Vi nhựa có ở khắp mọi nơi, và các nhà khoa học đang gấp rút nghiên cứu tác động của những hạt nhựa nhỏ bé này đối với động vật biển và con người.

Dunzhu Li, một kỹ sư môi trường, thường quay bữa trưa của mình trong lò vi sóng mỗi ngày trong hộp nhựa. Nhưng Li đã chấm dứt thói quen này khi ông và các đồng nghiệp phát hiện, các hộp đựng thực phẩm bằng nhựa làm "rơi vãi" một lượng lớn các hạt nhựa nhỏ - được gọi là vi nhựa - vào nước nóng. “Chúng tôi đã bị sốc,” Li nói và các nhà nghiên cứu khác, tại Đại học Trinity, Dublin, báo cáo vào ngày 1/10 năm ngoái. Nhóm nghiên cứu tính toán, nếu cha mẹ chuẩn bị sữa công thức cho trẻ bằng cách lắc sữa trong nước nóng trong chai nhựa, con họ có thể nuốt phải hơn một triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

Điều mà Li và các nhà nghiên cứu khác chưa rõ là liệu những hạt nhựa này có nguy hiểm hay không. Tất cả mọi người đều ăn và hít phải cát và bụi, và không rõ liệu việc "ăn" hạt nhựa có gây hại cho sức khỏe con người hay không. “Tôi nghĩ rằng rủi ro tiềm ẩn có thể cao,” Li nói.

Giới nghiên cứu đã lo lắng về những tác hại tiềm ẩn của vi nhựa từ gần 20 năm trở lại đây - tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu về vi nhựa cho đến nay đều tập trung vào những rủi ro đối với sinh vật biển.

Richard Thompson - nhà sinh thái học biển tại Đại học Plymouth, Vương quốc Anh - đã đặt ra thuật ngữ "vi nhựa" vào năm 2004 để mô tả các hạt nhựa có đường kính nhỏ hơn 5 mm, sau khi nhóm của ông tìm thấy chúng trên các bãi biển của Anh. Kể từ đó, các nhà khoa học quan sát thấy vi nhựa ở khắp mọi nơi họ thử tìm kiếm: trong các đại dương sâu; trong băng tuyết Bắc Cực và Nam Cực; trong động vật có vỏ, muối ăn, nước uống và bia; trong không khí hoặc rơi theo mưa trên các ngọn núi và thành phố. Phải mất nhiều thập kỷ những mảnh nhựa nhỏ này mới phân hủy hoàn toàn. “Gần như chắc chắn rằng có một mức độ tiếp xúc vi nhựa nhất định ở tất cả các loài", Tamara Galloway - nhà độc chất học sinh thái học tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh - cho biết.

Vi nhựa được thu thập từ sông Magothy ở Maryland, Mỹ.

Rủi ro tiềm ẩn

Các nghiên cứu sớm nhất về vi nhựa tập trung vào các vi nhựa được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, vi nhựa thoát ra từ vật liệu gốc trước khi chúng được đúc thành đồ vật, cũng như vi nhựa "rơi" ra từ chai lọ và đồ dùng nhựa khác. Tất cả số vi nhựa này trôi vào sông và đại dương: năm 2015, các nhà hải dương học ước tính có từ 15 nghìn tỷ đến 51 nghìn tỷ hạt vi nhựa trôi nổi ở các vùng nước bề mặt trên toàn thế giới. Các nguồn vi nhựa khác cũng được xác định: chẳng hạn như các hạt nhựa bong ra từ lốp xe ô tô trên đường và bong ra từ sợi tổng hợp may quần áo. Các hạt nhựa này được không khí thổi đi khắp nơi, đất liền cũng như trên biển, vì vậy mọi người có thể hít phải hoặc ăn phải vi nhựa nhựa từ nhiều nguồn.

Theo báo cáo của Albert Koelmans - nhà khoa học môi trường tại Đại học Wageningen, Hà Lan - các cuộc khảo sát tương đối hạn chế đến nay về vi nhựa trong không khí, nước, muối và hải sản cho thấy trẻ em và người lớn có thể ăn vào từ hàng chục đến hơn 100.000 hạt vi nhựa mỗi ngày. Theo tính toán của ông và các đồng nghiệp, trong trường hợp xấu nhất, con người có thể đang tiêu thụ một lượng vi nhựa tương đương với một chiếc... thẻ tín dụng trong vòng một năm.

Các cơ quan quản lý trên thế giới đang thực hiện bước đầu tiên để định lượng rủi ro của vi nhựa đối với sức khỏe con người - đo mức độ phơi nhiễm. Tháng 7 này, Ban Kiểm soát Tài nguyên Nước của bang California sẽ trở thành cơ quan quản lý đầu tiên trên thế giới công bố các phương pháp tiêu chuẩn để định lượng nồng độ vi nhựa trong nước uống, với mục đích giám sát nước trong vòng bốn năm tới và báo cáo công khai kết quả.

