Mới đây, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ FCC yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ TV Dish của Mỹ phải trả 150.000 USD vì không đưa một trong các vệ tinh không sử dụng về quỹ đạo an toàn. Đây là khoản tiền phạt đầu tiên đối với việc "xả rác" trong không gian.

“Đây chắc chắn là thời điểm mang tính biểu tượng cho việc giảm thiểu rác không gian và là một bước đi đúng hướng tuyệt vời," Michelle Hanlon - luật sư tại Đại học Mississippi, nói.

Động thái này không chỉ tạo tiền lệ cho việc phạt những công ty để lại rác nguy hiểm bay quanh Trái đất, mà còn có thể gây chấn động ngành khai thác không gian. Khoản tiền phạt 150.000 USD của FCC là khiêm tốn nhưng đã làm giảm hơn 13% giá cổ phiếu của Dish, đẩy định giá của công ty giảm từ gần 3 tỷ USD xuống còn 2,6 tỷ USD.

Hình minh họa. Nguồn: MITTR

Qua vụ việc này, FCC cũng thổi sức sống mới vào thị trường dịch vụ loại bỏ các mảnh vụn không gian. Theo MIT Technology Review, về cơ bản. FCC đã đặt ra mức "giá sàn" 150.000 USD cho các dịch vụ dọn rác không gian của các công ty như Astroscale ở Nhật Bản và ClearSpace ở Thụy Sĩ. Các công ty này cung cấp dịch vụ sử dụng tàu vũ trụ nhỏ hơn để tiếp cận các vệ tinh hoặc tên lửa đã hết hạn sử dụng và kéo chúng trở lại bầu khí quyển.

Đầu tuần này, Astroscale được chính phủ Nhật Bản ủy quyền để loại bỏ một vệ tinh đã qua sử dụng khỏi quỹ đạo. Christopher Newman - luật sư tại Đại học Northumbria ở Anh, cho biết các công ty loại bỏ rác không gian đã phải vật lộn để tìm kiếm khách hàng, và hành động chống lại Dish của FCC có thể thay đổi tình trạng này. Các công ty khai thác không gian hiện đã nhận thấy họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không tuân thủ, và điều này sẽ thúc đẩy thảo luận giữa ngành khai thác và ngành dọn rác vệ tinh, theo Newma.

Một hy vọng khác là khoản tiền phạt của FCC sẽ khuyến khích các quốc gia khác đưa ra các án phạt tương tự.

Hiện nay có hơn 8.000 vệ tinh đang hoạt động, gần 2.000 vệ tinh chết và hàng trăm tên lửa qua sử dụng quay quanh Trái đất. Quản lý các vật thể này và ngăn ngừa va chạm với các vệ tinh đang hoạt động là một nhiệm vụ ngày càng trở nên khó khăn, khi số lượng vệ tinh hoạt động cũng tăng lên nhanh chóng. Các công ty như SpaceX và Amazon có các nhóm khổng lồ gồm hàng trăm hoặc hàng nghìn vệ tinh, được thiết kế để truyền Internet tới mọi nơi trên thế giới.

Mặc dù không có luật chính thức nào về việc dọn sạch rác không gian ở Mỹ hoặc các quốc gia khác, nhưng FCC và các cơ quan quản lý phê duyệt phóng vệ tinh ở các quốc gia khác đang bắt đầu áp dụng các hướng dẫn nhằm hạn chế rác không gian. FCC hiện có quy định yêu cầu các công ty khai thác vệ tinh phải loại bỏ vệ tinh ở quỹ đạo thấp - trong vòng 2.000 km so với bề mặt hành tinh - trong vòng 5 năm sau khi hết nhiệm vụ.

Đối với các vệ tinh ở quỹ đạo cao hơn, việc loại bỏ không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Một vệ tinh của Dish, được gọi là EchoStar-7, được phóng vào năm 2002, ở quỹ đạo cách bề mặt Trái đất khoảng 35.000 km. Vì không loại bỏ được, vào năm 2012, Dish đã đồng ý với FCC rằng sẽ di chuyển vệ tinh của mình cao thêm 300 km, vào khu vực gọi là “quỹ đạo nghĩa địa”, nơi các vệ tinh không còn tồn tại sẽ quay quanh Trái đất ở khoảng cách đủ để tránh xa các vệ tinh đang hoạt động. Tuy nhiên, vào năm 2022, Dish tiết lộ rằng vệ tinh không đủ nhiên liệu để thực hiện chuyển động, dẫn đến việc phải dàn xếp, thương lượng với FCC.

FCC cho biết trong một tuyên bố: “Việc dàn xếp bao gồm việc Dish phải thừa nhận trách nhiệm pháp lý và trả khoản phạt 150.000 USD”. Ngoài ra, một phát ngôn viên của FCC nói với MIT Technology Review rằng cơ quan này có thể phạt những công ty vi phạm quy tắc về mảnh vụn không gian hơn 150.000 USD trong tương lai.

Nguồn: