Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ước tính, tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon, trị giá hơn 64 triệu USD.
Cỏ biển (seagrasses) là nhóm thực vật bậc cao có hoa duy nhất, sống trong môi trường biển và nước lợ và có thể dễ dàng tìm thấy ở dọc bờ biển của mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Cỏ biển không chỉ là môi trường sống của nhiều loài thủy sinh ven bờ mà còn có vai trò tích cực trong điều hòa môi trường nhờ khả năng hấp thụ CO2.
Khi nói đến hấp thụ CO2, nhiều người nghĩ ngay đến những cánh rừng và hệ thống cây xanh trên cạn. Tuy nhiên, theo ước tính thực tế của các nhà khoa học, cỏ biển trên toàn cầu có khả năng hấp thụ và lưu trữ 19,9 tỷ tấn carbon hữu cơ (hay Corg, do các sinh vật sống sản xuất ra), cao hơn hai - ba lần so với rừng thường xanh trên cùng đơn vị diện tích, tốc độ hấp thụ carbon cũng cao hơn 35 lần so với rừng mưa nhiệt đới. Dù mức độ che phủ chỉ khoảng 0,2% diện tích đáy biển nhưng cỏ biển đóng góp hấp thụ tới 10-18% lượng carbon hữu cơ trong hệ sinh thái biển mỗi năm.
Khác với nhiều nước phát triển, những nghiên cứu về thực trạng cỏ biển hấp thụ CO2 tại Việt Nam vẫn còn hiếm hoi.
Nghiên cứu do TS Cao Văn Lương và cộng sự tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện mới đây là một trong số đó.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành hai chuyến khảo sát và ghi lại kết quả trên bốn khu vực biển tiêu biểu, gồm Hà Dong (tỉnh Quảng Ninh), Cửa Gianh (tỉnh Quảng Bình), Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Trên bốn khu vực này, nhóm thống kê được 10 loại cỏ biển phân bố trải dài trên tổng cộng hơn 8.600 ha.
Nhóm đã xây dựng bốn bản đồ phân bố chi tiết tương ứng với bốn vùng khảo sát Theo tính toán của nhóm, tổng trữ lượng carbon hữu cơ trong các thảm cỏ biển (sinh khối và trầm tích) tại bốn khu vực nghiên cứu đạt hơn 346 nghìn tấn Corg (trung bình 40,12 tấn Corg/ha). Ước tính tổng trữ lượng carbon hữu cơ của các thảm cỏ biển Việt Nam đạt hơn 878 nghìn tấn, tương ứng khoảng 3,2 triệu tấn CO2 hoặc 3,2 triệu tín chỉ carbon (mỗi tín chỉ carbon đại diện cho một tấn khí CO2 hoặc một khí nhà kính khác). Giá trị của mỗi tín chỉ carbon được đánh giá dựa trên các yếu tố thị trường tại một thời điểm cụ thể. Thông qua nghiên cứu, TS. Cao Văn Lương và các cộng sự ước tính giá trị tín chỉ carbon của thảm cỏ biển Việt Nam vào khoảng 64 triệu USD, nếu đem trao đổi trên thị trường.
TS. Cao Văn Lương cho biết, nghiên cứu này là đánh giá tức thời trong hai năm 2022 và 2023. Để có những kết quả chính xác hơn, cần tiếp cận và theo dõi trong dài hạn; đồng thời bổ sung nghiên cứu thông tin về thảm cỏ biển tại các khu vực biển, đảo ngoài khơi khác, chẳng hạn như một số quần đảo tại vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, với quy mô và kết quả đã đạt được, nghiên cứu của nhóm có thể trở thành một nền tảng tốt cho những nghiên cứu về sau.
Diễm Quỳnh