Trong khi một số địa phương miền núi tìm cách vượt khó để tiếp cận robot giáo dục VEX IQ hiện đại và ứng dụng công nghệ robot ảo VEX VR để xóa mù lập trình cho học sinh thì một số địa phương khác lại tận dụng mọi cơ hội để đa dạng hóa các hoạt động dạy và học lập trình robot.

Phù Ninh là huyện đi đầu trong việc thúc đẩy giáo dục STEM ở tỉnh Phú Thọ. Ngày 21/4 mới đây, lần đầu tiên Ngày hội “Chuyển đổi số – Giáo dục STEM” của huyện đã được nâng cấp từ sự kiện riêng của ngành GD&ĐT lên cấp UBND huyện. Với nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của giáo dục STEM đối với việc thúc đẩy chuyển đổi số, tất cả các lãnh đạo chủ chốt của huyện đều có mặt tại sự kiện này, trong đó có bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện. Bản thân giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, thầy Nguyễn Văn Mạnh, cũng dành cả buổi sáng để dự lễ khai mạc và gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với giáo viên và học sinh trong 3 giờ liền ở hơn 20 khu vực thi lập trình robot, triển lãm các thành tựu giáo dục STEM, thi cờ vua...

Học sinh của tất cả 19 trường THCS ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, đều có đội thi đấu lập trình robot KCBOT tại Ngày hội “Chuyển đổi số – Giáo dục STEM” hôm 21/4/2023. Ảnh: ĐHS
Học sinh của tất cả 19 trường THCS ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, đều có đội thi đấu lập trình robot KCBOT tại Ngày hội “Chuyển đổi số – Giáo dục STEM” hôm 21/4/2023. Ảnh: ĐHS

Trong sự kiện năm nay, Phù Ninh tổ chức tới 5 sân chơi robotics dành cho tất cả các lứa tuổi từ mầm non tới THPT. Trong đó, toàn bộ 20 trường tiểu học trong huyện đều cử đội thi đấu lập trình robot ảo VEX VR của Mỹ; và 100% trường THCS - gồm 19 trường - đã lập 20 đội thi đấu robot KCBOT (made in Vietnam). Khối mầm non thì có 8 trường góp 8 đội tham gia thi lập trình robot SUNBOT (cũng made in Vietnam). Bên cạnh đó, một số trường THCS và THPT trưng bày các robot tự chế có các chức năng như cứu hỏa, dọn rác, gieo hạt, an ninh, và robot dùng năng lượng mặt trời… Đặc biệt, 4 đội tuyển robot VEX IQ của huyện Phù Ninh từng tham dự Cuộc thi toàn quốc VEX IQ Robotics 2023 hồi tháng Hai, tổ chức sân khấu riêng để biểu diễn robot VEX IQ như một báo cáo nho nhỏ rằng huyện Phù Ninh đứng đầu trong số các quận/huyện có nhiều đội tuyển robot VEX IQ nhất cả nước. Đáng nói là, khối THCS ở Phù Ninh có 5 bộ robot VEX IQ thì 3 trong số đó đi mượn, 2 bộ còn lại được tặng do Phù Ninh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để thúc đẩy giáo dục STEM.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thi đấu lập trình robot VEX IQ trong Ngày hội STEM “Chắp cánh ước mơ 4.0” hôm 23/4/2023. Ảnh: ĐHS
Sân chơi robotics của các trường mầm non huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, tại Ngày hội “Chuyển đổi số – Giáo dục STEM” hôm 21/4/2023. Ảnh: ĐHS

Có thể nói Ngày hội STEM chính là dịp để lãnh đạo ngành GD&ĐT huyện Phù Ninh báo cáo với lãnh đạo về thành công của bước thử nghiệm xóa mù lập trình, tạo tiền đề cho việc xóa mù lập trình cho 100% học sinh và giáo viên toàn huyện trong năm học mới 2023-2024. Các công nghệ được khai thác trong quá trình thử nghiệm đều là miễn phí (công nghệ robot ảo VEX VR) hoặc không tốn kém (KCBOT). Phù Ninh tin tưởng rằng, sử dụng được cả hai công nghệ này thì có thể xóa mù lập trình cho toàn bộ học sinh và giáo viên.

Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên -  giải Tỏa sáng sức mạnh tri thức (Power of Radiance) 2023 - trao tặng một bộ robot VEX IQ cho CLB robot gồm toàn nữ sinh của Trường THCS Thị trấn Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, trong khuôn khổ Ngày hội STEM “Chắp cánh ước mơ 4.0” hôm 23/4/2023. Ảnh: ĐHS
Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên - giải Tỏa sáng sức mạnh tri thức (Power of Radiance) 2023 - trao tặng một bộ robot VEX IQ cho CLB robot gồm toàn nữ sinh của Trường THCS Thị trấn Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, hôm 9/4/2023. Ảnh: ĐHS

Những sân chơi robotics phong phú như ở huyện Phù Ninh còn được chúng tôi quan sát thấy ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Là một huyện thuộc danh sách 74 huyện khó khăn nhất của cả nước nhưng hai trường ở đây - gồm Trường THCS Thị trấn Văn Quan và Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú của huyện - đã lập được 3 câu lạc bộ robot VEX IQ, với 3 con robot vừa được tặng vừa đi mượn. Đặc biệt, Trường THCS Thị trấn Văn Quan có câu lạc bộ robot VEX IQ đầu tiên trên cả nước gồm toàn thành viên nữ, bên cạnh một câu lạc bộ STEM gồm cả nam và nữ. Còn Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Văn Quan thì tổ chức được sân đá bóng dùng robot do Maker Việt tặng.

Sân chơi robotics của các trường mầm non huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, tại Ngày hội “Chuyển đổi số – Giáo dục STEM” hôm 21/4/2023. Ảnh: ĐHS
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thi đấu lập trình robot VEX IQ trong Ngày hội STEM “Chắp cánh ước mơ 4.0” hôm 23/4/2023. Ảnh: ĐHS

Đến dự Ngày hội STEM 2023 ở Trường Tiểu học và THCS Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngày 23/4 mới đây, chúng tôi cũng được chứng kiến nhiều nội dung robotics - từ biểu diễn, thi lập trình robot VEX IQ và robot KCBOT, đến thi điều khiển xe địa hình từ xa.

Xóa mù lập trình có một ý nghĩa rất quan trọng, đó là giúp học sinh và giáo viên chuyển đổi từ sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet để làm việc, học tập, và khai thác tài nguyên thông tin lên cấp độ cao hơn: nhờ biết lập trình, học sinh và giáo viên bước đầu học được ngôn ngữ giao tiếp giữa con người với các hệ thống máy móc và các công nghệ nổi bật trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay công nghiệp 4.0) như: robot, AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật kết nối)… Đây cũng chính là năng lực tối thiểu mà các thế hệ người lao động tương lai cần có.

Trong bối cảnh việc xóa mù lập trình thường bị cho là tốn kém và khó làm vì có rào cản tài chính và chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của Phù Ninh và một số địa phương đang cho thấy điều ngược lại.

Sau khoảng 4 giờ quan sát Ngày hội STEM ở Phù Ninh, các chuyên gia giáo dục STEM giàu kinh nghiệm từ Hà Nội còn đặc biệt ấn tượng với chủ đề Quy trình thiết kế kỹ thuật, nơi 19 trường THCS trưng bày các sản phẩm cùng các bản thiết kế kỹ thuật. Vì sao các chuyên gia Hà Nội bị bất ngờ - đó sẽ là nội dung trong bài viết tiếp theo của chúng tôi.

(Còn tiếp)