“Thế kỷ cô đơn” của Noreena Hertz cung cấp bức tranh toàn cảnh về hiện trạng của nỗi cô đơn ngày nay và cách mà chính trị khai thác nỗi cô đơn của mỗi cá nhân.

Bằng việc kết hợp tư tưởng của những triết gia như Karl Marx, Émile Durkheim, Carl Jung, Hannah Arendt… với các ý tưởng thiên về tiên tri của các tác giả khoa học viễn tưởng như Isaac Asimov, Aldous Huxley, George Eliot…, Thế kỷ cô đơn phản ánh một cách thấu triệt nỗi cô đơn trong thời đại này.

Mở đầu, Hertz khước từ những định nghĩa cũ, coi cô đơn chỉ như cảm xúc riêng biệt của con người mà tạo ra một khái niệm mới, coi nó là trạng thái hiện sinh vừa mang tính chất cá nhân, nhưng cũng tác động qua lại với các khía cạnh xã hội, kinh tế và chính trị. Vì vậy trong tác phẩm của mình, Hertz không chỉ tái khảo sát những tư tưởng cũ, mà còn phối trộn nó với các hiện tượng và khuynh hướng của cuộc sống đương đại, từ đó đưa ra bức tranh toàn cảnh về cơn khủng hoảng cô đơn của thời đại ngày nay.

Theo Hertz, cô đơn đã đạt đến tầm khủng hoảng bởi những số liệu rất đáng quan ngại. Ngay cả trước khi virus corona gây ra cuộc “suy thoái xã hội” bằng cách biến sự tiếp xúc trực tiếp thành một thứ độc hại thì có 3/5 người Mỹ trưởng thành tự coi mình là cô đơn. Ở Đức, 2/3 dân số tin rằng cô đơn là vấn đề nghiêm trọng. Gần 1/3 người Hà Lan cũng thừa nhận mình cô đơn, và con số này ở Thụy Điển là 1/4. Ở Anh, cô đơn nghiêm trọng đến mức vào năm 2018, thủ tướng nước này đã phải bổ nhiệm Bộ trưởng chuyên trách vấn đề cô đơn. Dữ liệu cũng đáng lo ngại ở châu Á, Úc, châu Phi và Nam Mỹ…

Herzt có cách tiếp cận tương đối gần gũi với triết gia Hannah Arendt – người từng phải chịu sự đàn áp dưới nanh vuốt của Đức quốc xã. Trong cuốn The Origins of Totalitarianism (Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị, 1951), Arendt đã đưa ra một tuyên bố gây ra sửng sốt, rằng nền chuyên chính Đệ tam đế chế dựa vào khái niệm cô đơn để làm nền móng cho tội ác diệt chủng của mình. Trong đó bà viết, chủ nghĩa cực đoan (như Đệ tam đế chế) đã không tìm kiếm tín đồ ở sự tàn bạo hay là lạc hậu, mà thay vào đó là ở những người bị cô lập và thiếu những mối quan hệ xã hội bình thường.

Cuốn sách của Noreena Hertz được xuất bản lần đầu vào năm 2021. Ảnh: ĐTA
Cuốn sách của Noreena Hertz được xuất bản lần đầu vào năm 2021. Ảnh: ĐTA

Theo Arendt, sự cô đơn, hay “trải nghiệm không thuộc về thế giới này là bản chất của chính phủ toàn trị, nguồn tạo ra những kẻ hành quyết và nạn nhân của nó” (tr.61). Sự cô đơn mà Arendt đã đề cập được Hertz mở rộng thêm và soi chiếu trong hiện tại. Đó là cảm giác bất lực, bị cô lập, loại trừ, không có địa vị, không được hỗ trợ. Điều này ngày càng rõ hơn trong bối cảnh những năm qua, với làn sóng bài di cư, phân biệt chủng tộc cũng như chính trị cực đoan… ngày càng lớn mạnh và lao nhanh đi không có biên giới.

Chẳng hạn, bằng việc phỏng vấn trực tiếp những công nhân Mỹ, Hertz chứng minh rằng chính sự suy yếu của các công đoàn đã khiến cho tính cực đoan về mặt chính trị của nhóm người này ngày càng bùng lên. Với hiện trạng thu nhập bấp bênh cùng rất nhiều nguyện vọng không được lắng nghe, giai cấp công nhân đã chuyển hướng sự ủng hộ của mình sang những nhà chính trị biết cách thể hiện mình đang lắng nghe. Thành công của cựu tổng thống Donald Trump trước bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, theo Hertz, phần lớn chính là xuất phát từ vấn đề này. Ở giai đoạn đó, phương châm “Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” cũng có nghĩa là đem công việc và thu nhập về cho giai cấp lao động, làm giảm bớt sự cô độc gây ra bởi cuộc sống cạnh tranh gay gắt mà những người này vốn dĩ cho rằng có nguyên do từ làn sóng người di cư vào nước Mỹ, đã thuyết phục họ bỏ phiếu cho vị tỷ phú.

