Trong cuốn sách "Những điều sắp tới: 13 phát kiến thay đổi tương lai nhân loại", Avi Jorisch giới thiệu những đột phá có tiềm năng giải quyết những vấn đề toàn cầu - từ mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, đến sự suy giảm các hệ sinh thái duy trì sự sống.
Cuốn sách của chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ thuật lại những câu chuyện trọn vẹn về mỗi phát minh, đi từ khi ý tưởng mới được nảy sinh cho tới lúc nó trở thành cột mốc lịch sử dẫn đến sự thay đổi của tương lai nhân loại. Mỗi dự án được miêu tả trong cuốn sách, cùng các ý tưởng và những người thực hiện đằng sau, đều có tác động to lớn và có thể đưa loài người chúng ta từ xã hội của những kẻ nhận sang xã hội của những người cho - hay còn gọi là Nhân loại 2.0.
Tác giả tìm ra 13 phát kiến này ở các quốc gia và xã hội khác nhau, giống như một lời nhắc nhở rằng những ý tưởng hay, những doanh nhân giỏi tồn tại ở khắp mọi nơi.
Những sáng kiến đổi mới tập trung vào 13 lĩnh vực thiết yếu được Liên hợp quốc xác định là Mục tiêu Phát triển bền vững chính: không gian/vũ trụ, học tập, nơi trú ẩn, môi trường, vệ sinh, y tế, khả năng phục hồi sau thảm họa, năng lượng, sự thịnh vượng, lương thực thực phẩm, tài nguyên nước, quản trị nhà nước, và an ninh.
Cụ thể, đó là:
1/ Máy in 3D hoạt động trong môi trường không trọng lực của công ty Made in Space (Mỹ), giảm thiểu rủi ro của các chuyến bay bằng cách sửa chữa hoặc tạo công cụ mới ngay lập tức. Phát kiến này mở ra tiềm năng in các vật thể lớn trên trạm vũ trụ, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể du hành sâu hơn vào vũ trụ và sống toàn thời gian trong không gian hoặc trên các hành tinh khác.
2/ Các khóa học trực tuyến đại chúng mở của Khan Academy (Mỹ) mang lại cơ hội học tập, đồng thời thay đổi cách học của mọi người, giúp họ giải phóng thời gian cho nhiều hoạt động sáng tạo hơn.
3/ Dự án điện mặt trời và nước sạch Innovation: Africa (Israel) thay đổi đời sống của hàng triệu người dân châu Phi chỉ bằng cách triển khai các công nghệ đơn giản, sẵn có. Cụ thể, dự án dùng hệ thống năng lượng mặt trời để chiếu sáng, bơm nước, sạc điện thoại v.v và duy trì các thiết bị thông qua mô hình trả tiền cho mỗi lần sử dụng.
4/ Kế hoạch trị thủy thông minh Room for the river - Không gian cho sông (2006-2019) của Hà Lan nhằm ngăn ngừa các trận lụt bằng cách hợp tác với các dòng sông hơn là cố gắng kiểm soát chúng. Theo đó, Hà Lan tiến hành một công việc khó khăn chưa từng có tiền lệ: hạ thấp các con đê thay vì nâng cao chúng, khôi phục các vùng ngập lũ tự nhiên của các con sông.
5/ Sáng chế máy sản xuất băng vệ sinh giá rẻ từ cellulose nén của Arunachalam Muruganantham (Ấn Độ). Mỗi chiếc máy này vừa có khả năng tạo công ăn việc làm cho 10-15 phụ nữ, vừa sản xuất được số băng vệ sinh đủ dùng cho hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái.
6/ Hệ thống chỉnh sửa gen CRISPR do hai nhà sinh học phân tử Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Doudna (Mỹ) phát minh. Đây được xem là công nghệ đầu tiên thực sự có khả năng thay đổi cấu trúc hóa học cơ bản của con người, hứa hẹn phương pháp điều trị các bệnh nan y, cấy ghép dị chủng, nâng cao năng suất cây trồng trong nông nghiệp… CRISPR đã mang về cho hai bà giải Nobel Hóa học năm 2020.
7/ Nhà xây nhà tạm từ ống giấy tái chế cho những người mất nhà do thiên tai của kiến trúc sư Shigeru Ban (Nhật Bản). Loại vật liệu này đã chứng tỏ sự chắc chắn, có khả năng chống nước, chống cháy, chống mối mọt và có giá phải chăng (mỗi căn nhà có giá chưa đến 2.000 USD). Năm 2014, Shigeru Ban được trao giải thưởng kiến trúc cao quý Pritzker vì đã sử dụng sáng tạo các vật liệu và sự cống hiến cho các nỗ lực nhân đạo trên khắp thế giới.
