Các loài mới không tự nhiên xuất hiện, chỉ là có nhiều lý do khiến các nhà khoa học ngày nay mới biết đến chúng.


Các bước phát hiện loài mới

“Phân loại học là quá trình sắp xếp các loài mới vào hệ thống lưu trữ và chỉ ra chúng có gì khác so với những loài đã biết, chúng là loài có lợi hay có thể gây hại”, GS Christopher Mah, nhà sinh vật học biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian, đưa ra định nghĩa của mình về hoạt động phân loại.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới thường xuyên phát hiện các loài động vật mới, từ thằn lằn, cá cho đến nhện. Tại sao có nhiều loài mới được phát hiện như vậy? Làm thế nào để các nhà khoa học nhận ra đây là loài mới?

Tùy theo mỗi loài, quá trình khám phá sẽ khác nhau, nhưng các chuyên gia thường chia thành năm bước: thu thập, phân tích, so sánh, mô tả và chia sẻ.

Đầu tiên, các nhà khoa học thu thập một loài động vật cụ thể, thường được gọi là mẫu vật.

Thứ hai, họ tiến hành phân tích các đặc điểm vật lý - thường được gọi là hình thái, chẳng hạn như màu sắc, hình dạng cơ thể, và bộ xương; hành vi; âm thanh gọi bầy - nếu đó là những loài như ếch, dế hoặc chim; các giai đoạn sống và DNA của nó.

Tiếp theo, họ so sánh dữ liệu này với các hồ sơ được lưu trữ và quyết định xem các dữ liệu có khớp với nhau không. Hầu hết các trường hợp, loài động vật sẽ khớp với dữ liệu về một chi, ngay cả khi chúng không trùng với bất kỳ loài nào đã biết. Khi đó, các nhà khoa học coi loài động vật đó là một loài mới và viết một nghiên cứu mô tả nó. Tại thời điểm này, các nhà nghiên cứu cũng chọn một cái tên cho loài mới.

Cuối cùng, họ công bố nghiên cứu của mình để chia sẻ khám phá với cộng đồng khoa học và với công chúng một cách rộng rãi.

Vietnamophryne aurantifusca, hay ếch lùn nâu cam. Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo
Vietnamophryne aurantifusca, hay ếch lùn nâu cam. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Zootaxa vào cuối năm 2023, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát thực địa tại một khu rừng núi đá vôi ở xã Sinh Long (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) vào tháng 5/2023 và phát hiện ra loài ếch này. Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo

Mới xuất hiện hay mới được mô tả?

"Các loài không tự nhiên mà xuất hiện", GS Thomas Ziegler, một chuyên gia về bò sát và lưỡng cư, cho biết. Đằng sau sự hình thành mỗi loài mới là một quá trình tiến hóa lâu dài, các quần thể động vật bị chia tách, sau đó mỗi nhóm dần thích nghi với môi trường riêng của mình. Nhà sinh vật học Zeeshan Mirza nhận định quá trình này “mất hàng triệu năm và vẫn đang tiếp diễn”.

"Thuật ngữ 'loài mới' có phần gây hiểu lầm", nhà sinh vật học tiến hóa Philippe Kok cho biết. "Đôi khi người dân địa phương có thể đã biết chúng từ lâu." Để tránh sự nhầm lẫn này, một số chuyên gia thích dùng cụm từ “mới với khoa học”.

Các chuyên gia đưa ra ba lý do chính giải thích vì sao các loài mới vẫn đang được phát hiện.

Thứ nhất, những loài này có thể sống ở những vùng xa xôi hiểm trở, chẳng hạn như trên đỉnh núi hoặc dưới đáy biển sâu. Mặt khác, một số loài đã được tìm thấy trong các chuyến thám hiểm trước đây, nhưng các mẫu vật "nằm im suốt một thập kỷ hoặc thậm chí là lâu hơn trong các bảo tàng" cho đến khi có người quyết định nghiên cứu chúng, GS Christopher Mah cho biết. "Có một số nhóm (động vật) hiện không ai nghiên cứu." Theo Philippe Kok, các nhà khoa học không đủ thời gian, nguồn lực hoặc con người để phân loại mọi sinh vật.

Thứ hai, một số loài mới trước đây đã bị xác định nhầm và chỉ được ghi nhận gần đây nhờ dữ liệu DNA. Đó là các loài có vẻ ngoài tương tự nhưng khác biệt về mặt di truyền. “Nhiều người chỉ mô tả sinh vật một cách trực quan vì họ nghĩ rằng các loài động vật sẽ có vẻ ngoài khác biệt,” Eli Greenbaum, một nhà sinh vật học chuyên nghiên cứu khu vực miền trung châu Phi, nói. “DNA là một công cụ khách quan và hữu ích.”

Thứ ba, các nhà khoa học ngày nay sở hữu nhiều công nghệ hiện đại hơn so với đồng nghiệp của họ vào thế kỷ 19. Từ kính hiển vi đến máy bay trực thăng, từ bộ dụng cụ thu thập DNA đến tàu ngầm, công nghệ đã hỗ trợ quá trình khám phá các loài mới. Tương tự như vậy, internet giúp các nhà nghiên cứu hợp tác, hỗ trợ các bảo tàng chia sẻ kho lưu trữ của họ và xây dựng các cơ sở dữ liệu phân loại quy mô lớn.

Hỗ trợ bảo tồn

Động vật trên khắp thế giới đang chịu áp lực rất lớn từ nạn phá rừng, môi trường sống bị hủy hoại, phát triển đường sá, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan do các hoạt động của con người, phải cạnh tranh với các loài xâm lấn và chịu tác động tàn phá của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Nhiều loài đã tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện.

“Bằng cách hiểu rõ các loài và nghiên cứu hệ sinh thái của chúng, chúng ta có thể xây dựng các chiến lược bảo tồn tốt hơn để bảo vệ chúng hoặc thậm chí quản lý chúng,” Evan Quah Seng Huat, một nhà sinh vật học chuyên về lưỡng cư và bò sát ở Đông Nam Á, nhận định. “Người ta không thể bảo tồn những gì mà họ không biết.”

Hoạt động phát hiện loài mới vẫn đang diễn ra tích cực tại nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á. Trong một báo cáo về khám phá các loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết trong hai năm 2021-2022, các nhà khoa học đã khám phá 380 loài thực vật có mạch và động vật có xương sống tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cụ thể, có 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú. Trong đó Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 158 loài mới.

Những phát hiện trên chứng minh rằng khu vực này vẫn là mảnh đất tiềm năng cho khám phá khoa học và một “điểm nóng” về đa dạng loài. Quá trình phát hiện và làm rõ các đặc điểm của những loài mới sẽ giúp các chuyên gia lập ra kế hoạch bảo tồn phù hợp với từng loài.

Nguồn: