Thành tích mới đây của học sinh Việt Nam tại giải đấu robotics lớn nhất thế giới cho thấy môn lập trình robot có thể được triển khai hiệu quả ở bất cứ đâu, miễn là lãnh đạo nhà trường dành đủ quan tâm.
Từ ngày 25/4 đến 4/5 tại TP Dallas thuộc bang Texas, Mỹ, đã diễn ra giải đấu robotics lớn nhất thế giới - VEX World Championship 2023. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên bởi Robotics Education & Competition Foundation - tổ chức phi lợi nhuận với các dự án hướng đến STEM. Năm nay, Việt Nam lần đầu tham dự VEX World Championship với 19 đội. Đáng nói là, trong số đó chỉ có 2 đội đến từ các trường công: Đội AANO của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) và Đội 11 của Trường THPT Chuyên Cao Bằng.
Lập trình robot là nội dung hấp dẫn nhất trong giáo dục STEM và vô cùng hữu ích trong việc chuẩn bị nền tảng cho người học tiếp cận các công nghệ 4.0. Tuy nhiên, môn học này lại chưa được đưa vào chương trình chính thức trong các trường phổ thông. Nhiều trường lấy lý do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa thể triển khai.
Bài viết của chúng tôi chủ yếu nói về cách các trường công có thể khắc phục các bất lợi để chủ động tiếp cận lập trình robot và bước vào các sân chơi STEM đẳng cấp thế giới như thế nào. (Các bất lợi này không xuất hiện ở khối trường tư, nơi có thể linh hoạt điều chỉnh chương trình học, có sự tự chủ về tài chính cũng như chủ động trong việc phân bổ quỹ thời gian của học sinh.)
Khi cựu học sinh cùng các mẹ vào cuộc
Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/1 năm ngoái, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chính thức ra mắt một phòng học mới rất đặc biệt, có tên gọi Trưng Vương STEAM Robotics Forward Team. Đây là một phòng lab STEM được đầu tư trang bị hiện đại nhất trong khối THCS công lập của cả nước với sân thi đấu chuyên dụng và 5 bộ robot giáo dục hiện đại VEX IQ của Mỹ. Khác với robot đồ chơi, VEX IQ có hệ thống hơn 700 bài học online và cả công nghệ ảo VEX VR để hỗ trợ học sinh và giáo viên tự tổ chức việc học thuận lợi. Thêm vào đó, VEX còn có giải đấu vô địch thế giới dành cho các lứa tuổi từ tiểu học cho tới hết THPT, kết nối với các giải vô địch quốc gia một cách có hệ thống.
Có được phòng lab này, đầu tiên phải kể đến tấm lòng của ông Hoàng Nam Tiến, cựu học sinh chuyên toán của trường, một chuyên gia CNTT từng đảm đương nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở tập đoàn FPT. Sau khi được biết đến robot VEX IQ, ông Tiến đã tự tìm đến công ty KIDSCODE, đại lý của hãng VEX, để tìm hiểu cho tường tận về các loại robot giáo dục và cách thức triển khai. Là một người học và làm việc nghiêm túc, ông Tiến hiểu rằng, việc tổ chức học tập những công nghệ giáo dục tiên tiến như robot VEX IQ cần phải có thời gian và công sức của nhiều người chứ không hẳn chỉ mua tặng robot là xong. Để học sinh và giáo viên trong trường bước đầu làm quen, ông Hoàng Nam Tiến đã mua tặng một bộ robot VEX IQ thế hệ 1.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan, nhà trường nhận bộ robot xong, đang chuẩn bị triển khai thì đại dịch Covid ập đến. Hiểu được những khó khăn của nhà trường, ông Tiến kiên nhẫn chờ đợi trường có kế hoạch phát triển câu lạc bộ cụ thể thì sẽ tài trợ tiếp. Và ông Tiến không phải chờ đợi quá lâu: ngay sau khi vào năm học mới, ông nhận được một thư đề nghị cùng bản kế hoạch triển khai câu lạc bộ robot VEX IQ chi tiết của em Nguyễn Lương Bằng, học sinh lớp 9 hệ song bằng của trường. Bản kế hoạch đó đã làm cho ông Tiến rất hài lòng và quyết định mua tặng nhà trường thêm 4 bộ robot VEX IQ cùng sân tập với tổng trị giá 100 triệu đồng.
Ngay sau khi có tin được cựu học sinh tài trợ hệ thống robot VEX IQ đầy đủ như vậy, cô hiệu trưởng Nguyễn Thu Hà đã cấp ngay cho câu lạc bộ robot VEX một phòng lab riêng rộng 43m2, một việc khá khó trong điều kiện nhiều trường ở Hà Nội thiếu phòng học. Ở ngôi trường này, nơi luôn duy trì tinh thần giáo dục gắn với đời sống và từng có cả một xưởng đúc trong khuôn viên, các thông tin và xu hướng học tập mới được cập nhật rất nhanh. Nhờ vậy, cách đây 8 năm, trường đã tự tổ chức được Ngày hội STEM và kể từ đó, nó trở thành hoạt động thường niên của trường mỗi dịp 26/3.
Việc vận hành câu lạc bộ robot VEX ở Trường THCS Trưng Vương còn có sự tham gia tích cực của các bà mẹ trong các khâu hậu cần. Do chưa có ngân sách cho những hoạt động STEM tầm cao như robot VEX IQ, cô hiệu trưởng tiếp tục kêu gọi các chuyên gia STEM, phụ huynh và cựu học sinh của trường có chuyên môn phù hợp hỗ trợ việc huấn luyện câu lạc bộ.
Qua ví dụ ở ngôi trường hàng đầu thủ đô có thể thấy lãnh đạo nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kích hoạt tinh thần cống hiến của phụ huynh học sinh và tinh thần trách nhiệm của các cựu học sinh.
Cao BẰNG trở thành “cao HƠN”
“TEAM CÔ ĐỖ TRÀ XUẤT SẮC”, “TỰ HÀO CAO BẰNG” - đó là nội dung những tấm biển trên tay thầy hiệu trưởng và các thầy cô Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng vào lúc nửa đêm ngày 6/5 ở sân bay quốc tế Nội Bài. Các thầy cô đã đi gần 300 km để đón đội tuyển đầu tiên của tỉnh Cao Bằng trở về từ cuộc thi VEX World Championship. Đây cũng là lần đầu cả ba thành viên của đội đi máy bay. Sau khi đội tuyển Cao Bằng được truyền hình Mỹ phỏng vấn, cộng đồng giáo dục STEM đã nói vui rằng: Cao BẰNG bây giờ đã có tên mới là cao HƠN.
Hãy cùng điểm lại xem Cao Bằng đã làm gì để trở nên “cao HƠN”:
1- Trước hết là thành tích ở các giải đấu ngày càng cao. Để giành quyền đi Mỹ thi đấu, Đội 11 của Cao Bằng đã xuất sắc vượt qua hơn 100 đội tuyển ở giải vô địch quốc gia, bao gồm đội tuyển của 11 trường chuyên trên khắp cả nước, trong đó có Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Ở giải VEX World Championship 2023, Đội 11 đứng thứ 183 thế giới với tổng số điểm là 199 ở phần thi kỹ năng lập trình và điều khiển robot, vượt lên hơn một ngàn bậc so với thành tích của đội trước giải đấu là 1.187 thế giới.
Nhớ lại, cách đây hai năm, ngày 6/5/2021, các nhà hảo tâm và gia đình các cựu học sinh Cao Bằng đã tổ chức tặng hơn 100 hộp robot giáo dục KCBot (made in Vietnam). Nhờ đó, phong trào dạy và học lập trình robot đã được khơi mào, mở đầu bằng buổi tập huấn cho giáo viên của tất cả 30 trường THPT của tỉnh. Trong số các học viên tham gia tập huấn hôm đó có cô giáo Đỗ Thị Hương Trà, huấn luyện viên của Đội 11. Cô cũng là người đồng hành cùng Đội 11 giành ba giải tại Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023.
2- Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, cả nước chỉ có tỉnh Cao Bằng tổ chức cuộc thi Thiết kế chế tạo robot dành riêng cho giáo viên THPT toàn tỉnh vào cuối năm 2022. Trong cuộc thi độc đáo này, cô giáo Đỗ Thị Hương Trà cùng hai đồng nghiệp khác đoạt giải Nhì.
Kinh nghiệm tổ chức cuộc thi Thiết kế chế tạo robot của Cao Bằng đang được áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của Hà Giang, sau khi mỗi trường THPT của tỉnh này được tài trợ 5 bộ KCBot.
Hoạt động dạy và học lập trình robot ở Cao Bằng cũng ngày càng mở rộng. Tới đây, trong hai ngày 17 và 18/5, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức cuộc thi đấu lập trình robot KCBot dành riêng cho học sinh THPT toàn tỉnh.
Cùng trong tháng Năm, Phòng GD&ĐT huyện Thạch An sẽ lần đầu tổ chức cuộc thi lập trình robot dành cho học sinh tiểu học và THCS toàn huyện, sau khi được các gia đình cựu học sinh gửi tặng hơn 50 bộ KCBot. Còn huyện Bảo Lâm sẽ tổ chức cuộc thi lập trình robot KCBot và robot ảo VEX VR giữa 4 trường THCS với số robot vừa được các nhà hảo tâm gửi tặng hồi cuối tháng 3/2023.
