Những bữa ăn tốt cho sức khỏe theo tháp dinh dưỡng có thể chiếm đến 70% thu nhập hằng tháng của phần lớn các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất tại Việt Nam.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng bữa ăn của người dân đề ra tại Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã ban hành tháp dinh dưỡng khuyến cáo mức tiêu thụ trung bình cho một người/ngày đối với tám nhóm thực phẩm: ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm, rau, quả, sữa, dầu mỡ, đường và muối.

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm tác giả từ Đại học Wageningen (Hà Lan) và Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Việt Nam) cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, gần 70% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất (hay nhóm nghèo nhất) tại Việt Nam không thể chi trả các bữa ăn tốt cho sức khỏe theo tháp dinh dưỡng, khi những bữa ăn này có thể chiếm đến 70% thu nhập hằng tháng của họ.

Phương pháp thống kê hiện nay đưa ra khái niệm "năm nhóm thu nhập". Theo đó, tổng số nhân khẩu điều tra được sắp xếp theo mức thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao, sau đó chia thành năm nhóm với số nhân khẩu bằng nhau (mỗi nhóm 20% số nhân khẩu), bao gồm Nhóm 1: nhóm có thu nhập thấp nhất (nhóm nghèo nhất); Nhóm 2: nhóm có thu nhập dưới trung bình; Nhóm 3: nhóm có thu nhập trung bình; Nhóm 4: nhóm có thu nhập khá; và Nhóm 5: nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm giàu nhất). Với dân số khoảng 92,7 triệu người vào năm 2016 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê), Việt Nam có 18,54 triệu người thuộc nhóm nghèo nhất.

Tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành. Nguồn: Viện Dinh dưỡng quốc gia
Tháp dinh dưỡng dành cho người trưởng thành. Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Nhóm nghiên cứu tính toán chi phí trung bình của một bữa ăn tốt cho sức khỏe dựa trên việc lựa chọn 88 loại thực phẩm có giá thấp nhất (dựa trên chỉ số giá tiêu dùng - CPI) từ sáu nhóm thực phẩm (không bao gồm đường và muối) và định mức tiêu thụ được khuyến nghị tại tháp dinh dưỡng. Sự khác biệt về chi phí giữa sáu vùng kinh tế - xã hội cũng được so sánh trong nghiên cứu.

Sau khi điều chỉnh yếu tố lạm phát, nhóm nghiên cứu tính toán rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, để có những bữa ăn tốt cho sức khỏe, một người lớn phải chi trung bình khoảng 74.100 đồng (tương đương 3,08 đô-la quốc tế [1] theo tỉ giá hối đoái sức mua tương đương năm 2017) để mua thực phẩm mỗi ngày.

Nhìn chung, chi phí này thấp hơn mức chi tiêu cho thực phẩm bình quân đầu người ở tất cả các nhóm thu nhập, trừ nhóm thu nhập thấp nhất ở Việt Nam. 68,4% hộ gia đình thu nhập thấp nhất và 28,6% hộ gia đình thu nhập dưới trung bình không thể chi trả bữa ăn có chi phí thấp nhất mà vẫn đảm bảo khẩu phần theo tháp dinh dưỡng, trong khi đa số các hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao nhất, thu nhập khá, và thu nhập trung bình đều có thể chi trả. Có sự chênh lệch tương đối lớn giữa điều kiện của các vùng kinh tế - xã hội, khi có tới hơn 1/3 số hộ gia đình ở Trung du và miền núi phía bắc gặp khó khăn trong việc duy trì một chế độ ăn tốt cho sức khỏe, trong khi con số này ở khu vực Đông Nam Bộ chỉ là 5,6%.

Nhóm tác giả nhận thấy, bên cạnh giá cả phải chăng của các loại thực phẩm, một yếu tố khác tác động đến chất lượng bữa ăn của người dân là thu nhập. Cụ thể, mặc dù giá thực phẩm năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2016, tỉ lệ người có thu nhập thấp không thể chi trả cho bữa ăn tốt cho sức khỏe lại giảm đáng kể, từ 87,8% xuống 49,2%, do thu nhập của nhóm này tăng cao trong giai đoạn trên.

Dư ngũ cốc và đạm; thiếu rau, quả và sữa

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng ở cả sáu vùng, chi tiêu cho ngũ cốc và thực phẩm giàu đạm cao hơn mức cần thiết để đáp ứng khuyến nghị tại tháp dinh dưỡng; trong khi chi tiêu cho các nhóm thực phẩm khác, bao gồm rau, hoa quả, dầu mỡ và sữa, lại thấp hơn mức cần thiết.

Đáng chú ý, chi tiêu trung bình cho sữa chỉ dưới 2.400 đồng (0,1 đô-la)/ngày, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng khuyến nghị là khoảng 24.000 đồng (1 đô-la) một ngày.

Kết quả này cho thấy người Việt Nam đang có xu hướng tiêu thụ quá nhiều ngũ cốc và thực phẩm giàu đạm, trong khi lại thiếu hoa quả, rau và đặc biệt là sữa.



Chú thích:

[1] Đô-la quốc tế là một đơn vị tiền tệ giả định, có sức mua ngang bằng sức mua của đô la Mỹ tại một thời điểm nhất định.