Những loài mới này đang chịu áp lực rất lớn từ nạn phá rừng, môi trường sống bị phá hủy, phát triển đường sá, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan do các hoạt động của con người

g
Loài thu hải đường Begonia catbensis, được phát hiện ở các đảo đá vôi của Vườn Quốc gia Cát Bà, chỉ còn dưới 200 cá thể trưởng thành trong một phạm vi phân phối rất hạn chế.Các nhà khoa học cho biết đây là loài hiếm, xếp hạng bảo tồn ở mức Nguy cấp. Ảnh: VAST

Trong một báo cáo về khám phá các loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết trong 2 năm 2021-2022, các nhà khoa học đã khám phá 380 loài thực vật có mạch và động vật có xương sống tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cụ thể, có 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú.

Trong đó Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 158 loài mới.

Theo Báo cáo, một số loài mới tại Việt Nam có thể kể đến loài thu hải đường Begonia catbensis được phát hiện ở các đảo đá vôi của Vườn Quốc gia Cát Bà; loài ếch mới Quasipaa taoi được ghi nhận trên Núi Ngọc Linh, đỉnh núi cao nhất miền Trung Việt Nam với độ cao 2.598m; ếch Khôi (Theloderma khoii) được phát hiện tại tỉnh Hà Giang ở phía Đông Bắc Việt Nam v.v.

d
Ếch rêu Khôi (đặt theo tên GS.TS Lê Vũ Khôi thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các nhà nghiên cứu phân loại nguy cơ tuyệt chủng của loài này ở mức Nguy cấp. Ảnh: VAST

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có nhiều loài ếch rêu (Theloderma) nhất thế giới, và việc phát hiện ếch Khôi (Theloderma khoii) nâng tổng số loài ếch này tại nước ta lên con số 17. Các nghiên cứu về hình thái và phân tử cho thấy Ếch rêu Khôi (đặt theo tên GS.TS Lê Vũ Khôi thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một loài độc đáo. Phạm vi sinh sống chính xác của loài mới này vẫn chưa được xác định, có thể bao gồm khu vực Đông Bắc Việt Nam và mở rộng đến tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xây dựng đường biên giới, mở rộng nông nghiệp và khai thác gỗ bất hợp pháp đều đe dọa đến sự đa dạng sinh học phong phú của rừng, từ đó đẩy loài ếch này đến bờ vực tuyệt chủng.

Tương tự, loài ếch mới Quasipaa taoi được ghi nhận trên Núi Ngọc Linh, là một loài ếch lớn – cơ thể của con đực có kích thước lên tới 85mm, với con cái ngắn hơn khoảng 15 mm. Các nhà nghiên cứu đã quan sát một số hình thái điểm khác biệt so với các loài khác trong chi Quasipaa, thường được gọi là ếch gai, thử nghiệm di truyền xác nhận nó là một loài riêng biệt. Quasipaa taoi là loài thứ 13 của chi ếch gai trên thế giới, trong đó riêng Việt Nam đã phát hiện 6 loài trong chi này.

Phát hiện này đã khẳng định tính đa dạng rất cao của các loài lưỡng cư đặc hữu ở dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam. Giống như các loài đặc hữu khác bị hạn chế phân bố, Q. taoi đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống khi con người ngày càng mở rộng diện tích canh tác, khai thác gỗ trái phép và phát triển du lịch. Loài này cũng được người dân địa phương săn bắt làm thực phẩm. Do đó, các nhà nghiên cứu xếp loại chúng ở mức là Gần bị đe dọa trong Danh sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

h
Quasipaa taoi là loài thứ 13 của chi ếch gai trên thế giới, trong đó riêng Việt Nam đã phát hiện 6 loài trong chi này. Ảnh: VAST

Cũng được tìm thấy tại khu vực Trung Trường Sơn của Việt Nam, loài mới của rắn tia nắng được đặt tên là Xenopeltidae intermedius vì hình dạng và độ giãn dài của đầu và kích thước mắt của nó là trung bình giữa hai loài chị em của nó (intermedius có nghĩa là ở giữa, trung gian). Giống như tất cả các loài rắn tia nắng, nó có bề mặt vảy óng ánh nhưng được ngụy trang tốt, có màu nâu nhạt đều ở trên và màu vàng kem nhạt hơn ở bên dưới. Nghiên cứu chỉ ra rằng Tây Nguyên của Việt Nam có sự đa dạng cao về các loài lưỡng cư và bò sát, bao gồm nhiều loài bí ẩn (giống nhau về mặt hình thái nhưng khác biệt về mặt di truyền).

Những phát hiện trên chứng minh rằng khu vực này vẫn là mảnh đất tiềm năng cho khám phá khoa học và một “điểm nóng” về đa dạng loài. Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn Động vật Hoang dã của WWF-Việt Nam cho rằng “những loài mới này đang chịu áp lực rất lớn từ nạn phá rừng, môi trường sống bị phá hủy, phát triển đường sá, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan do các hoạt động của con người, phải cạnh tranh với các loài xâm lấn và chịu tác động tàn phá của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Nhiều loài đã tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện”.

Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), nhấn mạnh chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và công chúng cần dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc bảo tồn, cũng như cần phải hành động ngay lập tức để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang ở mức báo động trong khu vực.