Thời gian qua, chúng ta thường xuyên được nghe những lời cảnh báo của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) về mặt trái của chính công nghệ mà họ đang nỗ lực giới thiệu cho thế giới. Hàng triệu công ăn việc làm, bao gồm cả những vị trí thu nhập cao, có nguy cơ sẽ bị AI thay thế.

Sam Altman, người được xem là cha đẻ của ChatGPT vừa đưa ra những cảnh báo Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các ngành nghề, lĩnh vực, “nghiêm trọng” về mặt trái của AI. Ảnh: Getty Images.
Sam Altman, người được xem là cha đẻ của ChatGPT vừa đưa ra những cảnh báo về mặt trái của AI. Ảnh: Getty Images.

Nhưng tầm nhìn u ám này liệu có thật sự chính xác?

Trong thập niên 1980 hay thậm chí cả trước đó nữa, tiến bộ công nghệ đã liên tục bị xem là một mối đe dọa lớn đối với lao động trong các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất ô-tô. Tuy nhiên, cho đến thời điểm trước Brexit (2020), Vương quốc Anh đã đạt sản lượng xe còn lớn hơn cả trong thời hoàng kim của ngành công nghiệp ô-tô (thập niên 1960) nhờ vào vai trò của những công nghệ tinh vi mới giúp thúc đẩy năng suất của các nhà sản xuất hàng đầu. Tại thành phố cảng Sunderland ở miền Bắc nước Anh, hãng Nissan (Nhật Bản) hiện đang vận hành một nhà máy có năng suất thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tương tự như vậy, mặc dù công nhân trong ngành ô-tô Đức hiện đang nhận mức thu nhập danh nghĩa cao hơn (tức chi phí lao động tăng), nhưng những hãng xe của họ đã xoay xở rất tốt trong nhiều thập kỷ để tiếp tục phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng trưởng của giai cấp trung lưu toàn cầu về các phương tiện di chuyển hiệu suất cao. Đúng là ngành công nghiệp ô-tô Đức đang đối mặt với những thách thức lớn nhất từ trước đến nay do xu hướng chuyển dịch sang xe điện, sức mua của thị trường Trung Quốc sụt giảm,… dẫn tới dự báo tăng trưởng ảm đạm trong ngắn hạn, nhưng kinh nghiệm quá khứ cho thấy họ hoàn toàn có thể thích nghi và trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ trong tương lai.

Phần lớn những dự báo bi quan về AI đều bỏ qua hiện tượng già hóa dân số – đang diễn ra với tốc độ rất nhanh – ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và nhiều quốc gia mới nổi lẫn đang phát triển. Sự sụt giảm của lực lượng lao động trong bối cảnh con người ngày càng sống thọ sẽ gây áp lực không nhỏ lên nhóm [người] đang ở độ tuổi lao động – để đảm bảo nguồn tài chính cho những dịch vụ hưu trí, chăm sóc sức khỏe và nhiều cam kết phúc lợi (thường không thể thoái thác) khác. Trừ khi năng suất tổng thể tiếp tục tăng trưởng, bằng không các nền kinh tế sẽ rơi vào cảnh khó khăn. Nhật Bản và Ý là hai ví dụ nổi bật cho xu hướng này trong vài thập kỷ gần đây. Ngoài ra, cả Hàn Quốc, Trung Quốc và hầu hết châu Âu lục địa đều đang đối diện với nguy cơ tương tự. Trong khi chính sách khuyến khích nhập cư có thể là một giải pháp không hoàn hảo thì nó lại gây ra không ít tranh cãi vì lý do chính trị. Việc áp dụng tiến bộ AI để thúc đẩy năng suất có lẽ chính là những gì cần thiết.

Vấn đề càng trở nên rõ ràng nếu nhìn vào thực trạng tại Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh Quốc (NHS) vốn đang tiêu tốn rất nhiều ngân sách. Trong lúc NHS đang tuyển dụng nhiều nhân viên hơn bao giờ hết thì năng suất cũng như chất lượng phục vụ người dân lại ngày càng sụt giảm. Một báo cáo do Times Health Commission thực hiện đã chỉ ra: NHS cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết những nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn, NHS có thể triển khai công nghệ chẩn đoán nhanh tích hợp AI trên toàn hệ thống, bao gồm cả các phòng khám và nhà thuốc, để giúp phát hiện và điều trị sớm nhiều loại bệnh.

Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các ngành nghề, lĩnh vực trong đó có y tế. Ảnh: BBC.
Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các ngành nghề, lĩnh vực trong đó có y tế. Ảnh: BBC.

Chúng ta cũng có các bằng chứng thuyết phục khác về lợi ích của AI đối với ngành y tế toàn cầu. Theo tin trên BBC ngày 25/5/2023, một nhóm nghiên cứu tại Mỹ và Canada đã khai thác sức mạnh của AI để tìm ra một loại kháng sinh mới cho hiệu quả cao trong việc chống lại siêu vi khuẩn Acinetobacter baumannii (được WHO xếp vào nhóm nguy hiểm do có khả năng kháng thuốc mạnh). Đây thực sự là một thành tựu rất đáng cổ vũ. Mặc dù thuốc vẫn cần trải qua nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng theo một quy trình dài và đắt đỏ, nhưng nếu mọi thứ diễn ra thuân lợi thì đây sẽ là lần đầu tiên nhân loại tìm ra một loại kháng sinh chống siêu vi khuẩn thực sự hiệu quả. Chúng ta hãy cùng tưởng tượng xem liệu AI còn có thể làm gì cho ngành y tế, từ giúp phát hiện, phát triển vaccine cho nhiều loại bệnh mà thế giới chưa hoàn toàn thanh toán được, cho đến việc tối ưu hóa các quy trình thử nghiệm lâm sàng một cách toàn diện.

Tất nhiên, những chuyên gia công nghệ đã đúng khi cho rằng chúng ta sẽ cần thêm nhiều hệ thống và các quy định kiểm soát tiêu chuẩn cao được thiết kế giành riêng cho AI để ngăn chặn những hỗn loạn về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Đó là điều dễ hiểu trong bối cảnh nạn tin giả hoành hành và truyền thông mạng xã hội đã gây ra không ít tác động tiêu cực. Tuy nhiên, không có lý do nào mà nhân loại lại bỏ qua những lợi ích tiềm năng rõ ràng và to lớn của AI.

-----------

(*) Tóm lược từ bài viết The Poverty of AI Pessimism của Jim O’Neill – cựu chủ tịch Công ty Quản lý tài sản thuộc Tập đoàn tài chính Goldman Sachs, cựu bộ trưởng ngân khố Anh, thành viên Ủy ban Liên châu Âu về Y tế và Phát triển bền vững – trên trang Project Syndicate.