3 - Trong việc tổ chức cho Đội 11 đi Mỹ thi đấu giải vô địch thế giới, người dân và chính quyền tỉnh Cao Bằng đã “cao hơn” hẳn một số tỉnh thành khác về sự quan tâm tới đội tuyển robotics, mặc dù cơ chế để chi ngân sách nhà nước cho việc 4.0 này còn chưa có (tất cả các tỉnh khác cũng đều mắc kẹt ở cùng một điểm). Để có kinh phí cho các thành viên đội tuyển lên đường, Sở GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho Trường THPT Chuyên Cao Bằng gửi thư ngỏ đến các cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân và cựu học sinh trong tỉnh; trong khi đó, cô Trà tự đi nhiều nơi để chia sẻ về tình hình; còn các bậc phụ huynh dù đắn đo nhưng cuối cùng vẫn quyết định dùng số tiền tích cóp của gia đình để lo kinh phí cho con. Ngoài ra, Đội 11 còn nhận được sự ủng hộ về vật chất từ STEAM for Vietnam và Liên minh STEM. Mới đây nhất, sáng 10/5, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc gặp mặt vinh danh Đội 11, trong đó Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đã trao tặng bằng khen cùng phần thưởng tiền mặt cho Trường THPT Chuyên Cao Bằng, cô Hương Trà và các thành viên của Đội 11. Nhiều hiệp hội và ban ngành cũng có hành động tương tự.
Có thể nói, hai năm qua chính là hành trình thử nghiệm năng lực tiếp cận STEM robotics của Cao Bằng với kết quả hết sức ngọt ngào. Sau giải vô địch thế giới lần này, nhận thức về giáo dục STEM robotics ở Cao Bằng đã bước sang giai đoạn mới, dù vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm và nhiều thách thức ở phía trước.
(Còn tiếp)
Giải VEX World Championship 2023 ở Dallas mới đây có sự tham gia của khoảng 30.000 học sinh đến từ khắp nước Mỹ và hơn 50 quốc gia khác. Trong lần đầu tham dự, 5/19 đội tuyển của học sinh Việt Nam đã đoạt giải.
Trong đó, ở bảng Research của khối Trung học, đội PENN CHUỐI SẤY, PennSchool, TP Hồ Chí Minh, đoạt giải Truyền cảm hứng (Inspire Award); và đội AANO, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội, đoạt giải Tinh thần Thi đấu (Sportsmanship Award).
Ở bảng Tiểu học, một nửa số đội của Việt Nam đã chơi xuất sắc và giành các giải: Giải Thiết kế (Design Award) cho đội Switch, VinSchool, Hà Nội; Giải Sáng tạo (Innovate Award) cho đội T-rex Bot - Archimedes School, Hà Nội; và Giải Ba (Third Place Award) cho đội TNS Innovation - True North School & Delta Global School, Hà Nội.
Trong hành trình tham gia VEX World Championship 2023, các học sinh, phụ huynh và thầy cô còn có nhiều hoạt động trải nghiệm công nghệ và giáo dục tại Mỹ như tham quan Đại học Stanford - California; Đại học Texas A&M - Dallas; Bảo tàng Tech Interactive Museum - một trong những bảo tàng tiên phong hàng đầu về công nghệ tại thung lũng Silicon; Trung tâm Hàng không và Vũ trụ NASA tại Houston... Đặc biệt, đoàn du đấu đã có cơ hội tham quan trụ sở của Google tại Thung lũng Silicon và giao lưu cùng các kỹ sư người Việt đang làm việc tại đây.
Năm nay, các đội học sinh Việt Nam lần đầu được đưa đến sự kiện VEX World Championship nhờ dự án “A Year of Robotics 2023" do STEAM for Vietnam cùng các đối tác khởi xướng. Đây là các đội được chọn từ Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc 2023 diễn ra vào cuối tháng Hai. Trên thực tế, có tất cả 20 đội được chọn, tuy nhiên 3 đội đã không thể lên đường do không lo được kinh phí. Đó là các đội của Trường THCS Nguyễn Hiền và Trường THCS Nam Hồng ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; và Trường THPT Gang Thép ở TP Thái Nguyên. Sau đó, hai đội khác đã được bổ sung vào danh sách.
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận Mỹ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM tại Việt Nam. Tổ chức này được thành lập bởi các cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ và vận hành bởi mạng lưới tình nguyện viên là những chuyên gia người Việt và các thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trên khắp thế giới. |
Đọc thêm: