Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ vào ngày 9/10, một nhóm các nhà khoa học Mỹ, Brazil và Tây Ban Nha đã xem xét 281 nghiên cứu từ 36 quốc gia khác nhau.
Họ phát hiện khoảng 14% người trưởng thành và 12% trẻ em có thể bị nghiện thực phẩm siêu chế biến (UPF), từ đó họ đề nghị dán nhãn một số sản phẩm đồ ăn nhanh là chất gây nghiện.
Một số nghiên cứu gần đây đã liên kết UPF (bao gồm các loại đồ ăn nhanh, kem và đồ uống có ga,…) với tình trạng sức khỏe kém, bao gồm tăng nguy cơ ung thư, tăng cân và bệnh tim.Mức tiêu thụ sản phẩm này trên toàn cầu đang tăng vọt và UPF hiện chiếm hơn một nửa khẩu phần ăn trung bình ở Anh và Mỹ.
Đa số thực phẩm chế biến sẵn đều chứa nhiều lượng carbohydrate và chất béo. Chúng cũng thường được bổ sung thêm các chất phụ gia để tạo hương vị và cải thiện cảm giác ngon miệng.
“Carbohydrate tinh chế hoặc chất béo kích thích não sản xuất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến cảm giác hưng phấn và khoái cảm. Điều này dẫn đến việc chúng ta ăn quá nhiều thực phẩm chế biến, ngay cả khi biết rằng chúng không tốt cho sức khỏe”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguồn: Theguardian.com
Trịnh Thủy và nhóm tác giả thực hiện