“Trái cấm” tại Vườn Địa đàng (Garden of Eden) mà Eva đã ăn và chia sẻ với Adam trong Kinh thánh thực chất là trái gì? Chẳng ai biết bởi Kinh chỉ gọi đó là “trái”. Vậy nên nếu đoán là “trái táo” thì có thể bạn đã nhầm.
Giáo sĩ (Do Thái giáo) Ari Zivotofsky, dạy ngành khoa học não bộ tại Đại học Bar-Ilan (Israel), cho biết: “Chúng tôi thực sự không rõ ‘trái cấm’ là gì. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đó là một trái táo.” Theo một chi tiết quan trọng được miêu tả trong Sáng Thế Ký (Genesis) – cuốn đầu tiên của Kinh Hebrew và Kinh Cựu Ước: Đức Chúa Trời đã cảnh báo Adam không được ăn trái từ “cây trí tuệ”, nhưng một con rắn từ trong vườn chui ra và bảo Eva cứ cắn một miếng. “Người nữ thấy trái của cây trông vừa ngon vừa đẹp mắt thì cả tin mà hái xuống rồi ăn, và đưa cho chồng cùng ăn (Sáng Thế Ký 3: 6).
Bức họa Địa đàng sa ngã của Fred De Noyelle. Ảnh: GODONG/Getty Images.
Zivotofsky lý giải: từ được sử dụng trong câu là “peri” – chỉ trái cây nói chung; mặt khác, từ “tapuach” mang nghĩa “trái táo” trong tiếng Do Thái hiện đại đã không hề xuất hiện trong Sáng Thế Ký hay năm cuốn đầu tiên của Kinh Hebrew. Như vậy, nếu không phải táo thì trái cấm là trái gì?
Talmud, bộ sưu tập các kinh điển Do Thái giáo và nhiều tác phẩm được hoàn thiện trong khoảng 500 năm sau Công nguyên, đã ghi nhận một số quan điểm về danh tính của trái cấm bí ẩn, nhưng không hề có táo – Zivotofsky cho biết. Nhiều giáo sĩ viết rằng đó có thể là trái vả (sung), vì trong Kinh Thánh, Adam và Eva nhận thấy mình đang khỏa thân sau khi ăn trái từ cây trí tuệ, cho nên họ phải dùng lá vả để che lại. Hoặc đó là lúa mì, bởi từ “chitah” chỉ lúa mì trong tiếng Hebrew cũng có cách đọc khá giống “cheit” chỉ tội lỗi. Ngoài ra, nho (dùng làm rượu vang) cũng là một khả năng khác. Sau cùng, các giáo sĩ viết: “trái cấm” có thể là citron hoặc “etrog” (tiếng Hebrew) – một loại trái có vị đắng, thuộc họ chanh, thường được sử dụng trong lễ hội mùa thu của người Do Thái ở Sukkot để mừng mùa màng thuận lợi.
Theo một bài báo trên Nature Communications (năm 2017), trước tất cả những ứng viên “trái cấm” kể trên, làm thế nào mà táo - vốn không có nguồn gốc từ Trung Đông, mà là Kazakhstan ở vùng Trung Á – lại trở thành cách diễn dịch chủ yếu? Zibotofsky cho rằng điều này có thể không bắt nguồn từ truyền thuyết hay trong văn chương, nghệ thuật của người Do Thái. Căn nguyên của nó, khả năng cao là tại Roma vào năm 382 sau Công nguyên, khi Giáo hoàng Damasus I yêu cầu học giả Jerome dịch Kinh thánh sang tiếng Latin – bách khoa thư Encyclopedia Britannica ghi chép. Theo Robert Appelbaum, giáo sư danh dự (emeritus professor) ngành văn chương Anh tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), tác giả cuốn Aguecheek’s Beef, Belch’s Hiccup and Other Gastronomic Interjections (NXB Đại học Chicago, 2006): Jerome đã dịch từ “peri” trong tiếng Do Thái sang “malum” trong tiếng Latin. Từ “malum” trong tiếng Latin sau lại được dịch sang tiếng Anh là “apple”, chỉ bất cứ loại trái cây nào có lõi hạt ở giữa và phần thịt bao quanh – một thuật ngữ chung. Từ “apple” mang nghĩa này cho đến tận thế kỷ 17 – tham khảo từ điển Etymological Dictionary trực tuyến. Có lẽ Jerome đã chọn từ “malum” – ngoài “trái cây” còn mang nghĩa khác là “xấu xa”, một cách chơi chữ nhằm ám chỉ tội lỗi đầu tiên của con người.
Trái citron thuộc họ chanh, được gọi bằng từ “etrog” trong tiếng Hebrew. Ảnh: Edelmar/Getty Images.
Bức họa Ghent Altarpiece được vẽ vào thế kỷ 15 mô tả Eva (phải) cầm một trái citron. Ảnh: DIRK WAEM/Getty Images.
Trong khi đó, những bức họa và tác phẩm nghệ thuật khác về Vườn Địa đàng cũng góp phần khiến táo được xem là “trái cấm”. Appelbaum lý giải: không như văn bản, trái cây trong nghệ thuật không thể mang tính chung chung. Ông nói: “Hơn cả nhà văn, người nghệ sĩ cần thể hiện một cái gì đó, và không phải lúc nào cũng là một trái táo”. Các bức họa theo chủ đề Fall from Eden (Địa đàng sa ngã) đã đặc tả trái cấm giống như trái chanh (citron) – bức Ghent Altarpiece của Hubert và Jan van Eyck (1432), quả mơ (apricot) – bức Eve Tempted By the Serpent của Defendente Ferrari (1520 – 1525), và quả lựu (pomegranate) – bức The Fall of Man của Peter Paul Rubens (1628 – 1629),…
Sang đến thế kỷ 16, táo bắt đầu lọt vào danh sách. Năm 1504, một bức khắc họa của Albrecht Dürer, và một bức khác do Lucas Cranach the Elder vẽ năm 1533 (cả hai đều là người Đức) đã mô tả “trái cấm” giống như một trái táo – trang NPR viết. Cũng theo NPR, trong cuốn sử thi Paradise Lost (Thiên đàng đã mất), xuất bản lần đầu năm 1667, nhà thơ John Milton (người Anh) đã hai lần dùng từ “apple” để chỉ “trái cấm”. Tuy nhiên, “apple” trong Paradise Lost có thực sự là trái táo như chúng ta biết ngày nay, hay đó chỉ là một loại trái cây thông thường có hạt ở giữa và thịt bao quanh? Appelbaum tin có một vài điểm cần hoài nghi ở đây. Milton đã mô tả trái “apple” mà Eva cắn một miếng, rằng “nhìn bên ngoài thì bình thường nhưng bên trong cực kỳ ngon và có vị ngọt. Đó có phải là những đặc điểm chỉ trái đào (peach)?
Sau cùng, cây Franken – mang tới 40 loại trái (phải chăng là cây ghép) – có lẽ chưa tồn tại trong thời Kinh thánh được viết, nhưng nếu đúng thì đó sẽ là đầu mối giúp làm sáng tỏ bí ẩn này.