Bước tiếp theo là đánh giá tác động của những hạt nhựa nhỏ li ti đối với con người hoặc động vật. Bước này sẽ khá khó khăn. Hơn 100 nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho động vật, hầu hết là sinh vật sống dưới nước, tiếp xúc với vi nhựa. Nhưng phát hiện của họ - rằng việc tiếp xúc có thể khiến một số sinh vật sinh sản kém hiệu quả hơn hoặc bị tổn thương vật lý - rất khó lý giải cơ chế vì vi nhựa có nhiều hình dạng, kích thước và thành phần hóa học, và vi nhựa dùng trong nghiên cứu có thể khác với vi nhựa được tìm thấy trong môi trường.

Công nhân dọn dẹp thu gom các hạt nhựa từ bãi biển Arniston ở Western Cape, Nam Phi.

Những hạt nhỏ nhất, được gọi là nhựa nano - nhỏ hơn 1 micromet (µm) - khiến các nhà nghiên cứu lo lắng nhất. Một số có thể xâm nhập vào tế bào và làm gián đoạn hoạt động của tế bào. Nhưng hầu hết các hạt này quá nhỏ để các nhà khoa học có thể theo dõi - ước tính của Koelmans về vi nhựa trong chế độ ăn, và các quan sát của California đều không bao gồm loại nhựa này.

Một điều rõ ràng là: vấn đề vi nhựa sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Gần 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm, khối lượng này dự kiến ​​tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Ngay cả khi bằng một cách nào đó chúng ta có thể dừng tất cả việc sản xuất nhựa ngay bây giờ, nhựa vẫn tồn tại trong các bãi chôn lấp và môi trường - với khối lượng ước tính khoảng 5 tỷ tấn, và chúng sẽ tiếp tục phân hủy thành các mảnh nhỏ không thể thu hồi hoặc làm sạch, liên tục nâng cao mức độ vi nhựa. Koelmans gọi đây là một “quả bom hẹn giờ bằng nhựa”.

“Nếu bạn hỏi tôi về rủi ro, tôi không lo ngại về tình hình ngày hôm nay,” Koelmans nói. "Nhưng tôi lo ngại về tương lai nếu chúng ta không làm gì."

Mọi hiểu biết mới chỉ bắt đầu

Giới nghiên cứu có một số giả thuyết về việc các hạt nhựa có thể gây hại như thế nào. Nếu đủ nhỏ để xâm nhập vào các tế bào hoặc mô, chúng có thể gây kích ứng - như cách các sợi amiăng dài và mỏng có thể làm viêm mô phổi và dẫn đến ung thư.

Các hạt vi nhựa lớn hơn có nhiều khả năng gây ra các tác động tiêu cực, nếu có, thông qua độc tính hóa học. Các nhà sản xuất nhựa thường thêm vào các hợp chất như chất làm dẻo, chất ổn định và chất tạo màu, và nhiều chất trong số này rất nguy hiểm, có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết. Nhưng việc ăn phải vi nhựa có làm tăng đáng kể mức độ phơi nhiễm của chúng ta với các hóa chất này hay không phụ thuộc vào tốc độ các hóa chất "phai" ra khỏi các hạt nhựa và tốc độ di chuyển của các hạt nhựa trong cơ thể người - những yếu tố mà các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu nghiên cứu.

Một giả thuyết ​​khác cho rằng các hạt vi nhựa trong môi trường có thể thu hút các chất ô nhiễm hóa học và sau đó phân phối chúng vào động vật hoặc người khi ăn phải các hạt vi nhựa đã bị ô nhiễm. Nhưng dù sao thì động vật và con người cũng ăn phải chất ô nhiễm từ thức ăn và nước uống. Thậm chí những hạt nhựa khi nuốt phải có thể giúp loại bỏ chất ô nhiễm khỏi ruột động vật. Jennifer Lynch - nhà sinh vật biển liên kết với Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ ở Gaithersburg, Maryland - cho biết, đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể thống nhất với nhau về việc liệu vi nhựa mang chất ô nhiễm có phải là một vấn đề đáng lo hay không.

Có lẽ phương thức gây hại đơn giản nhất - ít ra là đối với các sinh vật biển - có thể là sinh vật nuốt phải những hạt nhựa không có giá trị dinh dưỡng nhưng chiếm chỗ chứa thức ăn, dẫn đến không ăn đủ thức ăn để tồn tại. Lynch - đồng lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Rác biển tại Đại học Hawaii Pacific, Honolulu - đã khám nghiệm xác những con rùa biển, phân tích nhựa trong ruột và hóa chất trong mô của chúng. Năm ngoái, nhóm của cô đã hoàn thành một bộ phân tích đối với 9 con rùa đồi mồi dưới 3 tuần tuổi. Một con non, chỉ dài 9 cm, có 42 mảnh nhựa trong đường tiêu hóa. Hầu hết là vi nhựa.