8/ Tesla, hãng xe điện quan trọng nhất thế giới của Elon Musk, với sứ mệnh tự đặt ra là “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sáng năng lượng bền vững”. Trước khi Tesla ra mắt, trên thị trường không có mẫu xe điện nào khả thi. Ngày nay, công ty được định giá gần 500 tỷ USD. Đã có hơn một triệu chiếc Tesla hoạt động trên toàn cầu, lái được khoảng 16 tỷ km, tiết kiệm cho hành tinh hơn bốn triệu tấn CO2, tương đương lượng khí thải hằng năm của một triệu xe hơi.
9/ Ý tưởng tín dụng vi mô và tài chính vi mô mang lại giải Nobel Hòa bình năm 2006 cho Muhammad Yunus (Bangladesh). Năm 1979, ông thành lập ngân hàng Grameen cho người nghèo Bangladesh, không đòi hỏi người vay thế chấp hay ký giấy tờ, chỉ yêu cầu họ phải tham gia nhóm những cá nhân cùng chí hướng và cùng gia cảnh. Mỗi cá nhân muốn vay cần sự đồng thuận từ tất cả các thành viên trong nhóm, khiến tất cả cùng có trách nhiệm đạo đức với khoản vay. Đến năm 1999, ngân hàng đã giải ngân 190 triệu USD với tỷ lệ trả nợ gần 100%. Ngày nay, ngân hàng này phân phối hơn 20 tỷ USD cho ít nhất 8 triệu người, hấu hết là phụ nữ, tại hơn 100 nước, tỷ lệ trả nợ vẫn ở mức 98%. Ý tưởng của Muhammas Yunus đã giúp hàng triệu hộ gia đình nghèo vay nợ ngân hàng thành công thay vì trở thành con nợ của hệ thống cho vay nặng lãi. Và với khả năng tiếp cận tín dụng ngắn hạn, họ có cơ hội thoát khỏi kiếp nghèo.
10/ Thịt thực vật của Beyond Meat, công ty do Ethan Brown (Mỹ) sáng lập vào năm 2009. Đây là loại thịt được biến đổi từ bột đậu cô lập và đạm đậu nành. Thông qua thiết bị tinh vi là máy đùn, các phân tử đạm được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau để có kết cấu gần giống kết cấu của thớ thịt lợn, bò hay gà. Nghiên cứu cho thấy việc sản xuất bánh mì kẹp thịt Beyond Burger thải ra lượng khí nhà kính ít hơn 90% và tiêu thụ năng lượng ít hơn 46% so với bánh mì kẹp thịt bò.
11/ Phần mềm TaKaDu do Amir Peleg (Israel) thiết kế, sử dụng thuật toán và phân tích thống kê để xác định các sự cố đường ống nước như rò rỉ hay vỡ ngay khi chúng xảy ra, thậm chí phát hiện cả việc lấy trộm nước từ đường ống, tạo ra bước đột phá về hiệu suất và bảo trì cơ sở hạ tầng cấp nước sinh hoạt. Nó cũng hoạt động như một hệ thống cảnh báo sớm, dự đoán các sự cố bất lợi và xác định chính xác các phần của cơ sở hạ tầng cần được gia cố. Phần mềm “tai mắt” của các công ty cấp nước này đã giúp giảm tới 40% lượng nước bị lãng phí.
12/ Kế hoạch E-stonia tích hợp vào mạng kỹ thuật số X-Road tất cả các dịch vụ công, bao gồm ngân hàng, khai thuế, hồ sơ y tế, kê toa thuốc, tham vấn bác sĩ, hóa đơn điện thoại v.v và thậm chí là cả bỏ phiếu trực tuyến trong các cuộc bầu cử quốc gia.
13/ Công nghệ xe hơi tự hành Waymo của Google, mở đường cho việc thông qua luật cho phép xe tự hành hoạt động tại một số bang của Mỹ.
Mặc dù đặt niềm tin vào các tiến bộ khoa học, Avi Jorisch (1975) không quên đề cập nghịch lý của tiến bộ. Ông dẫn chứng, để đổi lấy tiến bộ, chúng ta sẵn sàng chấp nhận hoặc lờ đi những mặt đen tối hơn của công nghệ, ví dụ các nền tảng xã hội giúp duy trì kết nối nhưng cũng là nơi lan truyền tin giả; công nghệ định vị, nhận diện mặt cũng có thể bị lợi dụng để xâm phạm quyền riêng tư… Tuy nhiên, theo ông, so với những vấn đề sống còn mà Trái đất đang phải đối mặt, những nhược điểm của công nghệ là điều chúng ta nên ít lo lắng nhất.