Phía sau khung kính của Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Nhật Bản) có một chiếc xe đạp ba bánh đã cũ hỏng và rỉ sét. Nó, giống như nhiều hiện vật khác đang được lưu giữ và trưng bày tại đây, đều mang một câu chuyện đau lòng và là lời cảnh tỉnh về sự thảm khốc của chiến tranh.

Chiếc xe đạp ba bánh rỉ sét được trưng bày trong Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.
Chiếc xe đạp ba bánh rỉ sét được trưng bày trong Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima.

Chiếc xe đạp vốn là vật sở hữu của một cậu bé 3 tuổi tên Shinichi Tetsutani, sống vào giai đoạn khốc liệt nhất của Thế chiến II (1939 – 1945). Trên Shin có hai người chị gái Michiko, Yoko, và cậu chơi rất thân với cô bạn hàng xóm Kimi. Hằng ngày, Shin thường cùng Kimi ngồi ngắm nhìn những hình vẽ và tranh ảnh trong sách, đặc biệt là một chiếc xe đạp ba bánh mà cậu vẫn luôn ao ước và từng nhiều lần năn nỉ cha mua cho một chiếc. Cha Shin mặc dù rất thương con nhưng đã tìm kiếm khắp Hiroshima mà không thấy ở đâu có chiếc xe như vậy. Nước Nhật khi ấy đang dồn hết mọi nguồn lực cho nỗ lực chiến tranh chống lại phe Đồng Minh, và cuộc xung đột kéo dài đã khiến đất nước lâm vào cảnh kiệt quệ. Trước tình trạng thiếu nguyên liệu (kim loại) để chế tạo xe tăng, đạn dược,... quân đội đã tháo dỡ các bức tượng và hàng rào công cộng, thậm chí còn trưng thu nhiều vật dụng như xoong nồi, chảo, xe đạp,... của người dân để nấu chảy.

Một ngày nọ, khoảng vài tuần trước sinh nhật lần thứ tư của Shin, người chút ruột về chơi và mang cho cháu trai một món quà đầy bất ngờ, khiến cậu không thể không nhảy cẫng lên vì sung sướng. Chú của Shin vốn đang phục vụ cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản1, đã tình cờ phát hiện ra chiếc xe đạp ba bánh do ai bỏ lại phía sau hốc tủ quần áo trong đơn vị. Biết Shin rất thích món đồ này và anh trai thì khổ tâm vì chưa thể mua được nó, ông đã cẩn thận gói chiếc xe lại để chờ về tặng cho cháu.

Một bức hình chụp Shinichi Tetsutani và chị gái khi còn sống.
Một bức hình chụp Shinichi Tetsutani và chị gái khi còn sống.

Có được chiếc xe ngày đêm ao ước, Shin thường rủ Kimi đạp nó quanh sân nhà và cười tít mắt, khiến ai nấy đi qua cũng phải ngó nhìn và trầm trồ khen ngợi sự đáng yêu của lũ trẻ. Nhưng vào buổi sáng ngày 6/8/1945 định mệnh2 hôm ấy, khi Shin và Kimi vẫn đang chơi đùa như thường lệ, một ánh chớp chói lòa bỗng xuất hiện kèm theo vụ nổ khủng khiếp xé toạc bầu trời. Ngôi nhà của gia đình Tetsutani hoàn toàn đổ sập, những thanh gỗ cháy đè lên lũ trẻ và giết chết hai cô chị của Shin. Trong khi Kimi mất tích thì Shin được cha mẹ tìm thấy trong đống đổ nát, mặt cậu chảy máu và sưng phù nhưng tay vẫn đang nắm chặt phần tay cầm màu đỏ của chiếc xe. Cha mẹ Shin đưa cậu tụ tập cùng những người sống sót khác tại bờ sông. Shin nói mình khát và muốn uống nước bằng giọng thều thào, nhưng cha cậu chợt nhận ra điều bất thường bởi nhiều người xung quanh đã chết sau khi uống nước sông (bị nhiễm độc phóng xạ), vì vậy ông không dám cho con uống bất cứ thứ gì. Đêm đó, Shin không thể qua khỏi khi chỉ còn 10 ngày nữa là cậu tròn 4 tuổi. Hôm sau, cha Shin chôn cậu cùng cô bạn Kimi (đã tìm được xác) và chiếc xe đạp ba bánh yêu thích ở sân sau nhà.