Ở đây có thể thấy rõ sự tương đồng giữa việc mà Đệ tam đế chế từng thực hiện (theo quan điểm của Arendt) với các nhà dân túy trong những năm qua của chính trị Mỹ (theo Hertz). Đó chính là sự thao túng của cảm giác cô đơn và bị cô lập dưới dạng thức xấu xí và gây chia rẽ nhất. Bằng cách củng cố cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài và so sánh nó với sự ưu ái chính trị rõ ràng dành cho những người không “giống” với họ (điển hình là người nhập cư), hành động gieo rắc sợ hãi và làm sâu thêm những sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo đã được những nhà dân túy cánh hữu biến nó trở thành động lực thu về lá phiếu cho mình.

Hertz khẳng định chính việc gây chia rẽ về mặt chủng tộc đã dẫn đến chủ nghĩa cực đoan và sự cô độc thêm nặng nề hơn. Cô cũng chứng minh lập luận của mình bằng cách cho thấy thực tế những người di cư, người nhập cư… hầu như không thể “giành lấy” việc làm của người bản địa bởi các chính sách đòi hỏi khắt khe của chính quyền sở tại, cũng như xu hướng “bài ngoại” vốn luôn tồn tại trong định kiến của người dân ở các nước lớn. Cuối cùng, Hertz cảnh báo, việc nhìn những người nhập cư hay những người bị phân biệt đối xử dưới ánh mắt độc đoán không khiến chúng ta quay trở lại quãng đời sung túc, mà còn khuyến khích làn sóng quá khích và nghiêm trọng hơn trong thế kỷ cô đơn.

Nhà tư tưởng, học giả và phát thanh viên Noreena Hertz. Ảnh Wikipedia
Nhà tư tưởng, học giả và phát thanh viên Noreena Hertz. Ảnh Wikipedia

Bên cạnh đề cập cách mà chính trị khai thác nỗi cô đơn của mỗi cá nhân, Hertz còn điểm qua bức tranh toàn cảnh về hiện trạng của nỗi cô đơn ngày nay. Giống như tất cả các loài linh trưởng, con người là động vật xã hội, do đó chúng ta chỉ có thể tồn tại khi hình thành các mối liên kết với nhau. Ngày nay, không riêng chính trị, mà công nghệ cũng đang góp phần cung cấp không gian cho các liên kết này, nơi con người chỉ bằng những thao tác nhỏ trên điện thoại thông minh cũng có thể làm được rất nhiều việc, thông qua các mạng xã hội, nền tảng mua sắm, giải trí trực tuyến… Đó là còn chưa tính đến robot thông minh và các trải nghiệm thiên về AI ngày càng hoàn thiện, có thể cắt đứt chính mối tương tác ngoại tuyến giữa người với người. Vào năm 2017, thị trường robot xã hội được định giá 288 triệu USD. Kể từ lúc đó nó đã tăng nhanh đà liên tục theo một đường nghiêng, để đến năm 2025, nó sẽ trở thành một đường gần như dựng đứng với dự báo sẽ chạm mốc 1,38 tỷ USD khi các chính phủ ở khắp mọi nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và EU đang cam kết đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.

Nỗi cô đơn còn được bảo chứng bởi toàn cầu hóa, đô thị hóa, bất bình đẳng với sự thay đổi một cách nhanh chóng về nhân khẩu học… Chẳng hạn, về mặt nhân khẩu, ở các xã hội có dân số già, tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, thì sự phát triển các ngành robot hỗ trợ và giao tiếp với con người rất dễ thấy. Trong khi sự toàn cầu hóa thúc đẩy khả năng “ở tạm” của công dân toàn cầu. Và vì không bị ràng buộc, nên họ cũng thấy mình cô đơn hơn khi không có cội rễ nào giữ mình lại… Do đó cô đơn không phải là một thế lực đơn lẻ, nó sống bên trong một hệ sinh thái.

Và theo tác giả, nếu muốn ngăn chặn cuộc “khủng hoảng cô đơn”, chúng ta cần một sự thay đổi có hệ thống về kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời thừa nhận trách nhiệm của cá nhân mỗi người, từ đó có được khả năng “xích lại gần nhau trong một thế giới ngày càng xa cách” như tựa đề phụ của cuốn sách.