Hình ảnh một con rùa biển Hawaiian hawksbill sau khi nở bên cạnh những hạt nhựa có trong dạ dày của nó.

Thiếu các nghiên cứu trên người

Các nhà nghiên cứu hàng đầu cho biết chưa có nghiên cứu nào được công bố trực tiếp kiểm tra tác động của vi nhựa đối với con người. Các nghiên cứu hiện có chỉ dựa trên các thí nghiệm trên tế bào hoặc mô người tiếp xúc với vi nhựa, hoặc sử dụng động vật như chuột. Ví dụ, trong một nghiên cứu, những con chuột được cho ăn một lượng lớn vi nhựa dễ bị viêm ruột non. Ngoài ra, thử nghiệm trên chuột cho thấy những con chuột tiếp xúc với vi nhựa trong nghiên cứu có lượng tinh trùng thấp hơn, có ít con hơn, và chuột con của chúng nhỏ hơn so với các nhóm đối chứng. Một số nghiên cứu trong ống nghiệm trên tế bào hoặc mô người cũng cho thấy vi nhựa có độc tính.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ liệu nồng độ vi nhựa được sử dụng trong thử nghiệm có tương đương với nồng độ vi nhựa mà chuột - hoặc người - tiếp xúc thực tế hay không. Hầu hết các nghiên cứu cũng sử dụng hình cầu polystyrene, không đại diện cho sự đa dạng của vi nhựa mà con người ăn phải trong môi trường thực tế. Theo Koelmans, những nghiên cứu này chỉ là bước sơ khai. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu trên mô người trong ống nghiệm, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, họ không thể suy luận về tác động thực tế của vi nhựa lên toàn bộ cơ thể động vật từ ảnh hưởng của vi nhựa lên mô.

Một câu hỏi quan trọng là liệu vi nhựa có thể tồn tại trong cơ thể con người và có khả năng tích tụ trong một số mô hay không. Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện, các vi nhựa có đường kính khoảng 5 µm có thể ở trong ruột hoặc đi đến gan. Sử dụng dữ liệu rất hạn chế về tốc độ bài tiết vi nhựa của chuột và giả định rằng chỉ một phần nhỏ các hạt có kích thước 1–10 µm sẽ được hấp thụ vào cơ thể qua ruột, Koelmans và các đồng nghiệp ước tính, một người có thể tích tụ vài nghìn hạt vi nhựa trong cơ thể trong suốt cuộc đời.

Một số nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá liệu vi nhựa có thể được tìm thấy trong mô người hay không. Vào tháng 12 năm ngoái, một nhóm nghiên cứu lần đầu tiên ghi nhận điều này trong một nghiên cứu xem xét sáu loại nhau thai. Các nhà nghiên cứu đã phá vỡ mô bằng một loại hóa chất, sau đó kiểm tra những gì còn sót lại, và kết quả là có 12 hạt vi nhựa ở 4 nhau thai trong số đó. Tuy nhiên, Rolf Halden - kỹ sư sức khỏe môi trường tại Đại học bang Arizona, Tempe - cho rằng, những hạt này có thể là kết quả của sự ô nhiễm khi nhau thai được thu thập hoặc phân tích.

Theo Li có nhiều cách để giảm tiếp xúc với vi nhựa. Nghiên cứu đồ dùng nhà bếp của Li phát hiện, lượng vi nhựa thoát ra phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ - đó là lý do tại sao ông ngừng cho thực phẩm vào lò vi sóng trong hộp nhựa. Để giảm các vấn đề với bình sữa trẻ em, nhóm của ông đề xuất cha mẹ sau khi đun sôi bình sữa để tiệt trùng thì dùng nước nguội để rửa sạch các vi nhựa rơi ra trong quá trình tiệt trùng. Hoặc có thể dùng bình thủy tinh. Nhóm của Li hiện đang tuyển các bậc cha mẹ tình nguyện lấy mẫu nước tiểu và phân của con họ để phân tích vi nhựa.

Giới nghiên cứu cho rằng, hiện tại, mức độ vi nhựa và nhựa nano trong môi trường còn thấp và chưa ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhưng số lượng vi nhựa sẽ tăng lên. Tháng 9 năm ngoái, họ dự đoán lượng nhựa được thêm vào chất thải hiện có mỗi năm có thể tăng gấp đôi, từ 188 triệu tấn năm 2016 lên 380 triệu tấn vào năm 2040. Đến lúc đó, khoảng 10 triệu tấn trong số này có thể ở dạng hạt vi nhựa - chưa bao gồm các hạt liên tục bị xói mòn từ rác thải nhựa hiện có.

Cách cắt giảm nhựa nhanh nhất là loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần. “Chẳng ích gì khi sản xuất những thứ chỉ dùng trong 20 phút nhưng tồn tại trong 500 năm,” Galloway nói. "Đó là một cách hoàn toàn không bền vững."

Nguồn: