Các bằng chứng khảo cổ không chỉ cho phép chúng ta khám phá các nền văn minh cổ xưa mà còn hé lộ những góc khuất về tình trạng bất bình đẳng trong xã hội của họ, bao gồm các yếu tố như tài sản, sức khỏe và địa vị.

Ảnh: Bing AI
Ảnh: Bing AI

Ngày 26/11/1922, nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter đã khai quật lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun. Ông phát hiện chiếc quan tài chứa xác ướp Tutankhamun được làm bằng vàng nguyên khối, nặng tới 110,4 kg. Các khám phá tương tự trong lĩnh vực khảo cổ học cũng không phải là hiếm.

Nhưng trái ngược với niềm tin phổ biến và sự tô vẽ trong điện ảnh, hầu hết các nhà khảo cổ học đều cho rằng việc tìm kiếm kho báu không phải là mục tiêu nghiên cứu chính của họ. Thay vào đó, họ muốn tìm hiểu cuộc sống hằng ngày của các nền văn minh trong quá khứ.

Cả hai thái cực – sự giàu sang của các vị vua và cuộc sống khó khăn của dân thường – đều đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ một trong những mục tiêu chính của khảo cổ học, đó là nghiên cứu tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội cổ đại. Điều này cũng liên quan đến câu hỏi làm thế nào để nhận diện và định lượng nó.

Một trong những cách tiếp cận dễ dàng nhất là đánh giá sự khác biệt về tài sản chôn cùng người quá cố trong các ngôi mộ. Tuy nhiên, sự phân tầng xã hội không chỉ dựa trên của cải, mà còn dựa vào uy tín cá nhân và quyền lực. Do đó, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đánh giá đúng sự khác biệt về thu nhập hoặc nguồn lực giữa các tầng lớp xã hội khác nhau chỉ bằng cách so sánh những ngôi mộ có hoặc không có vật phẩm chôn theo.

Một số nhà khảo cổ đã cố gắng áp dụng các nguyên tắc kinh tế để kiểm tra tình trạng bất bình đẳng xã hội tại những địa điểm cụ thể, và quan trọng hơn là so sánh dữ liệu từ nhiều nơi khác nhau. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2017, nhà khoa học Samuel Bowles và các cộng sự tại Viện Santa Fe (Mỹ) áp dụng hệ số Gini để đánh giá sự bất bình đẳng về thu nhập ở một số lượng lớn các địa điểm khảo cổ trên quy mô toàn cầu, bao gồm những thành phố tiêu biểu như Çatalhöyük ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pompeii ở Ý và Teotihuacan ở Mexico. Nhóm nghiên cứu đã đo kích thước các ngôi nhà như một chỉ số ước tính về sự giàu có.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những cộng đồng sống bằng hình thức săn bắt–hái lượm có hệ số Gini thấp, khoảng 17 điểm trên thang điểm từ 0 đến 100. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì trong các xã hội du mục, người dân chỉ có thể mang theo rất ít đồ đạc. Do đó, những kỹ năng cá nhân như khả năng săn bắn trở nên quan trọng hơn.

Trong các xã hội nông nghiệp cổ đại, hệ số Gini ước tính nằm trong khoảng từ 35 đến 46. Hoạt động canh tác nông nghiệp giúp người dân tạo ra nguồn lương thực dồi dào, thậm chí dư thừa, từ đó dẫn đến sự chênh lệch về quy mô dân số cũng như tài sản trong các khu định cư. Điều thú vị là các phép đo từ thực tế cho ra kết quả thấp hơn so với phép đo từ các tài liệu ghi chép lịch sử.

Ví dụ, dựa trên các tàn tích của người Babylon, nhóm nghiên cứu ước tính hệ số Gini là 40, nhưng một ước tính dựa trên thông tin từ biên niên sử Babylon cho ra kết quả lên tới 46. Các tài liệu cổ xưa có thể đã cường điệu quá mức kích thước của những ngôi nhà lớn nhất trong sự thán phục. Điều này giống như khi chúng ta trở về sau một chuyến du lịch, chúng ta có xu hướng phóng đại những điều mình đã nhìn thấy.

Các xã hội nông nghiệp cổ xưa ở châu Mỹ có hệ số Gini thấp hơn, tức là bình đẳng hơn, so với châu Á và châu Âu – mặc dù một số xã hội như đế chế Aztec có sự phân chia cấp bậc rất rõ ràng. Tại thủ đô Tenochtitlán của người Aztec, những ngôi nhà có kích thước được chuẩn hóa cao và tất cả đều khá giống nhau.

Ở một số nơi thuộc Quần đảo Anh, nam giới được chôn cất nhiều hơn nữ giới tại các lăng mộ đá cổ xưa, có kích thước lớn trên khắp bờ biển Đại Tây Dương. Đây là bằng chứng cho thấy sự thiên vị giới tính đã xuất hiện trong các xã hội từ thời kỳ đồ đá mới.

Tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng cùng với sự xuất hiện của các công cụ kim loại giúp tăng hiệu quả sản xuất. Một số người tích lũy được nhiều của cải hơn, tạo ra sự chênh lệch về tài sản. Điều này dẫn đến việc hình thành các nhóm người quyền lực, nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong xã hội từ năm 3000 đến năm 2000 trước Công nguyên. Họ thường sử dụng bạo lực, xung đột, hoặc chiến tranh để duy trì và củng cố quyền lực của mình.

Các ngôi mộ thể hiện sự giàu có cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong thời kỳ này, chẳng hạn như mộ Cung thủ Amesbury có niên đại vào năm 2300 trước Công nguyên. Người ta tìm thấy nó cách bãi đá cổ Stonehenge gần 5km về phía Đông Nam vào năm 2002. Mộ Cung thủ Amesbury chứa nhiều hiện vật hơn bất kỳ ngôi mộ nào khác ở Anh trong thời đại đồ đồng, bao gồm nhiều mũi tên, ba con dao làm bằng đồng, bốn răng nanh lợn lòi, hai miếng bảo vệ cổ tay làm bằng đá, năm chiếc bình thuộc nền văn hóa Bell Beaker và hai đồ trang trí tóc bằng vàng.

Sự gia tăng bất bình đẳng trong thời đại đồ đồng, cả ở Trung Đông và một số vùng Tây Âu, dường như chịu ảnh hưởng một phần từ sự gia tăng mật độ dân số. Mối liên hệ này có thể bắt nguồn từ mức độ phức tạp ngày càng tăng trong các phương thức sinh kế, mạng lưới thương mại và các tổ chức chính trị khi dân số phát triển.

Hệ số Gini cao nhất trong các xã hội cổ đại do Viện Santa Fe xác định tương tự như hệ số Gini ở một số quốc gia châu Âu ngày nay, với giá trị khoảng 60 ở thành phố Pompeii của người La Mã và khu định cư Kahun của người Ai Cập thuộc vương triều thứ 12.

Ngoài hệ số Gini, giới khoa học cũng có thể nghiên cứu tình trạng bất bình đẳng trong các xã hội cổ đại thông qua sức khỏe của mỗi nhóm dân số. Các chỉ số phân tích xương của những bộ hài cốt (chẳng hạn như sâu răng, bệnh khớp, chấn thương, thiếu vitamin,...) có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của người dân trong từng thời kỳ. Nhìn chung, tần suất của những dấu hiệu bệnh lý thường cao hơn trong các giai đoạn có sự bất bình đẳng lớn hơn.

Ví dụ, trong quá trình khai quật khu nghĩa trang ở phía Bắc thành phố Amarna của người Ai Cập cổ đại từ năm 2006 đến năm 2013, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều người chết ở độ tuổi khá trẻ, chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên. Họ có dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng và lao động khổ sai. Khoảng 16% trẻ em dưới 15 tuổi bị chấn thương cột sống, dấu hiệu thường gặp ở những người mang vác nặng. Không ai trong số họ có đồ tùy táng, thậm chí nhiều người còn được chôn cất chung với nhau một cách vội vàng hoặc lộn xộn – điều này trái ngược với những mô tả hào nhoáng về cuộc sống xa hoa của gia đình các pharaoh.

Một chỉ số khác mà các nhà nghiên cứu có thể sử dụng là bằng chứng về tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở mức cao. Tuy nhiên, hài cốt trẻ em thường khó bảo quản hơn so với người lớn, do chúng có kích thước nhỏ và cấu trúc xương mềm nên dễ bị phân hủy hoặc hư hỏng. Vì vậy, trong các cuộc khai quật khảo cổ, xương của trẻ em thường khó tìm thấy và nghiên cứu hơn so với xương của người lớn.

Theo: MITPress Reader