Nhiều người cho rằng thiên tài trước hết phải thông minh vượt trội; nhưng nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, trong số trẻ em có IQ “khủng”, rất ít người thành đạt khi trưởng thành. Trong khi đó, có những thiên tài vốn không hề được đánh giá cao về trí thông minh khi còn bé.

IQ cao chưa đủ làm nên thiên tài

Thông minh thường được coi là tiêu chuẩn mặc định của thiên tài. Năm 1920, Lewis Terman - nhà tâm lý học thuộc Đại học Stanford, Mỹ, người tiên phong trong việc kiểm tra IQ - đã tiến hành một nghiên cứu trên hơn 1.500 trẻ em tiểu học ở California có IQ trên 140 - một ngưỡng mà ông gọi là “gần là thiên tài hoặc thiên tài”.

Kết quả 40 năm theo dõi cho thấy số người thành đạt trong số đó rất ít, những đối tượng xứng đáng được gọi là thiên tài lại càng ít hơn. Thậm chí có hàng chục người bỏ học sớm, gặp khó khăn trong học tập và phát triển. Cuối cùng, Terman và các đồng sự kết luận rằng IQ cao - thậm chí cả trí tuệ độc nhất vô nhị - không phải là sự đảm bảo cho khả năng đạt thành tựu vĩ đại.

Ngược lại, rất nhiều thiên tài thuở nhỏ từng bị đánh giá không có gì đặc biệt. Charles Darwin vốn bị cho là “cậu bé bình thường, trí tuệ dưới trung bình” nhưng sau đó lại là người giải mã được bí ẩn về sự đa dạng tuyệt vời của sự sống. Những đột phá khoa học như Thuyết tiến hóa của Darwin không thể ra đời nếu thiếu sự sáng tạo - một khía cạnh của thiên tài mà Terman không thể lường được. Nhưng sự sáng tạo và các quá trình của nó có thể được giải thích ở mức độ nhất định, bởi chính những người sáng tạo.

Từ một cậu bé bị đánh giá thấp về trí tuệ, Darwin đã trở thành thiên tài. Ảnh: Darwinproject

Scott Barry Kaufman - Giám đốc khoa học của Viện Tưởng tượng ở Philadelphia, Mỹ - đã thu hút được những cá nhân nổi bật là người tiên phong trong lĩnh vực của họ, như nhà tâm lý học Steven Pinker và diễn viên hài Anne Libera - để tìm hiểu xem các ý tưởng và tài năng của họ tỏa sáng như thế nào. Mục đích của Kaufman không phải là tìm ra phẩm chất của thiên tài mà là nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong con người.

Cuối cùng, các nhà khoa học phát hiện, “khoảnh khắc Eureka” phát sinh vào những thời điểm bất ngờ - trong giấc mơ, trong khi tắm, trên đường đi bộ - và thường xuất hiện sau một thời gian suy ngẫm. Thông tin đến một cách có ý thức, nhưng vấn đề được xử lý một cách vô thức, giải pháp kết quả nảy ra khi tâm trí ít mong muốn nó nhất. “Những ý tưởng tuyệt vời không có xu hướng đến vào lúc bạn tập trung vào chúng” - Kaufman nói.


Những yếu tố nào làm nên thiên tài?

Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm kiếm các gene góp phần tạo nên trí thông minh, hành vi và thậm chí cả phẩm chất độc đáo của các thiên tài. Về trí thông minh, các nhà khoa học phát hiện nó vô cùng phức tạp, do hàng ngàn gene kết hợp, mỗi loại đóng góp một phần nhỏ.

Chỉ riêng yếu tố di truyền không thể tạo ra thành công. Nó chỉ giúp nuôi dưỡng để một thiên tài phát triển. Các ảnh hưởng xã hội và văn hóa cung cấp dinh dưỡng, tạo ra những khoảnh khắc thiên tài và đặt trong những địa điểm lịch sử như Baghdad trong thời kỳ vàng của Hồi giáo, Kolkata trong thời kỳ Phục hưng Bengal hay thung lũng Silicon ngày nay.

Tuy nhiên, những món quà thiên nhiên và môi trường nuôi dưỡng vẫn khó có thể tạo ra thiên tài nếu thiếu động cơ và sức mạnh bền bỉ. Đây chính là phẩm chất giúp Darwin sau 2 thập kỷ hoàn thiện được lý thuyết nguồn gốc các loài.

Nhà tâm lý học Angela Duckworth tin rằng sự kết hợp giữa đam mê và kiên trì sẽ thúc đẩy mọi người đến thành công. Theo bà, khái niệm thiên tài xưa nay vốn quá dễ được che giấu dưới các lớp “phép thuật” như thể là thành tựu lớn bùng nổ một cách tự phát mà không cần phải chăm chỉ. Bà cho rằng khi nói đến tài năng cá nhân - bất kể con người thông minh cỡ nào - thì sự khác biệt là ở nghị lực, sự kiên trì và kỷ luật. Đây là những yếu tố rất quan trọng của thành công.

Những công trình của thiên tài cũng không đến trong lần nỗ lực đầu tiên. Dean Keith Simonton - giáo sư danh dự về tâm lý học tại UC Davis - cho biết: “Hầu hết các bài viết được xuất bản trong ngành khoa học đều không bao giờ được ai trích dẫn. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đều không được ghi lại. Nhà khoa học danh tiếng Thomas Edison phát minh ra máy ghi âm và loại bóng đèn có khả năng thương mại đầu tiên, nhưng đó cũng chỉ là hai trong số 1.000 sáng chế được công nhận của ông. Những thành tựu lớn đến sau rất nhiều nỗ lực”.

Trong lịch sử, vô số thiên tài đã không bao giờ có cơ hội tỏa sáng, nhất là phụ nữ - vốn không được hưởng sự giáo dục chính quy hoặc bị cản trở về chuyên môn. Maria Anna - chị gái của nhạc sỹ thiên tài Mozart - cũng biểu hiện tài năng thiên bẩm từ bé nhưng đến năm 18 - tuổi chuẩn bị lấy chồng, bà đã bị gia đình hạn chế việc theo đuổi đam mê âm nhạc. Trong nghiên cứu của Terman, 50% số phụ nữ cuối cùng trở thành người nội trợ. Đó là chưa kể rất nhiều thiên tài có thể đã chết chỉ vì đói nghèo, áp bức.