Sách “Chiếc xe đạp ba bánh của Shin” của tác giả Tatsuharu Kodama đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Sách “Chiếc xe đạp ba bánh của Shin” của tác giả Tatsuharu Kodama đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Bốn mươi năm sau, người cha khi ấy đã ở tuổi 70 lại quyết định chuyển hài cốt của con trai về nghĩa trang gia tộc. Trong lúc khai quật mộ những đứa trẻ, ông ngạc nhiên khi tìm thấy chiếc xe đạp ba bánh đã hoàn toàn bị lãng quên. Nhẹ nhàng nâng niu món đồ mà Shin từng rất yêu thích, người cha nghĩ: “Điều này không nên xảy ra một lần nữa với trẻ em. Nếu nhiều người cùng được nhìn thấy chiếc xe, có thể họ sẽ nhận ra thế giới nên là một nơi hòa bình để mọi đứa trẻ có thể vui chơi và cười đùa”. Ngay ngày hôm sau, ông đã đem tặng nó cho Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi chiếc xe sẽ trở thành một biểu tượng về sức sống bất diệt của đất nước Nhật Bản, đồng thời là lời nhắc nhở các thế hệ sau về thảm họa bom nguyên tử kinh hoàng.

Câu chuyện trên đã được viết lại thành một cuốn sách cho thiếu nhi mang tên “Chiếc xe đạp ba bánh của Shin” của tác giả Tatsuharu Kodama, xuất bản năm 1992. Trong quá trình thực hiện cuốn sách, có lẽ Kodama đã tô điểm thêm một vài yếu tố để làm tăng tính lãng mạn và kịch tính của câu chuyện, nhưng hầu hết nội dung và nhất là tính nhân văn của nó, theo xác nhận của bảo tàng đều là sự thật.
..
Chú thích
1. Hải quân Đế quốc Nhật Bản, được thành lập từ năm 1869 dưới thời Minh Trị, đến năm 1947 thì bị giải thể theo Điều 9 Hiến pháp thời hậu chiến. Năm 1920, đây là lực lượng hải quân lớn thứ ba thế giới – sau Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Hoàng gia Anh. Trước thềm và trong phần lớn thời gian diễn ra Thế chiến II, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã vươn lên trở thành lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới khi đưa vào biên chế tới 10 tàu sân bay cùng những siêu chiến hạm khổng lồ như Yamato, cũng như đi đầu trong việc sử dụng không lực hải quân,... Chỉ sau trận Midway (4 – 7/6/1942), cục diện trên chiến trường Thái Bình Dương mới dần thay đổi theo hướng có lợi cho Hoa Kỳ và phe Đồng Minh.
2. Những ngày cuối cùng của Thế chiến II, khi kết cục trên chiến trường Thái Bình Dương gần như đã ngã ngũ với thất bại không thể tránh khỏi của phe Phát xít. Nhận lệnh của Tổng thống Harry S. Truman (1884 – 1972), sáng ngày 6/8/1945, Không lực Hoa Kỳ (USAF) đã thả quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên “Little Boy” (tạm dịch: Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima. Sau đó ba ngày (9/8/1945), quả bom thứ hai mang tên “Fat Man” (tạm dịch: Ông béo) cũng phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki. Hơn 230 nghìn người đã chết và 150 nghìn bị thương trong hai vụ tấn công bằng bom nguyên tử đầu tiên (và cũng là duy nhất) trên thế giới này. Quân đội Đế quốc Nhật Bản sau đó phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thế chiến II kết thúc.