự ủng hộ cao với các biện pháp chống dịch của chính phủ | Ảnh: VCCI
Cộng đồng doanh nghiệp có sự ủng hộ cao với các biện pháp chống dịch của chính phủ | Ảnh: VCCI

Doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, làm sao để thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng. Quan trọng hơn, khá nhiều doanh nghiệp mong mỏi việc cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo nhóm tác giả của VCCI, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây.

Bên cạnh ý kiến của doanh nghiệp, họ cũng đưa ra thêm những kiến nghị liên quan đến việc cải thiện năng lực thực thi chính sách của khu vực công, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp tư nhân và phát triển các công nghiệp hỗ trợ đẻ phát triển thị trường nội địa.